Sự im lặng của... con cừu

Từ một ngôi sao trẻ hư hỏng, Raheem Sterling đã trở thành ngôi sao sáng giá nhất của bóng đá Anh thời điểm hiện tại ở độ tuổi 24. Từ một kẻ ồn ào, với cuộc sống không màng xung quanh, Sterling đã thay đổi để trưởng thành. Và tất cả những điều Sterling làm đó là: im lặng.

Sterling thay đổi hoàn toàn trong màu áo Man City.
Sterling thay đổi hoàn toàn trong màu áo Man City.

1 Có một câu chuyện mà Sterling từng kể, ngay từ thời còn học phổ thông, thầy giáo của anh đã tuyên bố: “Cậu hoặc dành cuộc đời mình trong tù, hoặc sẽ thi đấu cho ĐT Anh”. May mắn làm sao, Sterling đi theo con đường để tới với ĐT Anh. Nhưng con đường ấy chẳng hề bằng phẳng, bởi “tố chất đi tù” của Sterling cần phải trải qua nhiều sóng gió và những bài học nhớ đời.

Cách đây 5 năm, Sterling được coi là sản phẩm lỗi của truyền thông, khi bóng đá Anh không thể sản sinh ra một ngôi sao nào tầm cỡ. Cứ dựa vào sự tung hô đó, Sterling mất một năm rưỡi mới có bàn thắng đầu tiên cho Liverpool. Rồi khi chuyển đến Man City với cái giá kỷ lục 50 triệu bảng, cú chạm bóng đầu tiên của Sterling trong màu áo mới là một cú... vấp bóng. Khi đó, chẳng có ai tin Sterling sẽ làm được trò trống gì ở Man City. Nhưng số phận Sterling may mắn khi gặp Pep Guardiola. Con người và cách chơi bóng của Sterling thay đổi hoàn toàn. Vô số những bài học đã được Pep chỉ dạy, trong đó bài học quan trọng và giá trị nhất: hãy im lặng trong mọi tình huống.

Ngay khi đến Man City, người đầu tiên Pep gọi riêng đến nói chuyện chính là Sterling. Pep khẳng định, Sterling là một chân sút đặc biệt, nhưng anh ta chưa biết cách phát huy tố chất của mình. Pep đã dành riêng một “khóa huấn luyện” cho Sterling và “cắt cử” trợ lý Mikel Arteta (cựu cầu thủ của Arsenal) kèm cặp. Liên tục là những bài dứt điểm cầu môn, cách di chuyển mà Pep yêu cầu: tăng tốc, bứt phá ở 4 đến 5m cuối cùng trước khi sút, với mục đích duy nhất: ghi bàn. Trong sự nghiệp trước khi gặp Pep, Sterling chưa bao giờ ghi được hơn 11 bàn/mùa, nhưng có Pep, số bàn thắng của Sterling tăng liên tục. Mùa 2017-2018 là 23 bàn, mùa này là 19 bàn. Nhưng để có được thành công đó, câu chuyện không hề đơn giản như vậy.

2 Câu nói: “Cậu sẽ vào tù hoặc thi đấu cho ĐT Anh” là sự ám ảnh lớn của Sterling. Ngỗ ngược, bản năng, không màng tới những người sống quanh mình nói gì. Đó là cách sống của Sterling, và nó gần như đã suýt giết chết một tài năng. Ngay từ khi còn ở Liverpool, Sterling thường xuyên đưa lên mạng xã hội những hình ảnh ăn chơi thác loạn. Hình ảnh của Sterling trở nên xấu xí một cách không thể chấp nhận được vào năm 2016. Chỉ một ngày sau khi cùng ĐT Anh bị loại khỏi EURO 2016 với thất bại đầy bi kịch trước Iceland, trận thua mà báo chí Anh nói rằng đó là thất bại lịch sử, không thể tưởng tượng được, Sterling tung lên hình ảnh ăn chơi, khoe căn biệt thự trị giá hàng triệu bảng và bộ sưu tập cả chục chiếc xe hơi sang trọng.

Sở dĩ Sterling luôn thích mình nổi bật như vậy cũng vì một cuộc sống khó khăn và đầy sóng gió suốt một thời gian dài. Gia đình Sterling có tám người sống chung trong một căn nhà gỗ vài chục mét vuông ở Marveley (Kingston, Jamaica), khu vực đầy rẫy tội phạm, ma túy, băng đảng và súng ống. Sterling cùng mẹ chuyển đến Anh lúc bảy tuổi và chỉ hai năm sau, cha của Sterling bị bắn chết tại một hòn đảo Caribe. Cái chết của cha khiến gia đình Sterling điêu đứng, đúng thời điểm anh bước chân đến với bóng đá. Ngay cả khi đến Anh, Sterling và gia đình cũng bị kỳ thị, Sterling thậm chí còn không thể vào học ở một trường tiểu học chính thống. Sterling phải vào học ở một ngôi trường đặc biệt, phải vượt qua những sự kỳ thị bằng nỗ lực trên sân bóng, bắt đầu từ CLB Queen Park Rangers.

Môi trường tạo nên tính cách. Và tính cách ấy giúp Sterling trở thành một tài năng, nhưng chính nó cũng suýt giết chết một tài năng. Đỉnh điểm của sự ngỗ ngược tuổi trẻ là khi 20 tuổi, muốn rời Liverpool để tới Man City với mức giá kỷ lục dành cho một cầu thủ Anh (50 triệu bảng, và mức lương gần 200 nghìn bảng/tuần, Sterling bỏ tập, từ chối tham gia chuyến du đấu của CLB. Hành động đó khiến Sterling bị tẩy chay khắp nước Anh. Nhiều chuyên gia còn khẳng định Sterling chưa đủ khả năng để tới Man City, thậm chí mức giá 50 triệu bảng còn bị coi là điên rồ. Nhưng đến khi Pep xuất hiện, Sterling thật sự hồi sinh và trở thành một ngôi sao đáng giá cho những gì Man City kỳ vọng.

Điều đầu tiên Pep buộc Sterling phải làm là hạn chế tiếp xúc giới báo chí, từ bỏ mọi thói quen tới quán bar với rượu và những cô gái, cách ly khỏi mọi hoạt động trên mạng xã hội. Bài tập tiếp theo là “định hướng cầu môn” và khả năng thích ứng không gian. Pep từng nói: “Điều đầu tiên Sterling làm khi nhận bóng là xem chuyền cho ai mà không thấy cầu môn. Hãy bỏ qua điều đó và ghi bàn”. Từ đó liệu pháp: tăng tốc, hoạt động trong khu vực cấm địa và bứt phá trong 4 đến 5m trước khi dứt điểm được Pep huấn luyện cho Aterling suốt gần một năm trời. Đến mức Sterling phải thừa nhận: “Tôi đã từng không muốn ghi bàn. Nhưng bây giờ đã khác”.

Bài tập tiếp theo Sterling phải tuân thủ là chế độ ăn uống. Sterling là cầu thủ duy nhất ở Man City được Pep buộc ăn theo chế độ cả khi không đến sân tập. Món ăn duy nhất Sterling được phép ăn ngoài danh mục là súp chân gà, món ăn gắn bó với Sterling từ bé. Tất cả đều được thực hiện đồng bộ và kéo dài. Sau hai năm, Sterling trở thành cầu thủ Anh hay nhất, một trụ cột của đội tuyển quốc gia, một chân sút mà nhiều CLB lớn muốn có với cái giá có thể lên tới cả trăm triệu bảng.

3 Bất kỳ ai cũng có thể tự thay đổi chính bản thân mình, chỉ là họ có muốn hay không. Sterling đáng lẽ đã trở thành kẻ bỏ đi, hay mãi mãi chỉ là một ngôi sao trẻ không bao giờ lớn. Nhưng may mắn cho anh và cũng là may mắn cho bóng đá Anh khi Pep xuất hiện. Để rồi, nơi căn nhà gỗ lụp xụp ngày xưa tại Marveley, hiện nay đã là một tòa biệt thự lộng lẫy trị giá vài triệu bảng. Đã không còn một Sterling khoe khoang, điên cuồng trên mạng xã hội, thay vào đó là Sterling chín chắn hơn. Và quan trọng, đó là một Sterling biết cách ghi bàn và tỏa sáng.

Sự im lặng của... con cừu ảnh 1

Sterling đang được coi là cầu thủ hay nhất, quan trọng nhất của ĐT Anh. Ảnh trong bài: GETTY