Câu chuyện sân cỏ

Từ người đặc biệt đến kẻ lỗi thời

Jose Mourinho, cái tên vốn dĩ đã trở thành thương hiệu toàn cầu suốt gần hai thập kỷ qua. Nhưng thời gian có thể làm thay đổi mọi thứ, nếu ai đó không chịu thay đổi mình để phù hợp với thời cuộc. Mourinho bỗng nhiên từ một tượng đài bất khả xâm phạm, nay đã thành kẻ bị ghét...

Mourinho dường như đã lỗi thời trong cách huấn luyện một CLB.
Mourinho dường như đã lỗi thời trong cách huấn luyện một CLB.

1 Một lần nữa Mourinho bị sa thải. Trớ trêu. Man Utd đưa ra quyết định đúng vào ngày mà ba năm trước Chelsea cũng làm điều tương tự với ông (17-12). Vậy là ba CLB gần nhất mà Mourinho nắm quyền, ông đều chịu cảnh là người bị sa thải. Real Madrid, Chelsea và Man Utd. Ba CLB hàng đầu thế giới. Ba CLB là nơi hội tụ của những ngôi sao lớn. Và đó cũng là ba cạm bẫy mà Mourinho không thể vượt qua với cái gọi là “quyền lực phòng thay đồ”. Trong bóng đá hiện đại, chiến thuật hay lối chơi không phải là yếu tố quyết định tạo nên thành công của HLV nữa, mà còn là khả năng kiểm soát phòng thay đồ, cách thu phục những cầu thủ đẳng cấp mà ai cũng có một cá tính riêng. Mourinho biết vậy. Nhưng ông không chấp nhận điều đó.

Ngày Mourinho trở thành hiện tượng, ông tự cho mình là “người đặc biệt”. Tất cả phải quy phục ông một cách vô điều kiện. Bây giờ thì không có chuyện đó. Và Mourinho đã phải đương đầu với hàng loạt sự chống đối ngấm ngầm nảy sinh từ Real đến Chelsea và Man Utd với kịch bản giống hệt nhau: các cầu thủ sa sút, thành tích đội bóng đi xuống, những điều tiếng rằng hàng loạt trụ cột muốn ông ra đi... Ở Real, Mourinho không hài lòng với các bữa ăn, ông lao vào tận nhà bếp của CLB, sa thải ba đầu bếp chính, tự tay lên thực đơn cho cầu thủ mà không cần thông qua bất kỳ ai. Sau vụ này một thời gian ngắn, ông bị sa thải. Tại Chelsea, Mourinho mắng thẳng mặt nữ bác sĩ của đội ngay tại sân, sau đó sa thải cô. Vụ này trở thành scandal lớn gây tranh cãi suốt một thời gian dài. Sau đó một thời gian ngắn, Mourinho cũng bị sa thải. Tại Man Utd, Mourinho không sa thải nhân viên nào cả. Nhưng kết cục bi đát của Man Utd khiến ông phải ra đi, khi mà sự chống đối của các cầu thủ ở đỉnh điểm, còn nghiêm trọng hơn cả ở Real hay Chelsea. Gần như các cầu thủ Man Utd không đá bóng, với “tiêu điểm” lớn nhất là Pogba. Và một lần nữa, Mourinho thất bại trong cuộc chiến quy phục cầu thủ.

2 Một HLV bị sa thải là chuyện bình thường, nhưng bị sa thải liên tục vì cùng một nguyên nhân thì cũng có thể biến người đặc biệt thành người bình thường. Mourinho dị biệt. Nhưng bây giờ chưa chắc “dị” hơn Diego Simeone. Simeone cũng như Mourinho, không che giấu, chẳng đeo mặt nạ, mà cứ trần trụi, bốc cháy dữ dội trên đường pitch. Simeone cũng có triết lý của mình, nhưng nó đứng vững trong bất kể hoàn cảnh nào. Và triết lý đó có giá trị ở một đội bóng không nhiều tiền, không nhiều sao, khác với cách áp đặt mà Mourinho tạo ra ở những đội bóng lớn. Simeone đạt tới đỉnh cao của triết lý tạm gọi là “phương pháp huấn luyện cảm xúc”. Ông đưa bóng đá trở về với cội nguồn, bằng cách tập trung vào khái niệm “đội” chứ không phải chủ nghĩa cá nhân mà cả châu Âu đang hướng tới, với liên tiếp những bản hợp đồng bom tấn, những kỷ lục chuyển nhượng diễn ra theo từng mùa, với những cái giá ngút ngàn và đầy ảo giác. Simeone mặc kệ những cơn bão tố tiền bạc đang sẵn sàng thổi bay cả châu Âu, ông bảo: “Hãy cứ đầu tư hãy cứ mua ngôi sao, đánh bạc với những núi tiền khổng lồ đi. Atletico của tôi cần một tập thể mạnh chứ không cần những cá nhân xuất chúng”. Điều này khác biệt hẳn so với Pep Guardiola và Barca. Guardiola, HLV tuyệt đỉnh của châu Âu, nhưng ông luôn nắm quyền ở những đội bóng lớn, giàu tiền bạc, và luôn có một nền tảng vững chắc về lực lượng, truyền thống, từ Barca đến Bayern và giờ là Man City. Còn Simeone thì không có những điều đó. Đúng ra là Simeone không cần những điều đó. Tự tay Simeone tạo ra những ngôi sao, những giá trị cho riêng mình. Từ Godin, Diego Costa, Saul, Gabi, đến Griezmann, Koke, Thibaut Courtois... tất cả đều thành những ngôi sao đắt giá nhờ tay Simeone. Cụ thể, bằng những thứ mình có, Simeone từng loại Bayern của Guardiola tại bán kết Champions League 2015/16. Với ngân sách chỉ là 123 triệu euro, chỉ bằng một phần nhỏ so với con số trên 500 triệu euro của Real Madrid, Simeone đã minh chứng cho sự điên rồ của mình và của cả một đội bóng có thể làm được mọi thứ nhờ cảm xúc. Thành công của Simeone được xây dựng ở ba yếu tố: cảm hứng, sự bình đẳng trong tập thể và khả năng thích nghi. Trong cuốn sách viết về Simeone, tác giả Santi Garcia Bustamente viết rằng, Simeone xác định rõ: một người HLV là người phải có khả năng kích thích, truyền cảm hứng và chinh phục tâm lý cầu thủ.

Triết lý của Mourinho là gì? Phòng ngự phản công, thực dụng, không cần đẹp mà cần hiệu quả. Giữ bóng ít tức là ít mắc lỗi. Triết lý của Mourinho mang tính chiến thuật, còn triết lý của Simeone mang tính cảm xúc và ở đó có yếu tố mà ông cho là rất quan trọng: chinh phục tâm lý cầu thủ. Mourinho không có điều này. Và cùng với thời gian, ông thất bại.

Từ người đặc biệt đến kẻ lỗi thời ảnh 1

Ảnh trong bài: getty

3 Một số chuyên gia bóng đá Anh “mạnh dạn” nói rằng, Mourinho là HLV của quá khứ. Nó đúng về nghĩa bóng. Bởi Mourinho đã già cỗi về tư tưởng và lạc hậu về nhận thức. Pep vẫn hằng ngày làm thầy giáo tinh thần cho các cầu thủ. Zidane, HLV được coi là thành công nhất thế giới vài năm qua cùng những siêu thành tựu với Real (ba chức VĐ Champions League), thậm chí còn bị nói là HLV không có nhiều yếu tố chiến thuật, nhưng thành công vì biết tạo động lực và quy phục cầu thủ.

Mourinho dĩ nhiên không phải HLV tầm thường. Nhưng ông lỗi thời. Bóng đá hiện đại dường như đã không có chỗ cho một ngôi sao duy nhất, bất kể đó là ai. Khi giá trị cầu thủ ngày càng cao, lên hàng trăm triệu euro và mức lương hàng chục triệu euro mỗi năm, người thất thế sẽ là HLV chứ không phải cầu thủ. Kỷ nguyên bàn tay sắt như Sir Ferguson ngày xưa đã qua lâu rồi. Và một HLV giỏi không chỉ đơn thuần là người tạo ra triết lý nữa. Mourinho lần thứ ba liên tiếp bị sa thải.