Thể thao Việt Nam

Sẵn sàng thay đổi cho “mục tiêu kép”

Với việc Olympic 2020 chính thức bị hoãn sang năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thể thao Việt Nam (TTVN) sẽ rất bận rộn khi phải điều chỉnh để vừa chuẩn bị lực lượng tranh tài ở Olympic Tokyo vào tháng 7 vừa đóng vai chủ nhà ở SEA Games 31 dự kiến diễn ra vào tháng 12-2021.

Thể thao Việt Nam hướng trọng tâm vào SEA Games 31 năm 2021. Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Thể thao Việt Nam hướng trọng tâm vào SEA Games 31 năm 2021. Ảnh: QUÝ LƯỢNG

1. Tính đến thời điểm này, TTVN mới chỉ giành được năm suất chính thức đến Olympic Tokyo, gồm: Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Hoàng Phi Vũ, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung) và Nguyễn Văn Đương (quyền Anh). Con số này mới chỉ đạt được 1/4 chỉ tiêu ban đầu của toàn ngành là phấn đấu có 20 suất. Việc Olympic 2020 hoãn lại một năm do dịch bệnh tràn lan tuy mang đến cơ hội cho các VĐV có thêm thời gian để rèn giũa, tập luyện hoàn thiện hơn, nhưng cũng kéo theo nhiều nỗi lo khi kế hoạch chuẩn bị của các bộ môn bị xáo trộn. Tâm lý và phong độ của VĐV sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi trong thể thao thành tích cao, việc chọn điểm rơi phong độ sao cho đúng giải đấu trọng điểm là điều vô cùng quan trọng với các VĐV cũng như các HLV. Để đạt được thành tích ở đấu trường cao nhất thế giới, các VĐV phải trải qua quãng thời gian dài chuẩn bị, tích lũy. Mà các cuộc thi đấu sẽ diễn ra muộn hơn tới cả năm, tất cả những kế hoạch chuẩn bị về chuyên môn, thể lực đều sẽ phải thay đổi.

Trong khi đó, nhóm có cơ hội giành vé dự Olympic nhưng chưa thi đấu cũng cảm thấy lo lắng. Hàng loạt kế hoạch tổ chức các giải đấu nằm trong hệ thống tính điểm, giành vé tham dự Olympic Tokyo của các môn như: bắn súng, cầu lông, cử tạ, karatedo... đều bị bỏ ngỏ, lùi thời gian thi đấu vô thời hạn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ở đội cử tạ, khi các giải bị hoãn, cả đội chỉ tập luyện duy trì thể lực và điều chỉnh khắc phục kỹ thuật của bản thân. Đô cử Vương Thị Huyền cũng bày tỏ lo lắng, việc hoãn thi đấu quá lâu có thể tái phát chấn thương gối và lưng, khó phục hồi, thậm chí nặng thêm. Hay việc Hoàng Xuân Vinh và các đồng đội môn bắn súng chưa đạt chuẩn thành tích Olympic, vừa tập huấn tại Hàn Quốc trở về, đã phải cách ly tập trung 14 ngày theo quy định chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và phong độ...

2. Olympic bị hoãn và trùng với năm diễn ra SEA Games 31, sẽ tác động lớn tới TTVN trong kế hoạch chuẩn bị, bởi SEA Games cũng là sân chơi mà các tuyển thủ sẽ phải rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ đưa đoàn TTVN nằm trong tốp đầu, đặc biệt đây là kỳ đại hội mà Việt Nam đóng vai trò chủ nhà. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, việc chuẩn bị cho Olympic còn được xem như bàn đạp chất lượng của TTVN tới các mục tiêu trong tương lai gồm SEA Games 31 và xa hơn là ASIAD 2022. Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng cơ hội giành Huy chương Olympic Tokyo luôn quá sức với nhiều VĐV Việt Nam dù họ đã giành vé tham dự.

TTVN đang đối diện với hàng loạt khó khăn do dịch bệnh khi toàn bộ hệ thống thi đấu gần như đã đóng băng kể từ đầu năm 2020. Việc Olympic bị hoãn lại cũng đem đến không ít khó khăn khi nó tác động ít nhiều tới kế hoạch tập huấn và thi đấu từ nay cho đến năm 2021. Đây là quãng thời gian đòi hỏi ngành thể thao có những tính toán thật sự chuẩn xác, kế hoạch dài hơi cho đội tuyển quốc gia, bởi khi dịch bệnh được kiểm soát, các cuộc thi đấu sẽ diễn ra ồ ạt và để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn là không dễ dàng. Có thể thấy lực lượng chuẩn bị cho “mục tiêu kép” luôn có sự liên thông theo một chiến lược xa, bảo đảm đủ để hoàn thành trọng trách. TTVN phải sẽ thay đổi toàn bộ kế hoạch và tính toán lại chu kỳ huấn luyện, rà soát thật kỹ và xây dựng kế hoạch phù hợp, để VĐV vừa dự Olympic cũng là thời điểm tập huấn, thi đấu cho SEA Games. Phong độ của VĐV từng thời điểm sẽ khác nhau nên ban huấn luyện phải có sự đánh giá lại, nhằm đưa ra hướng tập luyện sao cho phù hợp nhất. Bảo đảm VĐV sẽ có đủ thời gian để rèn giũa kỹ chiến thuật lẫn tâm lý nhuần nhuyễn hơn để sẵn sàng cho năm 2021 đầy bận rộn.