Những tai nạn thể thao kinh hoàng

Ở nhiều đội bóng, nhiều CLB thể thao, các vận động viên gắn bó với nhau còn hơn anh em ruột thịt. Và ít ai nghĩ rằng, họ là những người có thể không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng có thể lại chết cùng ngày, cùng tháng, cùng năm như định mệnh. Đó là cái chết mà không ai muốn phải chứng kiến, không ai muốn nó sẽ lặp lại ở định dạng khác, nhưng tiếc thay, số phận vẫn luôn có các chọn lựa khốc liệt và sai lầm. Họ chung một chuyến bay, và cùng vĩnh biệt cuộc đời đầy thảng thốt.

Cựu ngôi sao Dennis Bergkamp bị ám ảnh và nói không với những chuyến bay.
Cựu ngôi sao Dennis Bergkamp bị ám ảnh và nói không với những chuyến bay.

Nhiều người nói đến tai nạn năm 1958 của Man United như một thí dụ tiêu biểu song cơ bản, tai nạn ấy được nhớ đến bởi cuộc hồi sinh vĩ đại mà đội bóng đó đã làm được sau đống tro tàn. Còn những tai nạn khác nữa mà chúng ta có thể quên, nhưng trong lòng những CĐV ruột của đội bóng, nó vẫn là vết sẹo vĩnh viễn không lành.

Năm 1987, CLB Alianza Lima của Peru gặp một tai nạn thảm khốc, khi chiếc máy bay của Hải quân Peru chở cả CLB (được CLB thuê riêng) lao xuống biển từ độ cao sáu dặm. Trên chuyến bay ấy là 44 cầu thủ của Alianza Lima, là các HLV, săn sóc viên và có cả những CĐV. Người sống sót duy nhất là một phi công, mà cho tới nay ông vẫn còn kinh hoàng khi nhớ về tai nạn ngày ấy.

Trước đó gần 40 năm, năm 1949, chiếc máy bay FIAT G212CP chở CLB Torino (Ý), đã lao vào ngọn đồi Superga. 31 người đã tử nạn, bao gồm 18 cầu thủ và cả các quan chức lẫn nhà báo đi cùng. Il Grande Torino, Torino vĩ đại, đã không thể gượng dậy nổi để trở thành vĩ đại nữa, bởi mất mát quá lớn kia đã khiến họ không còn lực để gượng dậy. Nhưng trong lòng người dân thành Turin, Torino mãi mãi là CLB vĩ đại, đáng được kính trọng và đáng được yêu thương. Song, Torino vẫn một lần trở lại trên ngôi vô địch Serie A, vào mùa giải 1975/76 và một lần vô địch cúp châu Âu (Cúp UEFA) và năm 1992. Và họ vẫn cung cấp những cầu thủ giỏi cho đội tuyển quốc gia Ý, như trường hợp của Lido Vieri hay Giorgio Ferrini, những nhà vô địch châu Âu năm 1968.

Không ai muốn phải chứng kiến, không ai muốn nó sẽ lặp lại ở định dạng khác, nhưng tiếc thay, số phận vẫn luôn có các chọn lựa khốc liệt và sai lầm.

Năm 1993, chiếc máy bay chở đội tuyển Zambia cũng gặp nạn khi họ đang trên đường tham dự trận đấu tranh vé dự World Cup 1994 với Senegal. Tưởng như bóng đá Zambia sẽ không thể hồi sinh nổi sau một thảm khốc như thế nhưng cuối cùng, người Zambia đã tạo nên một biểu tượng thần kỳ. Một đội bóng trẻ măng, mới toanh đã được thành lập lại. Họ đi thẳng đến trận chung kết giải vô địch châu Phi và giành ngôi Á quân. 18 năm sau, nền bóng đá ấy được hưởng thành quả đầu tiên khi họ lên ngôi vô địch châu Phi, chức vô địch mà khi đó các CĐV vẫn còn hát lên cái tên của những người đã tử nạn, những người đã tạo ra một động lực lớn cho nền bóng đá vốn dĩ chưa bao giờ được đánh giá cao ở châu lục cũng như trên trường quốc tế.

Còn rất nhiều những tai nạn hàng không đã từng diễn ra với những CLB, đội tuyển thể thao trong lịch sử thể thao thế giới. Những người nằm xuống với khát vọng của tuổi trẻ ấy có thể đã không có được một sự nghiệp trọn vẹn với mơ ước của mình, song họ đã trở thành một biểu tượng, một phần thể phách tinh anh của mầu áo mà mình đã khoác lên, đã muốn vinh danh, đã nỗ lực vì nó. Và những câu chuyện của họ vẫn còn được truyền lại đến mãi sau này, với những nuối tiếc, cả những âu lo, sợ hãi, như cách mà cựu siêu sao Dennis Bergkamp luôn từ chối di chuyển bằng máy bay World Cup 1994, và cả những động lực để những thế hệ đi sau cố gắng bù đắp lại cho họ, như thể muốn thay họ tiếp nối khát vọng chinh phục đỉnh cao vì mầu cờ sắc áo mà họ đã theo đuổi trọn một cuộc đời.