Điền kinh và giấc mộng “vàng”

Điền kinh Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trên đấu trường khu vực và châu lục trong những năm gần đây. Giành vị trí số một Đông-Nam Á khi vượt qua các đối thủ mạnh tại SEA Games 29 - 2017, song để bước lên đỉnh cao ở sân chơi đẳng cấp châu Á năm nay thì không phải là điều dễ dàng...

Nữ hoàng nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo được nhiều kỳ vọng giành vàng tại ASIAD 2018. Ảnh: KHẢ HÒA
Nữ hoàng nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo được nhiều kỳ vọng giành vàng tại ASIAD 2018. Ảnh: KHẢ HÒA

Giấc mơ về tấm HCV ASIAD của điền kinh nước nhà vẫn chưa thực hiện được. Bốn năm trước, tại Incheon (Hàn Quốc), “nữ hoàng” Vũ Thị Hương đã không thể có được lời chia tay trọn vẹn với đấu trường quốc tế khi thất bại ở các cự ly chạy ngắn sở trường. Thay vào đó, các đồng đội trẻ của cô là Quách Thị Lan (400m nữ) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ) đã giành được hai tấm HCB đại hội, mở đường cho những đợt chinh phục nhắm vào đỉnh cao châu lục từ đấy đến nay. Tại Đại hội thể thao châu Á 2018, nội dung điền kinh diễn ra từ ngày 25 đến 30-8 với trọng trách giành huy chương được đặt lên đôi vai của các VĐV như Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan và Lê Tú Chinh.

Liên tiếp đăng quang tại SEA Games, Giải vô địch châu Á cũng như các kỳ Grand Prix châu lục trong năm 2017 và 2018, Bùi Thị Thu Thảo trở thành niềm hy vọng lớn nhất của điền kinh Việt Nam có thể biến “giấc mơ vàng” thành hiện thực tại ASIAD 2018 ở Indonesia, nơi cô khao khát đổi mầu huy chương và tái khẳng định vị trí số 1 ở hố nhảy xa nữ cấp độ châu lục. Tham dự Giải Điền kinh quốc tế TP Hồ Chí Minh cuối tháng 7 vừa qua, cô gái 26 tuổi giành HCV với thành tích 6,55m, vượt thông số của chính mình tại Giải Điền kinh vô địch châu Á 2017 (6,54m). Giới chuyên môn trông chờ điểm rơi phong độ của nhà vô địch châu Á trùng với thời gian diễn ra ASIAD 2018; trong đó, khả năng tái lập thành tích tốt nhất 6,68 m hoàn toàn có thể xảy ra với Thu Thảo trên đất Indonesia.

Sau khi lên ngôi “nữ hoàng” tại SEA Games 29, Lê Tú Chinh được đầu tư tập huấn tại Mỹ với những thông số thành tích hết sức khả quan và cô được kỳ vọng sẽ tạo được dấu ấn trên đường chạy tốc độ của châu lục ở nội dung 4x100m nữ. Hiện tại, dù không có đối thủ ở đấu trường khu vực, song thành tích của Lê Tú Chinh ở cả nội dung 100m và 200m mới nằm trong nhóm 15-20 VĐV hàng đầu châu lục, để lọt vào nhóm năm - bảy VĐV hàng đầu lại là câu chuyện khác. Bên cạnh đó, Quách Thị Lan cũng được kỳ vọng sẽ tái lập lại thành tích á quân đại hội, thậm chí khả năng đổi mầu huy chương là rất lớn. Tại Giải Điền kinh quốc tế TP Hồ Chí Minh 2018, Quách Thị Lan đã giành HCV với 52 giây 85 ở nội dung sở trường 400m, thành tích này được đánh giá ổn định ở mức khá tốt. Và một HCV ở nội dung 400m rào với thời gian 57 giây 73. Để có thể giành huy chương ở ASIAD, cô gái quê Thanh Hóa sẽ cần phải cải thiện thêm nhằm rút ngắn thời gian xuống dưới 57 giây. Sự đa năng của Quách Thị Lan cũng là cơ sở để ban huấn luyện đội tuyển đặt hy vọng vào cơ hội thành công của cô ở cả cự ly cá nhân 400m rào lẫn nội dung tiếp sức 4x400m nữ.

Ngoài ra, điền kinh Việt Nam cũng đặt mục tiêu khá cao cho những tuyển thủ còn lại như Nguyễn Thị Oanh (Hà Nội, 200m, 400m); Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang, 1.500m, 5.000m nữ); Dương Văn Thái (800m, 1.500m nam); Quách Công Lịch (400m, 400m rào nam)... Điền kinh Việt Nam đã có những đầu tư đúng đắn trong thời gian qua, chúng ta đang kéo gần khoảng cách với các nước châu lục và hy vọng tấm HCV đầu tiên cho điền kinh nước nhà sẽ không còn là giấc mơ tại Á vận hội năm nay.