Tuyển thủ Nguyễn Tuấn Anh

Nỗi nhớ bóng đá Việt từ phương xa

Nếu trước đây, tiền vệ trẻ Nguyễn Tuấn Anh (ảnh bên) của CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thường sống khá khép kín, nhưng sau khi thi đấu ở Nhật Bản trở về, anh đã trở nên tự tin và dạn dĩ hẳn. Thậm chí, nhiều đồng đội ở đội bóng phố Núi đã phải thốt lên kinh ngạc: “Dạo này hắn... nói nhiều kinh khủng”. Và cũng nhờ thế, câu chuyện đầu năm tôi và Tuấn Anh đã trở nên cởi mở hơn rất nhiều, đồng thời tôi lại có dịp biết thêm nhiều câu chuyện mà Tuấn Anh chưa từng thổ lộ với ai.

Nỗi nhớ bóng đá Việt từ phương xa

Ứa nước mắt khi thường xuyên làm khán giả

Năm vừa qua, dấu ấn lớn nhất của Tuấn Anh có lẽ là chuyến xuất ngoại thi đấu ở CLB Yokohama (Nhật Bản) tại J-League 2. Bản thân anh nghĩ sao về chuyến đi này?

Phần lớn thời gian năm 2016 của tôi là tập luyện và thi đấu trong mầu áo CLB Yokohama (Nhật Bản), nhưng như mọi người đã biết, tôi tập nhiều hơn chứ rất ít được ra sân thi đấu. Vì vậy, thật sự tôi cũng không nghĩ đấy là “dấu ấn” của mình (cười).

Cũng chính điều đó, nên nhiều người đã bảo chuyến xuất ngoại của Tuấn Anh và Công Phượng, Xuân Trường mang mầu sắc của những thương vụ nhằm “đánh bóng” cho cái tên HAGL. Anh nghĩ sao?

Thật sự tôi không quan tâm nhiều, vì những chuyện đấy là việc của lãnh đạo hai CLB, còn nhiệm vụ của tôi là tập luyện và nỗ lực thi đấu cho tốt. Thế nhưng cũng từ chuyến xuất ngoại vừa rồi, tôi đã rút ra được nhiều bài học bổ ích, đặc biệt là dạn dĩ và tự tin hơn trong việc giao tiếp với mọi người. Thời gian đầu mới sang Nhật, tôi khá hụt hẫng và thiếu tự tin. Việc bất đồng ngôn ngữ khiến tôi khó hòa nhập, bởi ở Nhật gần như không sử dụng tiếng Anh, nên những điều HLV truyền tải trong buổi tập, mình cứ như... vịt nghe sấm. Vì thế tập luyện không hiệu quả, nên tôi phải bỏ ra bốn, năm tháng đầu để học tiếng Nhật, và sau đó đã có thể giao tiếp cơ bản với các đồng đội và mọi người.

Tuấn Anh có thể cho biết lý do anh thường xuyên phải ngồi trên ghế dự bị ở CLB Yokohama?

Thực tế một cầu thủ nào khi đến một CLB mới cũng đều phải qua một thời gian hòa nhập với môi trường. Như đã nói ở trên, lúc sang Nhật Bản tôi đã mất hơn nửa mùa giải để hòa nhập với đội bóng. Bên cạnh đó, dù tôi đã nỗ lực rất nhiều, nhưng thể hình và thể lực của bản thân thực tế cũng không tốt như những cầu thủ của họ.

Tôi biết anh đã rất nỗ lực để được ghi nhận trong mầu áo CLB mới, nhưng việc thường xuyên ngồi ghế dự bị khiến anh cảm thấy thế nào?

Một cầu thủ, lẽ đương nhiên là đều muốn được ra sân thi đấu. Chưa nói đến chuyện có thể hiện được gì hay không, nhưng việc được thi đấu thường xuyên sẽ trui rèn được rất nhiều về chuyên môn. Chẳng nói đâu xa, các đồng đội của chúng tôi như Văn Toàn, Văn Thanh, Đức Lương... đều có những bước tiến vượt bậc khi được thi đấu thường xuyên tại V-League. Nói thật, ở Nhật cuối tuần tôi vẫn xem thông tin của V-League, nhìn các anh em đồng đội ở HAGL thi đấu, rồi tự dưng ứa nước mắt vì tủi cho thân mình. Tôi, Phượng và các anh em ở HAGL vẫn thường xuyên liên lạc để nắm bắt tình hình của nhau. Anh em ở nhà động viên chúng tôi nhiều lắm, bởi chỉ có cầu thủ mới hiểu cảm giác tập luyện cả tuần, nhưng đến lúc thi đấu phải ngồi làm khán giả nó đau và buồn ra sao.

Lúc ở Nhật, điều gì ở Việt Nam khiến anh nhớ nhất?

Tôi rất nhớ không khí ở đội bóng HAGL, nhớ anh em đồng đội kinh khủng. Chúng tôi gắn bó bên nhau suốt 10 năm qua, nên với tôi đấy là một gia đình và tất cả đều là anh em thân thiết. Tôi nhớ đồng đội cũng như nhớ bố mẹ ở nhà, thật đấy. Ngoài ra tôi nhớ không khí bóng đá ở Việt Nam. Có thể nhiều người chê bóng đá Việt thế này thế kia, nhưng với tôi đây vẫn là nơi tuyệt vời nhất và khiến tôi luôn đau đáu nỗi nhớ mỗi khi đi xa.

Nỗi nhớ bóng đá Việt từ phương xa ảnh 1

Ảnh trong bài: KHÁNH AN

Sợ “cái dớp” mừng tuổi ngày Tết

Người Việt nói riêng và Á Đông nói chung mỗi khi đi xa thường luôn nhớ về gia đình mỗi khi Tết đến, Tuấn Anh có bao giờ xa nhà nhân dịp đầu năm?

Tôi may mắn là chưa bao giờ xa nhà trong những ngày Tết. Hồi đầu năm 2016 cứ nghĩ phải ăn Tết xa nhà, nhưng việc làm thủ tục sang Nhật có chút trục trặc, nhờ đó tôi đã tiếp tục được sum vầy bên người thân trong những ngày đầu năm.

Xa nhà thường xuyên từ năm 10 tuổi đến nay, vậy điều gì làm anh nhớ nhất trong không khí sum họp cùng gia đình mỗi dịp xuân về?

Khoảng thời gian được trở về bên gia đình dù chỉ mấy ngày xuân ít ỏi, làm tôi xua tan hết những mệt mỏi, căng thẳng, áp lực sau cả năm thi đấu xa nhà. Có quá nhiều kỷ niệm trong những ngày Tết khiến tôi không thể nào nhớ hết. Tuy nhiên, tôi vẫn thích cái không khí của những ngày thơ bé được cùng mẹ ra sông thả cá chép vào ngày đưa ông Công, ông Táo về trời. Thích nhìn mẹ khấn nguyện cho người thân khi đi lễ chùa đầu năm. Thích được ngắm những chiếc đèn trời đêm 30 Tết, nhưng việc thả đèn trời ở quê tôi hiện đã không còn.

Nói đến đây, tôi chợt nhớ một kỷ niệm vui vui. Ngày Tết ở ta, bố mẹ và người lớn thường lì xì cho con cháu trong nhà để lấy lộc. Tuy nhiên, từ nhỏ bố mẹ chưa bao giờ lì xì cho chị em tôi, dù thực tế gia đình tôi ở Thái Bình không hề khó khăn. Mãi đến Tết 2011, tôi vòi bố mẹ mừng tuổi và lần đầu tiên bố đã lì xì thằng út. Kết quả năm ấy tôi đã bị chấn thương nặng phải qua Thái-lan phẫu thuật, và cả cái Tết năm 2012 gần như không bước chân ra khỏi nhà vì không muốn bà con, xóm giềng biết tôi đang chấn thương. Vậy nên tôi sợ “cái dớp” ấy quá và đến bây giờ không dám đòi bố mẹ lì xì nữa (cười lớn).

Giờ đã trưởng thành hơn, tôi càng quý trọng hơn những khoảnh khắc bên gia đình, những ngày sum vầy ngắn ngủi đó luôn khiến tôi cảm thấy ấm áp lẫn hạnh phúc, nhất là tôi lại có dịp “nhõng nhẽo” với bố mẹ và chị gái của mình.

Là con út trong gia đình, anh được bố mẹ và chị cưng chiều lắm nhỉ?

Lúc nhỏ, bố mẹ tuy ủng hộ sở thích bóng đá của tôi, nhưng vẫn rất nghiêm khắc. Khi tôi thường xuyên phải xa nhà, bố mẹ càng quan tâm hơn và luôn nhắc nhở từ những điều nhỏ nhất, cứ như cái hồi tôi còn bé. Đôi lúc điều ấy khiến tôi có chút... phiền toái, nhưng lại cảm thấy rất hạnh phúc. Ngay cả khi Tết đến, muốn phụ bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, nhưng chẳng bao giờ mọi người cho tôi rớ tay vào. Thế nên, khi sang Nhật Bản, thời gian đầu tôi khá vất vả vì lâu nay chẳng động tay làm gì, nhưng giờ đây đã biết giặt giũ, nấu nướng và tự chăm sóc cho bản thân rất ổn. Đi Nhật cũng có lợi thế đấy (cười).

Anh thích những món ăn nào nhất trong ngày đầu năm?

Bình thường tôi rất thích món gà kho mẹ nấu, bên cạnh đó cũng thích ăn quà vặt và những món ăn ở Hà Nội như phở cuốn, bún đậu, bún chả. Thế nhưng những ngày Tết tôi lại đặc biệt thích món thịt ngỗng, điều này cũng có nguyên do. Số là tôi có một người bác họ rất quý cháu, những năm gần đây bác thường nuôi ngỗng để mỗi dịp tôi về quê, đặc biệt là Tết, sẽ chiêu đãi món ngỗng quay rất ngon. Bác bảo: “Ngỗng nhìn cũng giống thiên nga, nên cho thằng Nhô (tên thân mật của Tuấn Anh) ăn để bay cao, bay xa như thiên nga”.

Tết đến, năm cũ đã khép lại, những điều xui xẻo sẽ qua đi. Nếu có lời ước nguyện cho năm mới, Tuấn Anh sẽ ước điều gì?

Điều tôi mong ước nhất cho bản thân là chấn thương đừng bao giờ dòm ngó đến mình nữa. Những năm qua, tôi thường dính chấn thương nên đều lỡ hẹn ở các giải đấu quan trọng một cách đáng tiếc. Tôi mong năm nay điều xúi quẩy này đừng “ám” nữa để tôi có thể đồng hành cùng các đồng đội tại SEA Games 29-2017. Ngoài ra, tôi ước mong gia đình luôn bình an. Đội bóng HAGL của tôi sẽ thi đấu có thành tích tốt hơn ở mùa giải mới. Cuối cùng chúc cho tất cả mọi người một năm mới thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc!

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện và chúc anh đạt được mong ước của mình!