Đánh mất điểm tựa

Thể thao Việt Nam đã có một kỳ ASIAD thật sự đáng nhớ, song hành cùng những niềm vui chói sáng, chúng ta cũng phải chứng kiến những thất bại đau đớn đến từ những VĐV được đặt kỳ vọng rất lớn...

Tiểu tiên cá Ánh Viên đã có một kỳ ASIAD đáng quên. Ảnh: HOÀNG QUỲNH
Tiểu tiên cá Ánh Viên đã có một kỳ ASIAD đáng quên. Ảnh: HOÀNG QUỲNH

1 Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Thạch Kim Tuấn (cử tạ)... đều là những “hy vọng vàng” tại ASIAD 2018. Những thành tích ở đẳng cấp thế giới của họ đã được khẳng định qua thời gian, các môn họ thi đấu cũng vốn khắc nghiệt và danh giá với tên gọi chung “nhóm môn Olympic”. Bởi vậy, sức ép và kỳ vọng đặt vào họ nhiều hơn hẳn so với những VĐV khác. Song, hầu hết đều gây thất vọng, họ đều thất bại ở những nội dung sở trường với những thành tích còn kém hơn so với tập luyện. Đây chính là vấn đề khá nghiêm trọng đối với TTVN.

Trước ASIAD khoảng hơn một tháng, Ánh Viên tham dự một giải đấu quan trọng tại Mỹ và giành HCB nội dung 400 m hỗn hợp với thành tích khả quan vì đạt chỉ số cao nhất trong chu kỳ huấn luyện từ năm 2012 đến giữa năm 2018. Cả HLV Đặng Anh Tuấn và Ánh Viên rất hy vọng sẽ đổi được màu huy chương tại ASIAD 2018 khi chỉ giành HCĐ bốn năm trước. Thế nhưng, Viên chỉ đứng thứ năm chung cuộc do bị xuất phát chậm nên ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình thi đấu. Tại sao Ánh Viên lại mắc lỗi kỹ thuật sơ đẳng như vậy, chính là do tâm lý. Sau SEA Games 29, Ánh Viên đã phải nhờ đến bác sĩ tâm lý do có dấu hiệu bị trầm cảm. Tại ASIAD, cô lại bị ngợp, bị khớp và tê liệt gần như hoàn toàn cảm xúc lúc thi đấu. Cũng như Ánh Viên, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng có một kỳ ASIAD đáng quên khi trắng tay về nước. Từ thất bại tại SEA Games đến ASIAD dường như cho thấy giới hạn của xạ thủ này. Có lẽ tâm lý cũng là vấn đề cốt lõi trong sự trồi sụt thất thường về mặt thành tích của anh trong suốt hai năm qua.

2 Tại ASIAD 18 TTVN có khoảng hơn chục VĐV trọng điểm được đầu tư nhắm huy chương thì gần một nửa không đạt yêu cầu như mong đợi. Những môn thể thao thuộc “nhóm Olympic” có đặc điểm là thường dễ dự đoán kết quả nhờ vào thành tích trong quá trình tập luyện. Dựa trên các con số, sẽ xác định được đối thủ cần phải vượt qua cũng như chọn điểm rơi trong thi đấu. Các VĐV khi được chọn dự ASIAD đều phải bảo đảm được các thông số cá nhân ổn định trong thời điểm gần thời gian tranh tài. Thế nên, khi có thành tích quá kém so với các thông số trong tập luyện thì chủ yếu là do tâm lý, bản lĩnh không được vững vàng ở thời điểm quan trọng. Nói đúng hơn, đó là vấn đề áp lực.

TTVN chủ yếu dựa vào một vài cá nhân nổi trội chứ không mạnh đồng đều ở một nhóm nội dung thi đấu. Như vậy, những “điểm tựa” ngoài việc không có người chia sẻ trách nhiệm, họ còn chịu áp lực từ sự kỳ vọng vốn đã rất lớn dồn ép. Chưa kể họ còn phải đối mặt với những đối thủ hàng đầu châu lục.

3 Khi Ánh Viên khuấy đảo đường đua xanh, Hoàng Xuân Vinh lên đỉnh Olympic hay Thạch Kim Tuấn chói sáng với những cú đẩy tạ... người ta dường như vô tình quên mất bên cạnh họ còn có rất nhiều tuyển thủ quốc gia khác nữa. Từ đấy, họ nằm trong số những VĐV được xếp vào diện “điểm tựa duy nhất” ở môn thể thao sở trường của mình. Nhưng thực tế, không phải do dư luận, giới truyền thông, người làm chuyên môn quên sự hiện diện của nhiều VĐV, tuyển thủ quốc gia khác, mà bởi lẽ những Ánh Viên, Xuân Vinh... quá nổi trội, gần như gánh vác trọng trách tìm kiếm huy chương suốt thời gian qua. Vắng những gương mặt xuất chúng này ở các cuộc tranh tài, cũng đồng nghĩa với việc TTVN chấp nhận “đói” thành tích, hoặc không còn khiến VĐV nước bạn ngán ngại khi bước vào cuộc đua tài. Song, khi những “điểm tựa” đó không còn nữa thì sao? Có lẽ đây là bài toán rất khó giải cho những người làm thể thao nước nhà.