Xem World Cup trên xứ sở Bạch Dương

Tôi thấy mình thật may mắn khi trở lại nước Nga sau hơn hai mươi năm, đúng vào dịp trên xứ sở Bạch Dương, quê hương của những bản tình ca, rượu vodka và bánh mì đen đang diễn ra Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2018.

Chị Trịnh Hương Lan (thứ ba, từ phải sang) là người Việt sống ở nước Nga lâu năm, nhiệt tình cổ vũ cùng các cổ động viên Mexico.
Chị Trịnh Hương Lan (thứ ba, từ phải sang) là người Việt sống ở nước Nga lâu năm, nhiệt tình cổ vũ cùng các cổ động viên Mexico.

Đi đâu cũng gặp World Cup

Từ sân bay về trung tâm thủ đô Moscow, những rừng bạch dương hai bên đường lướt qua cửa sổ xe ô-tô như vô vàn bàn tay vẫy, bất giác khiến chúng tôi cảm thấy thật bồi hồi. Đặc biệt, khi đi ngang qua sân vận động Luzhniki, một cảm giác lạ lùng xâm chiếm trong lòng chúng tôi. Mình đã có mặt ở đây rồi ư, nơi diễn ra những trận đấu quan trọng nhất, trong đó có chung kết World Cup 2018. Một rừng ký ức ùa về! Phía sau sân vận động, bên kia sông, rõ mồn một tòa tháp hình nến vút lên trên đồi Chim sẻ, chính là trường đại học Tổng hợp Moscow trứ danh mang tên Lomonosov. Có nhiều cách lý giải về cái tên đồi Chim sẻ, nhưng điều chắc chắn là không phải trên đồi có nhiều... chim sẻ. Nhiều ý kiến cho rằng vì vùng đất này xa xưa thuộc sở hữu của dòng họ Vorobyev (nghĩa gốc tiếng Nga là chim sẻ); lại có giả thiết nó được đặt theo biệt danh một vị mục sư từng cai quản nhà thờ chính thống giáo nằm trên ngọn đồi này. Vào thời chúng tôi đang du học ở Liên Xô, nó được gọi là đồi Lenin, gắn với bài hát “Đỉnh núi Lenin” nổi tiếng của Milyutin. Dịp này, trên đồi Chim sẻ, người Moscow đã khoanh một vùng rộng lớn có sức chứa trên 20 nghìn người, gọi là Fan Fest Zone để người hâm mộ đến xem và cổ vũ. Những ngày đội tuyển Nga thi đấu, số cổ động viên tăng gấp vài lần, làm nên một thánh địa hành hương của bóng đá...

Đi trên đường phố Moscow, thấy World Cup hiện diện nơi nơi. Tại tháp truyền hình Ostankino cao nhất thủ đô, bằng kỹ thuật ánh sáng, hình ảnh trái bóng tròn liên tục quấn quýt chạy trên thân cột tháp, rực lên trong đêm tối, suốt thời gian diễn ra World Cup. Giữa Quảng trường Đỏ, đối diện với Lăng Lenin, người ta quây thành một công viên bóng đá. Đích thân Tổng thống Nga V. Putin đã ghé vào công viên này và thực hiện một cú sút bóng từ đường chuyền của ông Gianni Infantino, Chủ tịch FIFA. Bên trong các siêu thị nổi tiếng như GUM, SUM, Ashan..., từng chùm bóng đá to bằng kích thước thật, được bài trí theo những hình thù lạ và đẹp mắt. Dọc thành các cây cầu trung tâm, cờ các nước tham dự World Cup phấp phới bay trong nắng vàng và gió nhẹ. Nhưng đông nhất, rực rỡ và sinh động nhất chính là các cổ động viên; họ đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới; họ không chỉ là tín đồ môn túc cầu mà còn là đại sứ văn hóa cho đất nước mình. Họ mặc trang phục dân tộc, mang cờ trên tay hoặc quấn quanh người, sánh vai hát vang đường phố; họ sẵn sàng chụp ảnh chung, thậm chí ôm chặt lấy bạn khi thấy trên cổ bạn đeo Fan ID (thẻ dành cho người đến nước Nga xem World Cup). Trong quán cà-phê, nhà hàng, khách sạn và các nơi công cộng... gần như chỗ nào cũng đặt màn hình ti-vi và kênh đang bật luôn là kênh thể thao - bóng đá!

Bỏ cả xem ballet kinh điển vì bóng đá

“Đắt đỏ như World Cup” - phải chăng nhận xét này phiến diện vì chuyến đi của chúng tôi mới chỉ đến Moscow và Saint Petersburg - hai thành phố sinh hoạt thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới. Vé bóng đá (giá gốc) trung bình khoảng 250 đô-la, tương đương với vé xem một vở ballet kinh điển tại Nhà hát Bolshoy. Cả hai tấm vé này đều mua không dễ. Vé xem ballet ở Nhà hát Bolshoy - biểu tượng nghệ thuật và văn hóa Nga, phải đặt trước nhiều tháng chưa chắc đã có; còn vé bóng đá chợ đen thì giá thường gấp đôi hoặc gấp cả chục lần, tùy trận.

Thử điểm qua một số mặt hàng lưu niệm “ăn theo World Cup”: chú chó sói linh vật Zabivaka làm bằng vải bông, giá hơn 800 nghìn đồng; quả bóng sử dụng tại World Cup xấp xỉ 4 triệu đồng. Một nàng Matrioska xinh đẹp, tùy kích cỡ, vật liệu, cách chế tác, giá từ 500 nghìn đến nhiều chục triệu đồng. Phải chăng, trong vật phẩm ấy có hàm lượng văn hóa nên đồng nghĩa với sự vô giá, khiến du khách mở hầu bao?

Đêm thứ hai ở Moscow, chúng tôi được người bạn thân mời đi xem ballet tại nhà hát Bolshoy. “Raymonda” là vở ballet kinh điển nổi tiếng, từ lần dựng đầu tiên vào năm 1900 đến nay mới chỉ được biểu diễn vỏn vẹn có 642 lần. Như vậy, trong vòng 118 năm, trung bình mỗi năm chỉ diễn năm, sáu lần, đủ thấy độ “quý hiếm” biết chừng nào. Duy có điều oái oăm, buổi tối hôm đó diễn ra trận nốc-ao trực tiếp giữa đội tuyển Nga và Tây Ban Nha tranh vé vào tứ kết. Ngồi trong nhà hát mà tâm trí chúng tôi để cả ngoài sân vận động. Tranh thủ giờ nghỉ giải lao giữa các chương của vở diễn, chúng tôi bật điện thoại theo dõi trận đấu. Đến loạt “đấu súng” giữa hai đội trên chấm phạt đền, anh bạn đi cùng tôi không kìm được nữa, bỏ dở vở ballet, lao ra khỏi nhà hát.

Vở ballet kết thúc. Quảng trường trước cửa Nhà hát Bolshoy đã trở thành một biển người và biển cờ. Không phân biệt lạ, quen người ta ôm lấy nhau nhảy, hát, hô vang tên nước Nga. Con đường trước mặt nhà hát biến thành dòng sông cờ khổng lồ cuồn cuộn chảy khiến chúng tôi liên tưởng đến không khí đón đội tuyển U23 của người dân Thủ đô Hà Nội ngày nào. Mãi đến nửa đêm tôi mới tìm được người bạn của mình trong dòng người đó. Tôi hỏi anh: “Bỏ cả xem Raymonda vì bóng đá, có tiếc không?”. Anh cười: “Cũng đáng. Đêm nay Moscow sẽ không ngủ. Trên mạng xã hội thông báo, số người đổ về Fan Zone trên đồi Chim sẻ đã lên tới gần 100 nghìn kìa!”.

“An toàn như sân vận động”

Đó là câu nói đùa và cũng là lời ngợi khen không thể chính xác hơn về công tác an ninh bảo vệ World Cup. Chúng tôi may mắn mua được vé xem trận Thụy Điển gặp Thụy Sĩ tại sân vận động Krestovky, mới xây trên hòn đảo cùng tên tại cố đô Saint Petersburg. Sân được bảo vệ bằng ba lớp an ninh. Lớp ngoài cùng nhan nhản cảnh sát và lính đặc nhiệm mặc áo giáp, trang bị vũ khí đến tận chân răng. Lớp an ninh thứ hai còn khắc nghiệt hơn cả trạm kiểm soát an ninh sân bay. Ngoài việc soi máy, quét Fan ID, cảnh sát còn lục soát khắp người, bắt giang tay, quay phải quay trái chán rồi mới cho qua. Lớp an ninh cuối cùng nhẹ nhàng hơn, chủ yếu là soát vé trước khi vào khán đài. Ngày thường, đi từ bảo tàng Ermitazh đến sân vận động chỉ mất khoảng 20 phút, những hôm đó để ngồi được vào ghế xem, chúng tôi phải mất tới gần ba giờ đồng hồ, riêng đi thời gian đi bộ mất gần hai tiếng. Chỉ khi vào đến nơi ai đó mới nói đùa, giá mà có xe ôm như ở Việt Nam thì giá nào cũng đi! Lẽ dĩ nhiên chỉ là nói cho vui, bởi vì nếu đi xe ôm chúng tôi sẽ bỏ qua một trải nghiệm đặc biệt. Khắp nơi, bên cạnh lực lượng cảnh sát đông đảo có lực lượng tình nguyện viên đông đảo không kém. Họ là những cô gái trẻ, xinh đẹp; khi hỏi chúng tôi được biết đa phần là sinh viên hoặc học sinh phổ thông lớp 11, 12. Trên tay họ cầm những bàn tay bằng mút hoặc xốp to tướng để chỉ dẫn hoặc đơn giản là thân thiện đập vào tay bạn thay cho lời chào thật teen. Họ nói tiếng Anh lưu loát, luôn giữ nụ cười trên môi và sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của bạn. Bạn muốn có một cái ôm nhè nhẹ khi chụp ảnh selfie chung ư? Sẵn sàng! Người cố đô Saint Petersburg không hề lạnh lùng hay sang chảnh nhé!

Vào trong khán đài rồi, công tác an ninh vẫn được tính đến từng chi tiết. Bia chai, bia lon chỉ bán khi đã rót ra cốc; nước đóng chai (nhựa), lúc bán cho khách sẽ thu lại nắp chai... Tóm lại, bất cứ thứ gì có khả năng trở thành vũ khí đều bị loại trừ, vô hiệu hóa. Trên mỗi tấm thẻ Fan ID đều ghi dòng chữ “Say no to racism” (Nói không với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc). Hôm ấy chúng tôi đã được xem trận cầu thú vị nhất trong đời chính là bởi được ở trong bầu không khí mới tinh, an toàn và thân thiện đó.

Cho đến lúc này có thể nói nước Nga đã tổ chức ngày hội World Cup thành công ngoài sức tưởng tượng, xóa tan những nghi ngờ, thậm chí cố tình ác ý về nước Nga. Đó phải chăng là cách ứng xử của những trượng phu, trước những chỉ trích sai lệch, cách trả lời đúng nhất là im lặng và thể hiện bằng hành động. Đó cũng là cách PR hình ảnh quốc gia khôn ngoan và hiệu quả nhất khiến nhiều người ngả mũ thán phục. Với những ai đến nước Nga xem World Cup dịp này, chắc chắn sẽ có những kỷ niệm để đời.

Xem World Cup trên xứ sở Bạch Dương ảnh 1

Không phân biệt màu da, quốc tịch, cùng cổ vũ cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Moscow - Hà Nội, 7-2018