Sự thất bại cần thiết

Một năm bận rộn của bóng đá trẻ Việt Nam đã khép lại khi thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn phải chia tay giải U19 châu Á ở Indonesia ngay từ vòng bảng. Sự tán thưởng của giới mộ điệu dành cho bóng đá trẻ nước nhà sau kỳ tích U23 là xứng đáng, song đó không phải là thước đo để định vị đẳng cấp của cả nền bóng đá.
U19 Việt Nam nhận nhiều chỉ trích khi thi đấu không như mong đợi. Ảnh | PHƯƠNG NAM
U19 Việt Nam nhận nhiều chỉ trích khi thi đấu không như mong đợi. Ảnh | PHƯƠNG NAM

Thất bại liên tiếp của đội tuyển U16 và U19 Việt Nam ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục vừa qua có thể coi là lời cảnh tỉnh cho bóng đá trẻ. Lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta sạch bóng đại diện ngay sau vòng bảng các giải U16 và U19 Đông - Nam Á. Cả U16 lẫn U19 Việt Nam đều xếp cuối trong bảng đấu của mình ở giải châu Á và nếu U16 Việt Nam còn kiếm được một điểm thì U19 Việt Nam thậm chí ra về mà không giành được điểm nào. So với năm 2016, khi U16 Việt Nam vào đến tận tứ kết còn U19 đoạt vé đi World Cup thì việc đều phải dừng chân ngay từ vòng bảng năm nay là một bước lùi lớn về mặt thành tích.

Đã có rất nhiều chỉ trích của giới chuyên môn cũng như người hâm mộ, đặc biệt là nhắm vào U19 Việt Nam và cá nhân HLV Hoàng Anh Tuấn khi không viết tiếp được câu chuyện cổ tích. Hai năm trước, thành công của U19 được ví như giấc mơ có thật, chứ không thể mặc nhiên định nghĩa đó là đẳng cấp. Ở một khía cạnh khác thì thất bại này không phải là thảm họa, mà lại rất cần thiết để biết chúng ta ở đâu thay vì những “ảo tưởng sức mạnh” được ca tụng từ thành công của U23 Việt Nam. Thực tế thành công ở một vài giải đấu trẻ không thể làm thước đo cho cả nền bóng đá. Những dấu ấn ấy sẽ chỉ là bước đệm giúp chúng ta tự tin hơn khi bước ra “biển lớn” khi mà khoảng cách về trình độ vẫn còn rất lớn. Chúng ta cần tỉnh táo để tiếp tục phát huy cảm hứng, nền tảng vừa đạt được.

Có thể thấy, lứa U19 Việt Nam đã giành vé dự World Cup hai năm trước chỉ có một vài cầu thủ như Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu... là xây được chỗ đứng vững chắc ở cấp độ đội tuyển cao hơn, còn lại vẫn đang chật vật tìm kiếm cơ hội cho mình. Ngay cả nhiều nước có nền bóng đá hàng đầu thế giới vẫn phải đối mặt với những rủi ro trong đào tạo trẻ. Kể cả khi chúng ta có được chiến lược, hoạch định cùng lộ trình rõ ràng, xây dựng trên cơ sở khoa học, bài bản thì cũng không thể đánh đồng mọi thế hệ trẻ đều tương đồng và xuất sắc như nhau. Bởi vẫn còn phụ thuộc vào yếu tố quan trọng nhất: Con người. Bóng đá Việt Nam sản sinh ra khá nhiều lứa cầu thủ chất lượng từ ngày hội nhập trở lại khu vực như lứa Hồng Sơn, Huỳnh Đức... rồi đến lứa Công Vinh, Như Thành, Minh Phương, Tài Em... và bây giờ là Quang Hải, Xuân Trường, Công Phượng... Vì vậy, đòi hỏi phải có sự xuất sắc đồng đều ở các lứa cầu thủ sau một vài năm là rất khó.

Không ít lần, HLV Park Hang-seo đã thẳng thắn cảnh báo cần phải cải thiện rất nhiều hệ thống đào tạo trẻ Việt Nam. Dễ dàng thấy được, ở V.League chỉ có CLB Hà Nội và Hoàng Anh Gia Lai có hệ thống đào tạo trẻ tốt, trung tâm có cơ sở vật chất tốt như PVF thì chỉ có gần 200 học viên. Với đất nước khoảng 90 triệu dân thì như vậy là quá ít sự lựa chọn cầu thủ, chỉ quanh quẩn phụ thuộc vào vài nguồn cung chất lượng nhất. Cái đích lớn nhất của bóng đá trẻ không hẳn ở thành tích mà là câu chuyện làm sao cung cấp càng nhiều tài năng cho đội tuyển quốc gia về sau càng tốt. Thành công hay thất bại ở những giải đấu trẻ chưa thể nói lên điều gì, quan trọng chính là những kinh nghiệm và bài học mà mỗi cầu thủ tích lũy được để hoàn thiện bản thân trong tương lai.