70 năm Thể dục thể thao (1946 - 2016)

Từ lời kêu gọi của Bác Hồ

“Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe", đó là một câu trong bài "Sức khỏe và thể dục" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc ngày 27-3-1946. Và cũng chính là "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục" của Bác, từ đó chính thức khai sinh ra ngành thể dục, thể thao cách mạng.

Bác Hồ tập võ sau giờ làm việc. Ảnh | TƯ LIỆU
Bác Hồ tập võ sau giờ làm việc. Ảnh | TƯ LIỆU

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa lãnh đạo nhân dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, vừa chủ động tích cực khắc phục tình trạng ốm yếu của người dân. Dù công việc lãnh đạo đất nước vô cùng bận rộn, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, Người vẫn dành cho công tác thể dục, thể thao (TDTT) một sự quan tâm đặc biệt. Ngày 30-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên. Ngành TDTT mới có nhiệm vụ là liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc nhằm tăng cường sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam. Để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, hai tháng sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 38 ngày 27-3-1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Từ năm 1991, Chính phủ quyết định lấy ngày 27-3 hằng năm là Ngày Thể thao Việt Nam.

Để nền thể thao mới hình thành và phát triển mang bản chất cách mạng, vì lợi ích của toàn dân và đất nước thì điều cơ bản nhất phải có sự định hướng đúng đắn, chỉ ra được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” dẫn đường, chỉ lối cho công tác TDTT cách mạng lúc đó. Bác vạch rõ cả ý nghĩa, mục đích cũng như phương pháp, lợi ích của việc tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Bác viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”. Theo Bác: “Dân cường thì quốc thịnh”. Lời kêu gọi của Bác Hồ có ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân. Ngay từ những ngày đầu chính quyền cách mạng cho đến những năm dài kháng chiến, hòa bình xây dựng đất nước, lời kêu gọi của Bác đã cổ vũ, động viên toàn dân, toàn quân ta khắp mọi miền đất nước, dấy lên phong trào luyện tập, bồi bổ sức khỏe sâu rộng. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác đối ngoại TDTT. Người cho rằng, đó là một trong những phương tiện quan trọng để giao lưu, đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước năm châu.

Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”, câu cuối cùng trong lời kêu gọi của Bác cho thấy Người hiểu được giá trị của việc rèn luyện thể lực và luôn xem việc rèn luyện là lẽ sống, là điều hiển nhiên ở đời, đúng như câu nói “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Có sức khỏe là có tất cả, chỉ có sức khỏe mới đem lại cho con người có cuộc sống hạnh phúc, có sức lao động, công tác, chiến đấu và học tập tốt. Những ngày ở Dục Thanh, theo tài liệu của Viện Lịch sử Đảng thì “sáng nào, thầy Thành cũng dậy sớm và gọi mọi người ra sân tập thể dục”. Hầu hết trong các tài liệu đều ghi: Xuân 1941, từ nước ngoài về đến Cao Bằng, hoạt động bí mật trong điều kiện cực kỳ ngặt nghèo, Bác không những duy trì việc tập luyện cho riêng mình, mà còn nung nấu làm sao cho mọi người cùng được tập luyện, đặng giữ gìn tăng cường sức khỏe... Không những vậy, Bác còn rất am hiểu và chơi nhiều môn thể thao như bóng chuyền, bi-a, bơi lội, võ thuật, cờ tướng...

Sau 70 năm xây dựng và trưởng thành, nền TDTT nước nhà đã có những buớc tiến đáng kể qua từng chặng đường phát triển. Mỗi chặng đường đi qua được ghi dấu ấn với sự phát triển của phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, qua đó tạo dựng và lan tỏa hình ảnh, con người Việt Nam ra thế giới.

Có sức khỏe là có tất cả, chỉ có sức khỏe mới đem lại cho con người có cuộc sống hạnh phúc, có sức lao động, công tác, chiến đấu và học tập tốt.