Sadio Manesadio Mane

Sức mạnh của ước mơ

Mỗi ngôi sao bóng đá đều có một hành trình kỳ lạ, một con đường không hề bằng phẳng. Và chính họ là những người mang số phận khác biệt, tạo ra những động lực để thay đổi xã hội. Ở Liverpool, người ta biết nhiều đến Mohamed Salah, người được coi là biểu tượng ở Ai Cập. Nhưng ở đây còn một nhân vật nữa, Sadio Mane đang đặt dấu ấn của mình để thay đổi một vùng đất...

Sức mạnh của ước mơ

1. Ngôi làng Bambali (Sedhiou) nằm bên con sông Casamance nổi tiếng ở phía tây nam Senegal. Trên khắp các con phố nơi đây, tràn ngập hình ảnh, những tấm áp-phích tôn vinh Sadio Mane. Với những người ở đây, Sadio Mane là niềm tự hào, là người anh hùng thật sự. Ở một nơi mà sự nghèo khó tràn ngập trên từng ngôi nhà lợp bằng tranh và tôn, sự xuất hiện của Mane không chỉ là sự cổ vũ về tinh thần, mà còn là động lực cho những cậu bé. Trong vài năm qua, không ai khác, chính Mane đã trở lại, xây dựng một trường học, một bệnh viện, một nhà thờ Hồi giáo ở Bambali, khiến cuộc sống ở đây trở nên mầu sắc hơn.

Xuất phát điểm cũng giống như lũ trẻ ở Bambali, Mane vượt qua sự ám ảnh của nghèo khó bằng sức mạnh nội tâm, và khả năng thiên bẩm với trái bóng. Oliver Perrin, HLV đội trẻ CLB Metz (Pháp), nơi Mane lần đầu tiên được đào tạo chính thức, đã từng nhận định rằng: “Mane là một biểu tượng của sức mạnh ý chí và sự nỗ lực”. Đây là điều ai cũng có thể nói để dành cho những ngôi sao, nhưng Perrin hiểu ý nghĩa những gì mình nói, bởi ông biết rằng Mane từng bị ngăn cấm chơi bóng vì gia đình quá nghèo. Mane từng kể rằng phải về nhà một người bạn sống để tránh bị gia đình đánh vì quá đam mê trái bóng. Cuộc sống giấu giếm bản thân với trái bóng kéo dài cho đến năm 16 tuổi, khi Mane quyết định trốn gia đình để đến Dakar, thủ đô của Senegal tìm kiếm cơ hội. Mane giấu chiếc túi với những đồ dùng cần thiết bên ngoài vào tối hôm trước và chỉ nói với một người bạn, trước khi bỏ đi vào sáng hôm sau. Năm 2009, Mane vẫn còn chơi bóng phong trào ở khu vực Mbour, cách Dakar 80 km, sau đó tham dự một khóa tuyển của Học viện General Foot. Những gì Mane có là một đội giày rách, một chiếc quần soóc cũ. Được tuyển chọn thi đấu chuyên nghiệp ở học viện General Foot, nhưng Mane vẫn phải vừa đá bóng vừa làm việc trên cánh đồng lúa, hay làm việc ở những nông trại đậu phộng vào mùa hè để có thêm thu nhập.

2. Cơ hội đến bởi sự hợp tác giữa General Foot và CLB Metz đưa Mane thẳng tới với bóng đá chuyên nghiệp và thời điểm đó, Mane được coi là một viên ngọc với tốc độ, kỹ thuật, khả năng đi bóng, ghi bàn toàn diện. Chỉ sau một năm, Mane được bán sang Salzburg (Áo) sau một cuộc chuyển nhượng ly kỳ. Từ mức giá được thỏa thuận là hai triệu euro, sau một ngày với một trận đấu giao hữu, giá của Mane tăng gấp đôi, lên bốn triệu euro. Người quyết định mua Mane, tạo ra bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của cầu thủ này là Christoph Freund, người đã phát hiện ra hàng loạt ngôi sao như Naby Keita, Takumi Minamino và Erling Braut Haaland... Sau này Mane thừa nhận: “Salzburg là nơi cho tôi cảm nhận và thích nghi với bóng đá thật sự. Southampton là nơi tôi tìm thấy điều mình cần làm, sẵn sàng đến một CLB lớn. Và Liverpool là nơi tôi hoàn thành giấc mơ”.

Mặc dù rất thành công ở Salzburg rồi sau đó đến Anh tại Southampton, nhưng đúng là Mane chỉ thật sự đạt tới đẳng cấp thế giới cùng Liverpool, khi thi đấu bên cạnh những Salah, van Dijk hay Firmino... Ở đó tất cả những tiềm năng của Mane được phát huy triệt để. Mane không chỉ là một cầu thủ tiền đạo đơn thuần, mà còn là một người dẫn dắt, một nhà lãnh đạo thật sự trên sân cỏ. Sự nhút nhát của Mane cách đây chục năm được thay thế bằng hình ảnh của một chiến binh luôn rực lửa trong mọi tình huống.

Những kỷ lục được xô đổ, những thành công được ghi nhận bằng những danh hiệu. Những ngày ở Southampton, Mane có thể được thừa nhận là chân sút số một sau ba trận đầu tiên liên tiếp ghi bàn vào lưới Crystal Palace, Chelsea, Arsenal, nhưng cá tính của một cầu thủ châu Phi vẫn là điều đáng nói, khi Mane năm lần bị phạt, thậm chí có ba trận bị cấm thi đấu vì án phạt nội bộ do đến tập muộn. Nhưng mọi thứ thay đổi sau kỷ lục vô tiền khoáng hậu: lập hattrick nhanh nhất lịch sử Premier League vào lưới Aston Villa (trong trận Southampton thắng 6-1) với thời gian 2 phút 56 giây.

Ngay lập tức Mane trở thành mục tiêu của nhiều CLB lớn. Man Utd đã suýt mua được Mane, nhưng số tiền 34 triệu bảng mà Liverpool đưa ra năm 2016, cùng cuộc gặp trực tiếp của HLV Klopp đã giúp Liverpool giành được Mane trước mũi Man Utd. Và sân Anfield có một cầu thủ siêu hạng, có giá trị hiện tại lên đến 180 triệu bảng.

3. Có được những vinh quang tột đỉnh ở Liverpool từ chức vô địch Champions League, sự thống trị tuyệt đối ở Premier League, Vua phá lưới giải đấu này, Cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi 2019... Mane thật sự là biểu tượng mới của bóng đá châu Phi. Nhà thờ Hồi giáo mà Mane xây dựng có một bức chân dung cha của anh, người đã qua đời khi anh mới 11 tuổi. Người ta hiểu rằng, một cậu bé được nuôi dưỡng bởi mẹ, chú và bà của mình, bị ngăn cấm đá bóng vì không có tiền, nay trở thành một biểu tượng toàn châu Phi, đó là câu chuyện phi thường đến mức nào.

Gia đình của Mane hiện tại có khoảng 45 người, đang sống trong căn biệt thự mà anh đã xây cho họ. Cùng với những công trình xã hội mà Mane đã tạo ra ở Bambali, có thể nói Mane đã thực hiện được những ước mơ mà cách đây chỉ 10 năm thôi, nó là những điều không tưởng.

Sức mạnh của ước mơ ảnh 1

Ảnh trong bài: REUTERS