Bắt đầu hành trình mới

Dù pencak silat Việt Nam đã có một kỳ Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) thành công rực rỡ với hai tấm HCV, nhưng cũng vẫn còn đó những thất bại đầy tiếc nuối. Không dừng lại, những gương mặt trẻ lại vùi mình vào luyện tập trong nỗ lực cải thiện bản thân và phát huy niềm tự hào sau bước khởi đầu rực rỡ vừa đạt được. Cho dù, có thể môn này không còn trong chương trình thi đấu của ASIAD lần sau…
Bắt đầu hành trình mới

Vẫn như thường lệ, buổi tập của các VĐV pencak silat bắt đầu từ sáng sớm. Sau màn khởi động làm nóng cơ thể, sân tập lớn tràn đầy nhiệt huyết với những tiếng đệm chân va vào nhau cùng tiếng hét giòn vang. Ánh mắt sắc lẹm, ra đòn quyết đoán. Mỗi người đều cố gắng tập luyện để đạt được phong độ cao nhất, nhắm tới một suất tham dự giải thi đấu sắp tới.

Ở kỳ ASIAD vừa rồi, pencak silat lần đầu được đưa vào nội dung thi đấu chính thức và ngay lập tức mang về hai tấm HCV, giúp Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) thành công đạt chỉ tiêu đề ra. Đây cũng là lần đầu tiên, một bộ môn của TTVN giành được hai HCV trong một kỳ ASIAD. Ngoài hai tấm HCV của Nguyễn Văn Trí và Trần Đình Nam, pencak silat Việt Nam còn rực sáng cùng bảy tấm HCB và ba tấm HCĐ nữa. Lứa VĐV trẻ chất lượng, được đào tạo bài bản, đầy khát vọng chiến thắng của đoàn pencak silat đã tạo nên niềm cảm hứng và sức lan tỏa mạnh mẽ tới Đoàn TTVN nói chung.

Đánh giá thẳng thắn sau khi kết thúc Đại hội, HLV trưởng ĐT pencak silat Việt Nam Nguyễn Văn Hùng nhận định: “Thành tích của chúng ta đạt chỉ tiêu đề ra. Nhưng, nếu so sánh thực tế với các giải thi đấu thường niên quốc tế thì ASIAD đã cho thấy rõ ràng sự cạnh tranh khốc liệt cũng như tính chất căng thẳng hơn rất nhiều”.

Không chỉ vậy, HLV Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ nỗi lo lắng mà mình đã phải trải qua, về tâm lý thi đấu của các học trò: “Nghe đến Đại hội là đã thấy áp lực rồi. Như VĐV Nguyễn Văn Trí từng mất ngủ hai đêm liền. Khi bước vào hiệp 1 của trận chung kết tâm lý căng quá. Hiệp 2 để thua đối thủ. Phải tới hiệp thứ 3 Trí mới vực lại, gỡ điểm và lội ngược dòng thành công. Điều này chứng tỏ tâm lý thi đấu luôn ảnh hưởng rất lớn tới mỗi VĐV”.

Hơn thế nữa, ĐT pencak silat không có nhiều cơ hội cọ xát ở những giải đấu tầm cỡ, mà chỉ có hai lần tập huấn giao hữu với các đoàn Indonesia và Malaysia trước thềm ASIAD. Nhiều VĐV chủ chốt cũng không thể tham gia vì nhiều yếu tố chiến thuật. Thiếu đi những bước chạy đà cần thiết, dễ hiểu là các VĐV cũng có phần bị “ngợp hơn”, khó đạt đúng điểm rơi phong độ. Bởi vậy, khi trở về nước, ban huấn luyện đã trực tiếp gặp gỡ trao đổi với từng cá nhân, để phân tích thực tế từng điểm yếu, điểm mạnh của mỗi người, nhằm chuẩn bị cho chặng đường sắp tới.

Pencak silat chưa bao giờ bị gạt ra khỏi chương trình thi đấu của SEA Games từ năm 1993. Vậy nên, kể cả khi môn này không xuất hiện tại Olympic hay kỳ ASIAD tiếp theo, vẫn cần có sự đầu tư, vẫn cần bảo đảm hệ thống đào tạo bài bản, vẫn cần nỗ lực phát triển để tránh nguy cơ tụt hậu.

Lập tức lao vào tập luyện trong guồng quay mới ngay sau kỳ nghỉ ngắn, những giọt mồ hôi ướt sũng lưng áo hay những tiếng thét vang dậy phòng tập của các tuyển thủ đã cho thấy sự sẵn sàng cũng như quyết tâm cao độ về tương lai phía trước. Võ sĩ Trần Đình Nam (ảnh trên) khẳng định: “Tôi muốn tham dự giải châu Á tại Ấn Độ vào cuối tháng 9 này, cũng như SEA Games 2019 với mục tiêu giành được vị trí cao nhất cho pencak silat Việt Nam”.

Thành công tại ASIAD là vô cùng đáng tự hào, là nguồn động lực vô giá dành cho thầy trò HLV Nguyễn Văn Hùng. Nhưng, dù sao, thành công ấy cũng đã ở lại sau lưng. Trước mặt là những thách thức mới khó khăn và khốc liệt gấp bội.

HLV NGUYỄN VĂN HÙNG:

Hiện nay, nhiều nước Trung Đông như Iran, Uzbekistan, Kazakhstan… đã bắt đầu nhập cuộc ở sân chơi silat nên cục diện 5 - 10 năm sắp tới chắc chắn sẽ thay đổi rất nhiều. Đơn cử như bộ môn taekwondo. Chúng ta từng tự hào đứng thứ nhất Đông - Nam Á, giành HCB Olympic nhưng hiện nay chúng ta đứng ở vị trí nào?

Nếu hài lòng với thành tích hiện có mà không chú trọng đầu tư cho tương lai thì sẽ không thể có nhân tài để cạnh tranh trong những kỳ SEA Games hay những giải vô địch thế giới sắp tới. Đừng nghĩ cứ phải được tham dự ASIAD hay là những môn được tham dự Olympic thì mới đầu tư.