Dấu ấn của bắn cung Việt Nam

Được tách ra từ Liên đoàn bắn súng từ năm 2006 với chương trình thi đấu riêng, bắn cung Việt Nam đến nay đã tạo được nhiều dấu ấn trên các đấu trường khu vực và châu lục. Đặc biệt, tính thời điểm hiện tại, trong bốn suất dự Olympic Tokyo 2020 mà thể thao Việt Nam giành được thì đội tuyển bắn cung đóng góp một nửa.

Niềm vui chiến thắng của các VĐV bắn cung tại SEA Games 30. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Niềm vui chiến thắng của các VĐV bắn cung tại SEA Games 30. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Là một trong những bộ môn thể thao lâu đời của Olympic, bắn cung xuất hiện lần đầu năm 1900 và liên tục có mặt trong danh sách các môn thi đấu ở các kỳ Olympic từ năm 1972 đến nay. Tại Việt Nam, bắn cung chưa thật sự phổ biến, dù đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên những năm gần đây đang ngày càng được đầu tư, phát triển mạnh mẽ và có chiều sâu hơn.

2019 là năm thành công của môn bắn cung Việt Nam khi tin vui đã đến liên tiếp trước thềm SEA Games 30. Cuối tháng 11-2019, Nguyễn Văn Đầy đánh dấu một cột mốc mới cho bắn cung Việt Nam tại giải vô địch châu Á sau khi giành tấm HCB lịch sử ở nội dung cung ba dây cá nhân nam. Và chỉ một ngày sau hai cung thủ Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã xuất sắc giành suất tham dự Olympic Tokyo 2020. Thành công nối tiếp thành công khi các cung thủ Việt Nam đã có màn thể hiện ngoạn mục để làm nên lịch sử giành ba tấm HCV ở nội dung cung một dây, đứng vị trí nhất toàn đoàn môn bắn cung tại SEA Games 30. Đó là những HCV nội dung đồng đội nữ (Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lộc Thị Đào, Nguyễn Thị Phương), đôi nam nữ (Nguyễn Hoàng Phi Vũ - Lộc Thị Đào) và cá nhân nữ (Lộc Thị Đào). Thành tích này giúp tuyển bắn cung Việt Nam vượt chỉ tiêu, vượt xa thành tích của kỳ SEA Games 29-2017 tại Malaysia khi chỉ giành được một HCV. Có thể thấy, bắn cung Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ và sự tiến bộ nhanh về thành tích.

Ông Bùi Trường Giang, Lãnh đội tuyển bắn cung Việt Nam tại SEA Games 30 cho biết, trong suốt thời gian qua, Tổng cục Thể dục Thể thao đã luôn trăn trở, dành nhiều thời gian để nghiên cứu các lộ trình, giải pháp phát triển môn bắn cung và xây dựng lực lượng vận động viên hùng hậu trong tương lai. Đặc biệt, chú trọng khích lệ các địa phương tăng cường đầu tư đối với tuyến vận động viên trẻ. Có lẽ, chính vì xây dựng chiến lược và định hướng phát triển đúng hướng đã bước đầu giúp tuyển bắn cung có được quả ngọt như ngày hôm nay.

Điều đáng mừng nữa là cả hai VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020 đều đang ở độ tuổi đôi mươi, vẫn còn nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất của bắn cung Việt Nam là tâm lý thi đấu. Đỗ Thị Ánh Nguyệt sinh năm 2001 và Nguyễn Hoàng Phi Vũ sinh năm 1999, đều còn rất trẻ, lần đầu tham dự Olympic sẽ không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ, choáng ngợp ở sân chơi lớn. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc đưa ra những giáo án tập luyện cụ thể, tuyển bắn cung Việt Nam sẽ tham dự một số giải đấu quốc tế để các VĐV tích lũy kinh nghiệm. Bên cạnh đó, bắn cung Việt Nam vẫn còn cơ hội cuối để giành thêm vé dự Thế vận hội 2020 là Giải vô địch Bắn cung thế giới diễn ra vào tháng 6 tới tại Đức. Ở giải này, chúng ta có thể hy vọng vào “chị cả” Lộc Thị Đào - người hùng bắn cung Việt Nam tại SEA Games 2019 với cú hat-trick HCV.

Tính đến thời điểm này, ba HCV giành được tại SEA Games 30 và hai tấm vé lần đầu tiên tham dự Olympic Tokyo 2020 là thành tích tốt nhất của bắn cung Việt Nam từ trước đến nay. Tất nhiên, ở đấu trường Olympic quy tụ nhiều cung thủ xuất sắc thế giới, đội tuyển bắn cung Việt Nam hướng tới mục tiêu học hỏi, cọ xát tích lũy kinh nghiệm và với sự nỗ lực tập luyện, trưởng thành của các cung thủ thời gian qua, chúng ta có quyền hy vọng một dấu ấn vươn tầm mới của bắn cung Việt Nam.