Nỗi lo từ phía khán đài

Với thành công của U23, bóng đá Việt Nam đang dần gây ấn tượng với quốc tế không chỉ ở sự tiến bộ về chuyên môn, mà còn là văn hóa ứng xử. Đội tuyển Việt Nam hướng tới AFF Cup 2018 với mục tiêu vào đến chung kết trong tinh thần cao nhất. Song, ngay trước thềm AFF Cup, người ta lại đang lo về vấn nạn đốt pháo sáng trên khán đài.
Ảnh trong bài: Hình ảnh pháo sáng thường thấy trên các khán đài V.League 2018. Ảnh | ĐỨC ANH
Ảnh trong bài: Hình ảnh pháo sáng thường thấy trên các khán đài V.League 2018. Ảnh | ĐỨC ANH

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh pháo sáng rực cháy trên khán đài không chỉ ở V.League 2018 mà còn xuất hiện ở nhiều sân bóng nổi tiếng trên thế giới. Người ta nói đó là sự cuồng nhiệt của môn thể thao Vua, nhưng bất kể trong hoàn cảnh nào, ở đâu thì việc đốt pháo sáng trên khán đài luôn là hành vi trái pháp luật, bởi nó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, cả về an ninh trật sự lẫn sức khỏe con người, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Đầu tháng 10, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã phải nhận án phạt 12.500 USD từ Liên đoàn bóng đá châu Á vì một nhóm CĐV quá khích đốt pháo sáng trong trận bán kết ASIAD 18 giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đồng thời, cũng đưa ra cảnh báo nếu CĐV Việt Nam tiếp tục tái diễn hành vi này trong các trận đấu quốc tế của các ĐTQG Việt Nam, bóng đá Việt Nam sẽ phải đối diện với hình thức kỷ luật nặng hơn như sẽ phải thi đấu trên sân trung lập hoặc đóng cửa sân thi đấu, không có khán giả.

Bản án này đã xóa đi hình ảnh đẹp: Các CĐV Việt Nam nán lại nhặt rác trên khán đài ở Indonesia và nói như người hâm mộ là một “con sâu làm rầu nồi canh”. Đây không phải là bản án đầu tiên mà CĐV Việt Nam gây ra, tại vòng loại Asian Cup 2019, một vài CĐV Việt Nam vẫn hả hê trên khán đài tay cầm pháo sáng và xem đấy như “đặc sản Việt Nam” và kết quả là VFF phải nộp phạt.

Điều đáng nói là ngay sau án phạt hai ngày, những làn khói đỏ quen thuộc lại xuất hiện ở sân Vinh trong trận đấu play-off giữa Nam Định và Hà Nội B. Mới đây, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh đã phải “cầu xin” người hâm mộ Việt Nam đừng đốt pháo sáng ở AFF Cup 2018, vì hành động đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến Liên đoàn và đội tuyển. Đối với vấn nạn này rất nhiều giải pháp được đề cập từ phía Ban tổ chức, lực lượng an ninh nhưng có lẽ sự nhìn nhận của khán giả mới là điều quan trọng hơn bất cứ biện pháp nào được đưa ra.

Nếu khán giả đã cố tình thì bằng nhiều cách khác nhau, họ vẫn đưa được pháo vào trong sân. Thêm một yếu tố khó kiểm soát nữa là khán giả Việt Nam thường đến sân muộn. Nhiều khi quốc ca đã nổi lên, CĐV vẫn còn đứng bên ngoài sân. Người hâm mộ thường gây áp lực lớn lên những an ninh kiểm soát, bởi họ rất sốt ruột vào sân ngay lập tức, vô tình tạo kẽ hở để lọt những quả pháo sáng vào sân.

Điều này phản ánh ý thức của một số CĐV khi coi việc đốt pháo sáng như niềm vui đi cổ vũ bóng đá. CĐV văn minh, ý thức về hành động cổ vũ sẽ góp phần làm đẹp cho bóng đá lẫn hình ảnh của đội bóng, xa hơn là văn hóa cổ vũ của một nền bóng đá. CĐV Việt Nam đã học được việc nhặc rác trước khi rời khỏi khán đài từ người Nhật, nhưng không phải tất cả. Có thể những CĐV đốt pháo sáng cũng ý thức được việc đốt pháo sáng là xấu xí, gây nên hình ảnh không đẹp, nhưng họ vẫn đốt, vẫn cố tình lờ đi, bất chấp hậu quả để phục vụ cho niềm vui riêng của một nhóm người. Và những người có trách nhiệm cũng không thể vô can khi để xảy ra chuyện đốt pháo sáng trên khán đài, không thể lấy lý do là không thể kiểm soát được hết CĐV. Bóng đá cần CĐV và giải đấu muốn có hình ảnh đẹp phải được xây dựng từ chính những người có trách nhiệm. Nếu mọi thứ đẹp thì những CĐV đem pháo sáng vào sân đốt sẽ cảm thấy xấu hổ, vì đã có hành động xấu xí.