Những tấm vé may mắn

“Có vé không?”, “Mua được vé chưa?”... là những câu hỏi được người hâm mộ Việt Nam trao đổi nhiều nhất trong thời gian đội tuyển Việt Nam thi đấu AFF Suzuki Cup 2018. Cơn “sốt vé” được đẩy lên đỉnh điểm khi mà người ta chen chúc nhau từ đời thực đến online để được mua tấm vé vào sân xem đội tuyển thi đấu. Những tấm vé tưởng chừng đơn giản nhưng dường như chỉ có ai may mắn mới có thể sở hữu được...

Phe vé nhộn nhịp sân Mỹ Đình trước trận Việt Nam - Malaysia. Ảnh | Ngô Dương
Phe vé nhộn nhịp sân Mỹ Đình trước trận Việt Nam - Malaysia. Ảnh | Ngô Dương

Khi đội tuyển Việt Nam đá vòng bảng AFF Cup 2018, những hình ảnh quen thuộc nhiều năm qua như thức đêm giữ chỗ, tích trữ lương thực, đội nắng đội mưa để xếp hàng, vạ vật hết ngày này sang ngày nọ, xô đẩy, chen lấn nhau chỉ để sở hữu tấm vé lại xuất hiện. Đến khi mà thầy trò HLV Park Hang-seo góp mặt tại vòng bán kết thì Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã thay đổi, chỉ áp dụng phương thức bán vé qua mạng cho trận bán kết lượt về tại Mỹ Đình với 25 nghìn vé, gấp đôi so với con số bán xếp hàng ở trận Việt Nam - Malaysia. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, VFF bán vé online thay vì bắt CĐV phải đến trụ sở mua vé.

Thế nhưng, phương án này đã gặp ngay rắc rối ngay từ những phút đầu tiên. Toàn bộ bốn website bán vé online mà VFF tạo ra đều dễ dàng bị “sập” ngay từ những phút đầu mở bán khi lượng người truy cập quá lớn cùng một thời điểm, chưa nói đến những vấn đề nảy sinh trong thanh toán, dẫn đến sự bức xúc tăng cao. Và sau đó, trụ sở VFF “bị vây” bởi những người cho biết mình không thể mua bằng đường online. Bán kiểu xếp hàng bị chửi. Chuyển bán online cũng bị chửi. Chưa nói về hạ tầng online của VFF dở hay cần phải cải thiện thế nào để bị nghẹn mạng, nhưng một phần cũng do tâm lý của người hâm mộ Việt Nam đi mua vé theo kiểu phải có bằng được vé. Tất nhiên, mọi chuyện rồi sẽ ổn, tất cả vé đã được bán hết và chuyển đến tay người mua qua đường bưu điện hoặc tự đến trụ sở VFF lấy.

Những người đã sở hữu tấm vé sau khi thao tác thành công bỗng chốc trở thành những người may mắn, tự hào như vớ được vàng. Còn những người không mua được vé online mà vẫn muốn vào sân thì sao? Và đây chính là lúc mà thị trường vé chợ đen bắt đầu hoạt động sôi nổi. Những tấm vé lại được đẩy lên gấp nhiều lần giá niêm yết. Ngay trong ngày nhận vé tại trụ sở VFF, các cò vé chạy theo nài nỉ, trả giá rất cao, thậm chí dọa dẫm để mua lại vé từ những người may mắn đặt được online. Cặp vé có giá một triệu đồng từ tay một người hâm mộ đi xe máy được bán cho phe vé với giá ba triệu đồng. Phe vé cầm cặp vé ấy bán cho một người hâm mộ đi ô-tô Mercedes với giá sáu triệu đồng.

Ai cũng muốn được vào sân để tận hưởng ngày hội bóng đá, nhưng số lượng vé thì có hạn. Thực tế, không có SVĐ nào trên thế giới đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người xem vì vậy “sốt vé” có thể xảy ra ở bất kỳ nơi đâu. Song, nếu ở một đất nước có nền bóng đá chuyên nghiệp, người hâm mộ xem bóng đá như một thói quen thường xuyên chứ không chỉ là nhu cầu bất chợt. Họ bỏ tiền nhiều hơn cho các vé xem trọn mùa giải của CLB mà mình yêu thích, và vì thế nếu có lỡ mất một trận đấu của đội tuyển thì không đến mức phải tiếc nuối. Điều này sẽ triệt tiêu ý định đầu cơ của dân phe, bởi không có cầu thì làm gì có cung. Ngược lại, tại Việt Nam, người ta sẵn sàng bỏ vài triệu đồng để xem một, hai trận đấu chỉ vì đó là dịp gần như duy nhất họ đến SVĐ.

VFF sẽ cần phải cải thiện nhiều hệ thống bán vé của mình, nhưng sẽ chẳng có phương án bán vé nào khả thi nếu như người hâm mộ vẫn giữ thói quen bỏ nhiều tiền hơn để mua những tấm vé với giá trên trời, nạn phe vé sẽ tiếp tục leo thang và không thể nào ngăn chặn được. Tình yêu với trái bóng không có lỗi, nhưng đừng để tình yêu của mình bị đem ra lợi dụng, làm miếng mồi cho những kẻ trục lợi.