Đâu là bến đậu?

Như vậy, cuộc phiêu lưu của Công Phượng trên đất Hàn Quốc đã khép lại theo kịch bản buồn. Đội bóng Incheon Utd chấp nhận để cầu thủ này ra đi sau gần bốn tháng “nên duyên”. Mới 24 tuổi, đang trong độ tuổi chín muồi của sự nghiệp, nhưng Công Phượng đã có hai lần “xuất ngoại” trong ê chề...

Công Phượng không thể thích nghi ở Incheon Utd. Ảnh: INCHEON FC
Công Phượng không thể thích nghi ở Incheon Utd. Ảnh: INCHEON FC

401 phút là quãng thời gian Công Phượng chơi trong mầu áo Incheon. Bốn trận đá chính, năm trận vào sân từ ghế dự bị, không một bàn thắng, không kiến tạo và chỉ có đúng ba lần dứt điểm. Incheon Utd đã phải thay đến ba HLV vì thành tích bết bát ở vị trí cuối bảng, nhưng ba HLV trên đều không trọng dụng Công Phượng. Dù rất cố gắng nhưng có thể thấy rõ sự không phù hợp của Công Phượng với lối đá của đội bóng Hàn Quốc. Đánh giá về thất bại của Công Phượng, giới chuyên môn Hàn Quốc cũng như trong nước cho rằng tiền đạo xứ Nghệ có những bất lợi lớn về thể hình, thể lực so với các đối thủ ở K.League. Khác với V.League, Công Phượng luôn có sự phục vụ của các đồng đội thì tại Incheon United, cầu thủ HAGL phải tham gia cả phòng ngự, từ đó CP10 dần đánh mất sự tự tin cần có để thi đấu đỉnh cao.

Lần “xuất ngoại” đầu tiên, Công Phượng đến Nhật Bản thi đấu cho Mito Hollyhock ở giải J.League 2 năm 2016. Cầu thủ sinh năm 1995 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh bóng đá Việt Nam tới một trong những cường quốc của môn thể thao vua ở châu lục. Song, sự kỳ vọng quá mức của người hâm mộ trong nước cho Phượng đã nhận về hụt hẫng, khi anh chỉ vỏn vẹn một lần đá chính trong năm lần được ra sân trong mầu áo Mito Hollyhock và không ghi được bàn thắng.

Hai lần “xuất ngoại” rình rang và cũng từng ấy bận “hồi hương” trong lặng lẽ. Ấy thế mà, Phượng lại đang đứng trước cơ hội chơi bóng ở châu Âu. Lãnh đạo HAGL đã công khai dự định đưa Phượng sang Pháp thử việc ở một đội bóng hạng hai. Tạm biệt châu Á để đến với trời Âu, một môi trường bóng đá đỉnh cao thế giới liệu có phải là điều mạo hiểm, quá sức với năng lực hiện nay của Công Phượng? Chưa kể, đây là thời điểm bóng đá châu Âu đang nghỉ, Phượng không thể thi đấu nhiều. Kế đến, là khả năng hòa nhập. HLV của Incheon tiết lộ, ngoại ngữ của Công Phượng là một trong những rào cản. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì Phượng cũng khó có thể quay về HAGL vì đội bóng này đang ổn định, sự trở về của Phượng sẽ tạo nên sự xáo trộn và có lẽ về vào đầu mùa giải sẽ hợp lý hơn.

Những bản hợp đồng “xuất ngoại” cho mượn có thời hạn của Công Phượng đều do CLB HAGL sắp xếp, ngay cả việc dừng hợp đồng cũng do đội bóng phố Núi chủ động. Khi sang Nhật, Công Phượng mới 21 tuổi, còn bây giờ là 24. Bốn năm thi đấu ở bốn CLB khác nhau có phải là điều tốt cho Phượng? Trong khi thời gian “du học” lại quá ngắn, có mang lại bổ ích gì hay không thì chỉ có Phượng mới biết. Lần trở về từ J-League 2, Phượng từng mất một mùa giải để hòa nhập lại với V.League và khi bắt đầu vào guồng thì lại khăn gói đến Hàn Quốc. “Xuất ngoại” là tốt, tài năng của Công Phượng là không thể không phủ nhận, nhưng phải biết mình biết ta. Nếu tiếp tục “mài đũng quần” trên băng ghế dự bị ở CLB quốc tế trong những năm tới thì liệu có ổn cho phong độ của Phượng?

Không thể phủ nhận thực tế, để phát triển và nâng tầm cầu thủ Việt thì thi đấu ở nước ngoài là giải pháp tốt nhất lúc này, song những chuyến xuất dương phải dựa trên nhiều yếu tố như khả năng đáp ứng, thích hợp về chuyên môn, văn hóa... mới có thể mang lại thành công. Và nếu có một đội bóng ở Pháp ký hợp đồng với Công Phượng thì đó phải là nhu cầu từ phía đối tác chứ không chỉ đơn thuần lại là một cuộc “gả bán”. Công Phượng vẫn đang ở độ sung sức của tuổi trẻ, tìm kiếm cơ hội tỏa sáng là việc nên làm dù biết trước nhiều khó khăn. Nhưng hiện giờ, có lẽ Phượng cần có thời gian tìm lại sự tự tin hơn là bàn sâu cho việc đi châu Âu.