Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam 2016

Hạ màn mỹ mãn

Sau gần bốn tháng tranh tài kịch tính, Giải bóng rổ chuyên nghiệp chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam (VBA) 2016 đã khép lại một cách mỹ mãn với ngôi vô địch thuộc về đội Danang Dragons. Được sự đón nhận của hàng nghìn người hâm mộ trên cả nước, các cầu thủ VBA đã thi đấu bằng tất cả tài năng, nhiệt huyết, tạo nên những trận đấu mãn nhãn và đầy hấp dẫn.

Những trận đấu tại VBA luôn diễn ra kịch tính đến phút chót. Ảnh | VBA
Những trận đấu tại VBA luôn diễn ra kịch tính đến phút chót. Ảnh | VBA

1. VBA 2016 ra đời là xu thế tất yếu trong sự lớn mạnh của cộng đồng bóng rổ Việt Nam. Dựa trên nền tảng thành công của Saigon Heat, đội bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam tham dự giải nhà nghề Đông - Nam Á (ABL), năm ông chủ sở hữu năm đội bóng rổ lớn nhất Việt Nam gồm Hanoi Buffaloes, Cantho Catfish, Danang Dragons, Hochiminh City Wings và Saigon Heat đã đứng ra thành lập Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam - VBA vào ngày 6-7-2016. Mỗi CLB tham dự sẽ có tối đa một ngoại binh, hai cầu thủ gốc Việt và 10 đến 12 cầu thủ nội được tuyển chọn kỹ lưỡng nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa các đội bóng. Đồng thời, kinh phí hoạt động của mỗi đội ước khoảng năm tỷ đồng/năm. Với gần 50 trận đấu đỉnh cao diễn ra ở bốn thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, VBA xứng đáng là một sân chơi chuyên nghiệp, uy tín và là một cú hích lớn cho sự phát triển dài hơi của nền bóng rổ Việt Nam khi nhanh chóng biến thành một “cơn lốc” mãnh liệt khuấy đảo nhịp sống của giới trẻ cả nước.

Trước đây, giải Vô địch quốc gia vẫn được tổ chức đều nhưng các trận đấu có chuyên môn cao lại đếm trên đầu ngón tay. VĐV thành tích cao ít được thi đấu nên tuyển Việt Nam rất yếu so với khu vực Đông-Nam Á. Khi VBA ra đời, các VĐV được đấu nhiều trận hơn, chơi bóng với những VĐV đẳng cấp cao hơn, các trận đấu căng thẳng từ đầu đến cuối và diễn ra với trình độ cao. Từ đó, các VĐV được rèn luyện và nâng cao trình độ.

2. Ngoài mục tiêu quan trọng nhất là đưa bóng rổ trở thành môn thể thao số 2 tại Việt Nam, VBA còn mang đậm tính giải trí và thư giãn theo mô hình nước ngoài chứ không chỉ là thể thao thuần túy. Khán giả luôn có được những trải nghiệm thú vị trong từng trận đấu. Những hoạt náo viên xinh đẹp khuấy động không khí bằng những màn trình diễn bốc lửa, khán giả được hòa mình nền nhạc sôi động cùng các DJ hàng đầu và cả những chú mascot luôn hào hứng với những điệu nhảy ngộ nghĩnh... Khẩu hiệu Hơn cả một trận đấu của VBA còn được thể hiện rõ qua những tiết mục đậm tính giải trí như múa lửa, xiếc thăng bằng...

Điểm sáng nữa của VBA 2016 chính là dàn cầu thủ chất lượng, ban chuyên môn có trình độ cao bảo đảm tính công bằng nhất. Từ những ngôi sao ngoại binh, gốc Việt như Jaywuan Hill, Joly Rudolphe, Justin Young... đến những cầu thủ nội cũng đầy bản lĩnh, chuyên nghiệp và nổi bật là Lê Ngọc Tú, Nguyễn Phú Hoàng, Tô Quang Trung... Cũng từ đây, bóng rổ Việt Nam có thể phát hiện và tuyển chọn thêm nhiều VĐV tài năng, đóng góp cho đội tuyển quốc gia.

VBA từng bước trở thành một giải đấu thể thao uy tín chiếm trọn cảm tình và niềm tin nơi khán giả. Các đội bóng đều có đông đảo cổ động viên luôn sẵn sàng “cháy hết mình”, qua đó khích lệ tinh thần thi đấu của các cầu thủ để xác lập những kỷ lục mới, đánh dấu bước đầu khởi sắc cho bóng rổ Việt Nam. Như Danang Dragons, với sự tin tưởng và đồng hành của người dân Đà Nẵng đã vượt qua mọi rào cản để chạm tay vào chiếc Cúp vô địch VBA đầu tiên. Và chính niềm đam mê bóng rổ, cống hiến hết mình của cả khán giả và cầu thủ hòa làm một đã góp phần xây nên nền móng thành công của VBA 2016.

Niềm đam mê bóng rổ, cống hiến hết mình của cả khán giả và cầu thủ hòa làm một đã góp phần xây nên nền móng thành công của VBA 2016.

3. Tuy nhiên, để định hướng bóng rổ trở thành môn thể thao số 2 sau bóng đá thì vẫn cần thêm thời gian. Nhiều nhà tài trợ không dám mạnh dạn đầu tư vì không chắc VBA có tạo được hiệu ứng tốt. Nhưng đến nay, có lẽ việc kêu gọi tài trợ sẽ “dễ thở” hơn vào mùa giải sau. Chưa kể, đa số nhà thi đấu của VBA chỉ ở tầm hơn 1.000 chỗ ngồi và trong đó đã có một vài trường hợp “vỡ sân”, mà việc kiếm những nhà thi đấu có sức chứa lớn hơn là một bài toán khó. Tiếp tục thúc đẩy việc giao lưu với cổ động viên cũng là vấn đề quan trọng cần giữ gìn và phát huy. Ngoài ra, do phối hợp với nhiều đài truyền hình khác nhau để sản xuất nên chất lượng sản phẩm truyền hình không được đạt chuẩn như nhau. Cho dù mùa giải vừa qua có khoảng 80% số trận đấu của VBA được truyền hình trực tiếp và 100% số trận được trực tiếp trên YouTube. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cần có phương án tăng thêm đội tham dự, ít nhất là một đội để có được sáu đội. Nếu có càng nhiều đội chuyên nghiệp ở nhiều tỉnh thành, bóng rổ càng có điều kiện phát triển nhanh tại Việt Nam.

Điều cơ bản nhất cho sự phát triển của bóng rổ Việt Nam là đào tạo trẻ. Hiện tại chỉ có Saigon Heat và Hochiminh City Wings sở hữu hệ thống đào tạo trẻ riêng. Lối đi tốt nhất cho tương lai là mỗi đội bóng và các tỉnh thành phải có hệ thống đào tạo trẻ chuyên nghiệp. Bên cạnh hoạt động chuyên môn hay mang đến sự giải trí, mục tiêu của các đội bóng trước mắt là phải tự sống được chứ không thể mãi trông đợi hầu bao của ông bầu để trở thành đội mạnh hoặc đoạt chức vô địch.

Hạ màn mỹ mãn ảnh 1

Các hoạt náo viên và linh vật của CLB Hanoi Buffaloes. Ảnh | TIẾN TUẤN