Thế vận hội sau cánh cửa đóng

Sau khi Olympic Tokyo 2020 phải hoãn lại một năm vì đại dịch Covid-19 đã có nhiều lo ngại về khả năng Thế vận hội có diễn ra hay không, bởi nhiều quốc gia có số ca nhiễm gia tăng, trong đó có Nhật Bản. Theo khảo sát gần nhất, 80% người dân Nhật Bản muốn dời ngày hoặc hủy Thế vận hội. Tuy nhiên, với quyết tâm của mình, nước chủ nhà chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sự kiện thể thao quan trọng diễn ra vào mùa hè này.

Olympic Tokyo năm nay sẽ không có khán giả nước ngoài. Ảnh | BLOOMBERG
Olympic Tokyo năm nay sẽ không có khán giả nước ngoài. Ảnh | BLOOMBERG

Quyết định đóng cửa với CĐV nước ngoài được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến năm bên giữa Trưởng Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo Seiko Hashimoto, Bộ trưởng Olympic Tamayo Marukawa, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach và Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) Andrew Parson vào ngày 20-3. Các nhà tổ chức cho biết, tuyên bố trên là đáng thất vọng nhưng “không thể tránh khỏi” khi họ cố gắng tổ chức các trận đấu một cách an toàn với dịch Covid-19 chưa được kiểm soát ở nhiều nước. Lệnh cấm chưa từng có sẽ biến Olympic Tokyo lần đầu tiên không có khán giả nước ngoài với 630 nghìn vé sẽ được hoàn lại. Các hoạt động thi đấu sẽ được truyền hình trực tiếp tới khán giả toàn cầu thông qua công nghệ truyền hình tiên tiến nhất. Từ tháng 12-2020, Nhật Bản đã cấm du khách nước ngoài trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Trong hơn hai tháng đầu năm nay, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục ở Nhật Bản, khiến quan chức Tokyo phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Chiến dịch tiêm vaccine của nước này diễn ra chậm hơn các quốc gia khác. Theo bà Seiko Hashimoto, quyết định này là cần thiết để “hiện thực hóa một giải đấu an toàn cho những người tham gia và người dân Nhật Bản”.

Đất nước Mặt trời mọc đã đầu tư rất tốn kém cho công tác chuẩn bị Olympic và Paralympic. Hàng loạt dự án táo bạo về giao thông thông minh, dịch vụ tự động hóa với hàng loạt robot thế hệ mới... để kỳ vọng sẽ biến thủ đô Tokyo thành một “đô thị siêu thông minh”, tạo ra một màn trình diễn văn hóa - công nghệ gây ấn tượng mạnh với du khách quốc tế. Việc trì hoãn Olympic Tokyo 2020 một năm, đồng thời tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh đã khiến tổng ngân sách tổ chức tăng lên mức khoảng 15 tỷ USD, trở thành Thế vận hội đắt đỏ bậc nhất từ trước tới nay. Và với lệnh đóng cửa này, chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi thuộc Viện Nghiên cứu Nomura ước tính Nhật Bản sẽ thiệt hại khoảng 150 tỷ yên (khoảng 1,4 tỷ USD) chủ yếu là nguồn thu từ chi tiêu tiêu dùng của khách du lịch nước ngoài. Bên cạnh đó, do sự quan tâm của khán giả đối với các sự kiện thể thao này giảm sút, tác động kích thích chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Olympic và Paralympic sẽ giảm 50%, trong khi các công ty sẽ giảm hoạt động tiếp thị. Chưa kể những thiệt hại không tính được như cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước Nhật Bản và phát triển ngành du lịch.

Dự kiến sẽ có hơn 11.000 VĐV đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, 4.000 VĐV Paralympic, hàng nghìn nhân viên, đội ngũ hỗ trợ, HLV, truyền thông... tham dự Olympic Tokyo. IOC và ban tổ chức Olympic đã phát hành tài liệu nguyên tắc ngừa dịch dày 33 trang cảnh báo các VĐV có thể buộc phải rời sân chơi danh giá này nếu họ vi phạm các nguyên tắc phòng dịch. VĐV phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi đến Nhật Bản và xét nghiệm thêm một lần nữa ngay khi đến nơi. VĐV không cần trải qua thời gian cách ly và vẫn được phép tham gia trại huấn luyện ở Nhật Bản trước khi Thế vận hội bắt đầu, tuy nhiên mọi hoạt động của họ phải được theo dõi một cách chặt chẽ, xét nghiệm Covid-19 tối thiểu bốn ngày/lần và sẽ bị cấm thi đấu nếu có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2...

Theo kế hoạch, Olympic Tokyo sẽ bắt đầu từ 23-7 đến 8-8, trong khi Paralympic sẽ diễn ra từ 24-8 đến 5-9. Dù được tổ chức vào năm 2021 nhưng tên gọi của kỳ Thế vận hội này là Olympic Tokyo 2020 vẫn được giữ nguyên và nếu diễn ra thành công sẽ là thông điệp tuyệt vời cổ vũ thế giới chiến thắng đại dịch Covid-19. Một lần nữa “tinh thần Nhật Bản” được khẳng định khi quyết tâm tổ chức Thế vận hội trong bối cảnh khó khăn, hy sinh lợi ích kinh tế vì sự an toàn của cộng đồng.