Gương mặt

Tay vợt Đinh Quang Linh và “cú giao bóng” cuộc đời

Dù vẫn đang tung hoành ở giải trong nước khi đã bước sang tuổi “băm”, tay vợt Quân đội Đinh Quang Linh cũng đã chuẩn bị cho mình một ngã rẽ mới mà anh ấp ủ thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Trung tâm huấn luyện và phát triển tài năng bóng bàn mang thương hiệu... Linh “Muối” sắp ra mắt không chỉ là đứa con đẻ đầy tâm huyết, mà còn là một mô hình mới lần đầu tiên “trình làng”, là nơi được kỳ vọng sẽ sản sinh ra nhiều tài năng trẻ bóng bàn Việt Nam, tạo cú hích cho sự phát triển của bóng bàn nước nhà trong tương lai.

Ảnh | VIỆT KHÔI
Ảnh | VIỆT KHÔI

Thức trắng đêm cùng “đứa con đẻ”

Đinh Quang Linh thời gian gần đây gày đi trông thấy với gương mặt thiếu ngủ. Hỏi ra mới biết nhà vô địch SEA Games nội dung đồng đội đang phải chạy đua với thời gian để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng chuẩn bị khai trương Trung tâm huấn luyện và phát triển tài năng bóng bàn Linh “Muối”.

Cái tên Linh “Muối” gắn liền với một giai đoạn lịch sử của bóng bàn Việt Nam, với những tay vợt xuất sắc như Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Nam Hải, Huy Hoàng... Còn nhớ, năm 2005, Đinh Quang Linh buộc người ta phải nhắc đến bóng bàn Quân đội sau 16 năm chìm vào quên lãng. Đấy là khi 19 tuổi, Linh cùng các tay vợt trẻ Dương Văn Nam (17 tuổi), Đỗ Trọng Thắng (17 tuổi) quật ngã các đàn anh Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Nam Hải, Phan Huy Hoàng của Hà Nội để đoạt ngôi vô địch quốc gia.

Năm 2017, vẫn là Đinh Quang Linh cùng với Đoàn Bá Tuấn Anh, Nguyễn Anh Tú, Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Đức Tuân đã làm nên lịch sử cho bóng bàn Việt Nam khi lần đầu tiên giành HCV SEA Games ở nội dung đồng đội - nội dung danh giá nhất của môn bóng bàn. Còn vô số chiến tích khác khiến người ta phải dành cho Đinh Quang Linh sự kính nể, thậm chí chỉ chưa đầy một năm trước, dù ở độ tuổi ngoài 30 nhưng tay vợt Quân đội đã xuất sắc giành tấm HCV Đại hội TDTT toàn quốc.

Những dấu ấn, thành công ấy, đã thôi thúc tay vợt sinh năm 1986 phải làm “cái gì đó” để đời, và sau nhiều năm “thai nghén”, cuối cùng thì anh cũng thực hiện được giấc mơ lớn nhất của mình.

“Từ khi còn trẻ, tôi đã có giấc mơ thành lập một trung tâm bóng bàn quy mô lớn. Việt Nam có nhiều CLB bóng bàn, nhưng với một trung tâm có đầy đủ cơ sở vật chất tầm quốc tế thì gần như không có. Thật ra nhiều người cũng muốn làm nhưng họ không tìm được địa điểm cũng như sự chuẩn bị về tài chính. Rất may là tôi có những yếu tố đó, và đến giờ thì mọi thứ gần như đã hoàn thiện”, Đinh Quang Linh chia sẻ.

Tay vợt Quân đội cho biết từ sau Tết, anh lao vào công việc. Ngoài thời gian hành chính ở đơn vị và tập luyện, Quang Linh dành hết tâm huyết cho trung tâm. Có những hôm một mình anh thức đến sáng để lắp đặt các thiết bị cho kịp tiến độ. Từ những việc nhỏ nhất tới phức tạp, đều có dấu tay của VĐV quê Nam Định này. Trung tâm của Quang Linh được đầu tư đúng chuẩn quốc tế, các thiết bị như bàn, vợt, sàn, thậm chí là cả đèn, cũng đều được nhập ngoại. Các VĐV bóng bàn nổi tiếng Việt Nam khi tới tham quan trung tâm của Linh “Muối” đều phải thốt lên: “Đến giải vô địch quốc gia cũng phải ghen tị”.

Nhưng sự đầu tư tốn kém về tài chính, công sức chỉ là một phần. Điều quan trọng hơn cả mà Đinh Quang Linh muốn hướng tới là từ sự ra đời của trung tâm này, anh sẽ mở thêm nhiều trung tâm khác trên cả nước, từ đó góp phần tìm kiếm và đào tạo ra những VĐV trẻ tiềm năng cho bóng bàn Việt Nam.

Học bóng bàn khó gấp ba lần bóng đá

Nhờ tiếng tăm sau nhiều năm chinh chiến, cùng sự hậu thuẫn tích cực từ phía gia đình, bạn bè và phần nào đó là “Mạnh thường quân”, trung tâm bóng bàn của Đinh Quang Linh sẽ chính thức khai trương vào ngày 1-6 tới. Để trung tâm đi vào hoạt động với đúng mục đích là huấn luyện, đào tạo các tài năng trẻ, anh đặc biệt chú trọng vào đội ngũ HLV. Đinh Quang Linh có sự đồng hành, giúp đỡ của các đồng đội ở ĐTQG, các thầy giáo ở Trường đại học TDTT và chính anh cũng là một người thầy chăm lo cho các VĐV trẻ. “Mô hình của trung tâm sẽ không chỉ là học bóng bàn, mà các VĐV trẻ sẽ được ở bán trú trong vòng một tháng để kết hợp cả học văn hóa, bóng đá, bơi lội... Tôi muốn hướng các VĐV tới đam mê bóng bàn, nhưng cũng phải phát triển toàn diện và có sự thoải mái”, tay vợt Quân đội cho biết.

Từng theo học bóng bàn từ nhỏ, Quang Linh chia sẻ rằng đây là môn thể thao có độ khó rất cao. Nếu tính về thời gian, việc đào tạo ra một VĐV bóng đá chỉ bằng một phần ba so với bóng bàn. Đó là lý do mà không phải VĐV nào cũng theo chuyên nghiệp và thi đấu đỉnh cao và có một thực tế là nhiều nơi chỉ thích đầu tư cho các môn võ, điền kinh, bóng đá... để sớm thu về thành tích.

Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn ra sao, thì khi đã tập bóng bàn, các VĐV phải được đào tạo một cách bài bản nhất. Nói như Linh “Muối”, có khổ luyện mới thành tài và chính anh sẽ đóng vai một chuyên gia với những bài giảng thực tế, những kinh nghiệm xương máu cho các VĐV trẻ ở trung tâm của mình.

Từ giải VĐQG tới giấc mơ châu lục

Tất bật với những khâu chuẩn bị cuối cùng của trung tâm, Đinh Quang Linh vẫn phải tập luyện ngày đêm để tham dự Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân 2019 diễn ra vào cuối tháng 5.

“Trung tâm rất quan trọng, nhưng với tôi thì công việc ở đơn vị vẫn được đặt lên hàng đầu. Tại Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân 2018 tôi giành HCĐ nội dung đơn nam, nhưng năm nay sẽ thi đấu ở nội dung đôi nam-nữ. Tôi cho rằng giải đấu này vẫn là cơ sở quan trọng nhất để bóng bàn Việt Nam tìm ra những nhân tố mới bổ sung cho ĐTQG. Bóng bàn Việt Nam trong những năm qua đã đạt được thành tích nhất định ở tầm khu vực và chúng ta không còn tâm lý sợ VĐV gốc Trung Quốc nữa. Tuy nhiên, để đạt tới tầm châu Á thì rất khó”, Quang Linh chia sẻ.

VĐV Quân đội nhấn mạnh tới sự đầu tư cho bóng bàn Việt Nam còn thua xa so với các quốc gia trong khu vực cũng như thế giới: “VĐV Việt Nam mỗi năm chỉ thi đấu quốc tế một đến hai lần, trong khi các quốc gia khác tham dự mấy chục giải. Chúng ta có yếu tố con người, có sự khéo léo, thông minh và chất “quái”, rất phù hợp với bóng bàn. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần mà thôi. Bóng bàn Việt Nam cần sự đầu tư đúng tầm, với vai trò kêu gọi tài trợ từ Liên đoàn”. Đinh Quang Linh đã chia tay đội tuyển và anh rất vui khi chứng kiến các VĐV trẻ phía sau mình đang thi đấu ngày một chững chạc, bản lĩnh. Những Anh Tú, Tuấn Anh... hoàn toàn có thể thi đấu ngang ngửa và cạnh tranh HCV với các đối thủ gốc Trung Quốc ở sân chơi khu vực.

Mong một ngày bóng bàn Việt Nam vươn tầm châu lục và chính Đinh Quang Linh cũng đang góp một phần sức của mình vào giấc mơ ấy khi bắt tay vào công tác đào tạo trẻ. Nếu con đường mà Đinh Quang Linh chọn đi tới thành công, thì đó là một cú hích thật sự cho bóng bàn nước nhà. Với bản thân, anh vẫn gắn bó với nghiệp bóng bàn với tâm huyết, sự quyết tâm đầy chất lính, để biến giấc mơ của mình thành bước ngoặt, thành “cú giao bóng” cuộc đời!

Tay vợt Đinh Quang Linh và “cú giao bóng” cuộc đời ảnh 1

Một góc Trung tâm huấn luyện và phát triển tài năng bóng bàn Linh Muối. Ảnh | QUYẾT NGUYỄN

Vợ làm quản lý cho chồng

Để trung tâm hoạt động hiệu quả hơn, Đinh Quang Linh đã “mời” vợ của mình về cùng quản lý. Hai vợ chồng “song kiếm hợp bích”, chia sẻ những khó khăn trong công việc, thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn!