Năm của những cảm xúc

2016 thật sự là một năm kỳ tích, một cột mốc đáng nhớ của thể thao Việt Nam (TTVN) ở đấu trường quốc tế. Người hâm mộ thể thao nước nhà đã được trải qua muôn vàn cung bậc cảm xúc khác nhau, được sống trong những ngày tươi đẹp nhất, tự hào nhất và cả những ngày tiếc nuối...

Hoàng Xuân Vinh với tấm Huy chương Vàng lịch sử tại Olympic 2016. Ảnh: REUTERS
Hoàng Xuân Vinh với tấm Huy chương Vàng lịch sử tại Olympic 2016. Ảnh: REUTERS

Khoảng trống của kỳ tích

Khó có từ ngữ nào có thể miêu tả được niềm hạnh phúc và tự hào của người Việt Nam sau khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thay đổi lịch sử của TTVN với tấm HCV ở nội dung 10m súng ngắn hơi, và sau đó giành thêm tấm HCB ở nội dung 50m súng ngắn bắn chậm tại Olympic Rio. Tiếp nối kỳ tích ấy, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam cũng thi đấu rất thành công tại Paralympic 2016 khi giành được bốn tấm huy chương, trong đó đáng chú ý nhất là tấm HCV cử tạ của lực sĩ Lê Văn Công ở hạng cân 49 kg. Ngoài ra, còn phải kể đến tấm HCB của kình ngư Võ Thanh Tùng cùng hai chiếc HCĐ của hai VĐV Đặng Thị Linh Phượng và Cao Ngọc Hùng.

Hân hoan là thế, nhưng vẫn lo lắng lắm. Những kỳ tích này thật sự đáng ngợi ca, song chúng ta không thể mãi đắm chìm trong đó. Bởi, vinh quang mấy rồi cũng sẽ qua và những đích đến phía trước đang chờ đón để chinh phục mới là quan trọng. Xạ thủ gốc Quảng Trị Hoàng Xuân Vinh là một trường hợp “đột xuất” bùng nổ ngoạn mục tại Rio. Đỉnh cao mà anh vươn tới rõ ràng vượt quá xa nền tảng, mặt bằng chung của TTVN và khoảng trống sau lưng anh rất lớn. Những trường hợp ngoại lệ như anh rất hiếm khi xuất hiện, nhưng khả năng xạ thủ sinh năm 1974 tiếp tục thi đấu, duy trì phong độ đỉnh cao bốn năm nữa ở Olympic Tokyo 2020 là không nhiều. Thành quả phi thường của anh phản ánh rất ít quy trình phát hiện đào tạo tài năng và chuẩn bị cho Olympic của ngành thể thao còn nhiều thiếu hụt, bất cập. Hoàng Xuân Vinh đã làm nên kỳ tích, nhưng số đông còn lại thì không và trong số đông ấy, không thiếu những thế mạnh, những kỳ vọng huy chương. Trên thực tế, Xuân Vinh chỉ là niềm hy vọng số 3 của TTVN tại Olympic 2016. Hai niềm hy vọng lớn nhất ở môn cử tạ là Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền đã thảm bại. Trong khi đó, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, dù được kỳ vọng tạo đột biến, vẫn không thể lọt vào chung kết ở bất kỳ nội dung nào.

Ánh vàng lấp lánh từ tấm huy chương lịch sử ấy không đủ che lấp bộn bề những công việc cần làm của TTVN trong bối cảnh chúng ta không thể hài lòng, tự vỗ về mình với những chỉ tiêu nhỏ nhoi ở “ao làng” SEA Games. Vấn đề của TTVN lúc này là sẽ phải làm gì để tạo ra những tài năng có đẳng cấp như Hoàng Xuân Vinh một cách bài bản, với cách làm vừa theo đúng chuẩn quốc tế vừa phù hợp và phát huy với tố chất con người, điều kiện riêng. Nhìn vào thực tế lực lượng, quỹ thời gian bốn năm để TTVN “nuôi” những niềm hy vọng Vàng không hề dài, nếu không muốn nói phải triển khai quyết liệt ngay bây giờ mới có thể kịp.

Thăng trầm của bóng đá

Câu chuyện tầm nhìn và sự đầu tư ra sao đó cũng đang là mối trăn trở của nền bóng đá Việt. Nốt “thăng” của bóng đá nước nhà bắt đầu vào tháng 2-2016, tuyển futsal Việt Nam đã tạo nên một “cơn địa chấn” khi loại Nhật Bản ở tứ kết Vòng chung kết futsal châu Á, để trở thành đội tuyển đầu tiên của Việt Nam giành quyền tham dự một Vòng chung kết World Cup. Dừng bước tại vòng 1/8 World Cup trước tuyển Nga đang đứng thứ 3 thế giới, nhưng có lẽ hành trình cổ tích này của futsal Việt Nam chắc chắn sẽ là một câu chuyện được kể đi, kể lại nhiều lần sau này. Những bức ảnh đăng kèm bài viết trên được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội với hình ảnh các cầu thủ đặt tay lên ngực hát quốc ca khiến người xem phải nổi da gà vì xúc động. Khoảnh khắc ấy đã truyền đi một nguồn cảm hứng bất tận cho bóng đá Việt Nam khi chúng ta đường hoàng bước ra sân chơi thế giới với tâm thế của một người đi chinh phục. Đây là một bước tiến khổng lồ đối với một nền bóng đá mà giải vô địch quốc gia futsal còn chưa đi hết một thập kỷ tổ chức.

Năm của những cảm xúc ảnh 1

Futsal Việt Nam thi đấu tại World Cup 2016. Ảnh: QUANG THẮNG

Chưa hết, người hâm mộ môn thể thao vua nước nhà tiếp tục đón nhận thêm tin vui vào những ngày tháng 10-2016, khi đội tuyển U19 Việt Nam xuất sắc góp mặt ở bán kết giải U19 châu Á, đồng thời giành vé dự vòng chung kết U20 thế giới được tổ chức ở Hàn Quốc vào tháng 5-2017. Tuy rằng World Cup U20 không thể so với World Cup cho các đội tuyển quốc gia và khó khăn là điều nhìn thấy trước trên đất Hàn Quốc, bởi thực lực của ta so với các đội hàng đầu châu Á là khá xa, chứ chưa nói đến tầm cỡ quốc tế. Song, việc góp mặt tại sân chơi dành cho bóng đá trẻ thế giới đã là niềm tự hào và là dấu son đáng nhớ của bóng đá Việt. Lứa U19 Việt Nam 2016 từng bị đem ra so sánh và thậm chí là chê rất nhiều với lứa U19 của Công Phượng trước kia, nhưng họ lại cho thấy sự tiến bộ vượt trội về thể hình, sức mạnh và sức bền hơn hẳn. Và thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã làm được điều không tưởng một cách đáng ngưỡng mộ và đầy khâm phục. Ở U20 World Cupmỗi tuyển thủ Việt Nam sẽ có cơ hội giới thiệu bản thân ra toàn thế giới. Tuy nhiên, người hâm mộ đang rất lo lắng cho U19 Việt Nam bởi sau vinh quang, đội tuyển này sẽ đi đâu về đâu và phát triển theo lộ trình nào. Những tấm gương trước mắt với hàng loạt lứa cầu thủ trẻ “tan đàn xẻ nghé” chính là dấu hỏi lo lắng cho U19 Việt Nam hiện tại.

Tuy nhiên, những bước ngoặt của U19 và futsal Việt Nam không thể là thước đo chính xác trình độ của một nền bóng đá cũng như là cơ sở để cho rằng bóng đá Việt Nam đã thật sự nâng tầm. Sau khi đặt đôi chân lên đại lộ thế giới, chúng ta sẽ bước tiếp hay quay về “ngủ” trên kỳ tích? Sự chọn lựa ấy thuộc về những nhà điều hành bóng đá, vốn vẫn đang loay hoay với những chiến lược phát triển luẩn quẩn, không rõ ràng. Liệu rằng, giấc mơ World Cup của tuyển U19 nữ Việt Nam sẽ dự Vòng chung kết U19 nữ châu Á 2017 tại Trung Quốc có thực hiện được như các đồng nghiệp nam?

Năm của những cảm xúc ảnh 2

U19 Việt Nam (trắng) đã làm được điều kỳ diệu một cách đáng ngưỡng mộ. Ảnh: KHIẾU MINH

TTVN khép lại một năm đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc với thất bại đau đớn của đội tuyển bóng đá quốc gia tại bán kết AFF Cup 2016. Tuyển Việt Nam trước và trong những giải đấu quan trọng thường xuyên thể hiện hai bộ mặt khác hẳn nhau. Cảm giác tiếc nuối là những cảm xúc đọng lại nhiều nhất của tất cả người hâm mộ thể thao nước nhà sau màn trình diễn đầy quả cảm của các cầu thủ. Những giọt nước mắt ở Mỹ Đình sẽ làm lứa cầu thủ mới hơn đôi mươi của bóng đá Việt Nam mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn để hướng tới những trận đấu phía trước.

Thể thao nói chung hay bóng đá nói riêng đều phải có người thắng và kẻ thua. Những kỳ tích đã minh chứng rằng vẫn có những con người đang nỗ lực hết mình vì sự nghiệp thể thao nước nhà. Hướng tới năm mới là hướng tới những điều tốt đẹp mới, những thất bại chính là những bài học quý báu để chuẩn bị cho những kế hoạch tiếp theo trong tương lai. Niềm tin không mất đi, nó chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Tất cả nước mắt hạnh phúc hay tiếc nuối đều xuất phát từ trái tim của hàng triệu người Việt Nam, và đều hướng về Tổ quốc mỗi khi điệu nhạc quốc ca được vang lên đầy hùng tráng.