Bóng đá thế giới

Sống sót qua mùa dịch!

Bóng đá luôn là hình ảnh phản chiếu của xã hội và bóng đá cũng phải trải qua những cơn đau như những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Trong lúc cả thế giới chống chọi với dịch bệnh, bóng đá còn phải đối diện với những cuộc chiến khắc nghiệt, căng thẳng và tàn khốc hơn nhiều. Bởi đó đều là những trận chiến sống còn.

Trước khi tạm dừng các giải đấu, các trận bóng vẫn diễn ra nhưng không có khán giả.
Trước khi tạm dừng các giải đấu, các trận bóng vẫn diễn ra nhưng không có khán giả.

1. Cả châu Âu đang chìm trong cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, mỗi ngày trôi qua sự thiệt hại về kinh tế tăng lên theo cấp số nhân. Bóng đá cũng nằm trong vòng xoáy khủng hoảng này. Thậm chí, những bài toán mà thế giới bóng đá đối diện càng ngày càng phức tạp, là những câu chuyện mà chưa ai từng nghĩ tới. Và vấn đề nằm ở chỗ, những điều chưa từng xảy ra như vậy sẽ giải quyết như thế nào?

Bóng đá luôn hào nhoáng, đắt giá. Tưởng như thế giới bóng đá là cái mỏ vàng không bao giờ cạn, nhưng hóa ra nó cũng là một thứ tài sản hữu hạn và dù giàu có đến đâu thì nó cũng sẽ chao đảo khi thế giới ngừng lại. Những câu hỏi: bao giờ trái bóng mới có thể lăn trở lại, các giải đấu sẽ kết thúc như thế nào... đã không còn quan trọng nữa. Lúc này, làm thế nào để bóng đá có thể sống sót qua mùa dịch mới là điều được mổ xẻ.

Mọi hoạt động ngừng trệ, guồng máy khổng lồ của hệ thống bóng đá toàn cầu thì vẫn cần năng lượng để tồn tại. Trong điều kiện bình thường, hàng tỷ euro chính là nguồn năng lượng để vận hành cỗ máy ấy và bây giờ dù cho bóng ngừng lăn thì nguồn nhiên liệu vẫn cần phải có. Những tranh chấp về tiền ở mọi góc độ bùng nổ, kéo theo hàng loạt mâu thuẫn.

2. Barca, CLB đã vượt ra ngoài khuôn khổ một đội bóng để trở thành một biểu tượng xã hội, có ảnh hưởng cực lớn, đang chao đảo vì những mối bất hòa liên quan đến tiền. Ban lãnh đạo Barca khẳng định, đội bóng sẽ cắt 70% lương cầu thủ đội 1, nhưng để làm được điều đó, họ vấp phải sự phản đối dữ dội từ Messi và các đồng đội. Những cuộc chiến nảy lửa kéo dài cả chục ngày mới được giải quyết. Ai cũng có lý của mình, nhưng rõ ràng kẻ thiệt hại lớn nhất là CLB. Một đội bóng lớn như Barca, chi phí tiền lương cho đội hình 1, mỗi năm rơi vào từ một đến 1,5 tỷ euro. Tính sơ sơ mỗi tháng họ mất hơn 100 triệu euro. Khi còn hoạt động, thi đấu, thu nhập hằng tháng bù đắp lại không phải vấn đề. Kể cả ba tháng hè, dù được nghỉ, nhưng những chuyến du đấu cũng mang lại rất nhiều lợi nhuận. Chỉ tính việc bán vé vào thăm quan SVĐ thôi, mỗi ngày Barca đón cỡ 2.000 CĐV, mỗi vé tham quan khoảng 25 đến 30 euro. Tính ra mỗi tháng một CLB như Barca cũng thu về cả triệu euro. Cộng thêm tiền dịch vụ đi kèm, tiền bán các vật phẩm... mỗi tháng cũng hàng trăm nghìn euro. Nhưng lúc này, những nguồn thu ấy là con số 0.

Việc giảm thu nhập nó không chỉ là vấn đề tiền, mà nó làm cho những mâu thuẫn vốn ngấm ngầm trở thành những cuộc chiến. Barca đứng trước nguy cơ khủng hoảng toàn diện, khi các cầu thủ không ngại ngần tuyên chiến với Ban lãnh đạo, trong khi vai trò của tân HLV Setien thì gần như không được nhắc tới.

Hàng loạt CLB đứng trước nguy cơ phá sản. Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế tại London, những đội bóng nhỏ có doanh thu dưới 30 triệu euro mỗi tháng nhiều khả năng phá sản nếu không nhận được hỗ trợ. Vì vậy, ở các giải đấu, các CLB có tiềm lực tài chính cũng đang có những biện pháp hỗ trợ các đội bóng yếu. Bởi nếu chỉ cần có một CLB tuyên bố phá sản, giải đấu gần như chắc chắn vỡ, mọi phương án thi đấu trở lại sẽ càng khó thực hiện. Ban tổ chức các giải đấu hàng đầu cũng đã có phương án hỗ trợ các CLB có nguồn tài chính yếu, giúp họ có thể tồn tại. Nhưng không chỉ có vậy, hàng loạt vấn đề mâu thuẫn về quan điểm cũng khiến bóng đá hỗn loạn.

Giải đấu có tiếp tục hay không? Hủy toàn bộ giải, bỏ kết quả đã thi đấu hay tiếp tục theo hình thức nào? Những câu hỏi ấy giờ chẳng ai nhắc đến nhiều nữa. Thay vào đó là những lợi ích kinh tế đi kèm sẽ được giải quyết như thế nào? Các nhà tài trợ, những người bỏ ra rất nhiều tiền để trang hoàng cho bóng đá, liệu có chấp nhận thiệt thòi, thậm chí mất trắng những khoản tiền đầu tư? Đơn cử, nếu Premier League không thể tổ chức chín vòng đấu cuối, theo luật Ban tổ chức sẽ phải đền bù cho các nhà đầu tư khoảng 770 triệu bảng. Nếu tổ chức chín vòng còn lại mà không có khán giả, họ sẽ mất cỡ hơn 300 triệu bảng. Mỗi trận đấu có sự góp mặt của một đại diện tốp sáu Premier League có giá thấp nhất là khoảng 150 triệu euro bao gồm chi phí bản quyền, quảng cáo, doanh thu bán vé, dịch vụ, các chương trình đồng hành... Vậy nếu nhân lên là bao nhiêu tiền???

Vấn đề nữa là hàng loạt các bản hợp đồng ký giữa cầu thủ và CLB. Chỉ tính ở năm giải lớn châu Âu là Anh, Italia, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, có hơn 500 hợp đồng cho mượn sẽ hết hạn vào cuối tháng 6, có hơn 150 bản hợp đồng sẽ đáo hạn khi mùa giải này kết thúc. Và khi mùa giải không thể kết thúc đúng thời hạn, thậm chí có thể kéo dài đến cuối năm, ai sẽ là người trả lương, ai sẽ là người chịu thiệt và liệu cầu thủ đó có thể ở lại thi đấu hay phải trở về CLB chủ quản?

3. UEFA cũng đã phải dời lịch tổ chức EURO 2020 sang mùa hè năm 2021. Olympic cũng lùi một năm. Riêng hai giải đấu thể thao lớn này hoãn lại cũng đã thiệt hại hằng trăm triệu euro. Nhưng tất cả đều phải chấp nhận. Sự hỗ trợ đến từ chính các CĐV, khi 71% CĐV đã mua vé ở hai sự kiện này khẳng định sẽ không hoàn vé, không gây áp lực kinh tế lên Ban tổ chức. Các giải vô địch quốc gia lớn ở châu Âu cũng vậy, việc các CĐV chia sẻ khó khăn với CLB và giải đấu cũng là điều có thể nhận thấy, nhưng dù thế nào thì những mâu thuẫn về kinh tế ở thượng tầng các đội bóng vẫn không thể tránh khỏi. Thậm chí, nó có thể hủy hoại một CLB, gây ảnh hưởng đến khi mùa giải quay trở lại. Đó chưa kể là quãng thời gian nghỉ quá dài, không được tập luyện, sẽ khiến các cầu thủ sa sút phong độ nghiêm trọng.

Chỉ tính riêng việc các CLB sẽ đối phó ra sao trong thời gian khủng hoảng này cũng là câu chuyện dài. Việc cắt giảm lương cầu thủ chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu nó kéo dài ba, bốn tháng thì tình hình sẽ cực kỳ tồi tệ. Chỉ hy vọng, với sự chung tay, chia sẻ của các CĐV, các cầu thủ, và các nhà tài trợ, bóng đá có thể sống sót qua thời kỳ gian khó.

Sống sót qua mùa dịch! ảnh 1

Tìm lối thoát cho Ngoại hạng Anh là bài toán hóc búa trong mùa dịch. Ảnh trong bài: REUTERS.