Thủ môn Đặng Văn Lâm:

Đã có lúc muốn bỏ tất cả...

Hai dòng máu Việt - Nga mang đến số phận đan xen nhiều nốt thăng trầm trong cuộc đời của thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm. Đã có lúc anh cảm thấy bóng đá chỉ là con số 0, là nỗi thất vọng, sợ hãi và ám ảnh, nhưng đó chỉ là cảm giác trong chốc lát, của những suy nghĩ ích kỷ...

Ảnh trong bài: DIỆP CHI.
Ảnh trong bài: DIỆP CHI.

Vượt qua cú sốc

Đặng Văn Lâm là thủ môn “hot” nhất ở thời điểm hiện tại, thậm chí hơn cả “soái ca” Bùi Tiến Dũng - người hùng của đội tuyển U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2018. Độ “hot” của Đặng Văn Lâm không chỉ là vẻ đẹp trai của một chàng trai “Tây” lai, mà trên hết là tài năng bắt bóng có một không hai ở làng bóng đá Việt.

Với Văn Lâm, anh sẽ khó có được sự nghiệp như ngày hôm nay nếu không vượt qua một cú sốc lớn. Cú sốc đó suýt khiến thủ thành mang hai dòng máu Việt - Nga phải chia tay với niềm đam mê chơi bóng của mình. Đó là ngày 10-09-2017, khi anh đang ngồi trong phòng riêng ở đại bản doanh CLB Hải Phòng, trợ lý HLV Lê Sỹ Mạnh lên phòng của Văn Lâm trong tình trạng không tỉnh táo. Trợ lý này do có mâu thuẫn với Văn Lâm từ trước đó, đã nổi đóa và xông vào định hành hung chàng thủ môn của đội tuyển quốc gia bằng dao. Hoảng loạn, Văn Lâm chạy ra ngoài, phi xuống cầu thang và bị trượt ngã dẫn tới lật cổ chân. Chấn thương khiến Văn Lâm phải nghỉ thi đấu suốt một thời gian dài sau đó, còn trợ lý HLV Sỹ Mạnh bị sa thải.

Văn Lâm sau đó đăng một bức ảnh anh phải di chuyển bằng nạng, với cái chân trái bị thương, kèm theo dòng chữ: “I’m not a bandit. I’m football player... I come Vietnam to play football! Not for FIGHT...” (tạm dịch: Tôi không phải tên côn đồ. Tôi là cầu thủ bóng đá. Tôi đến Việt Nam để chơi bóng, không phải để đánh nhau).

Ngồi kể lại câu chuyện này với người viết, ánh mắt, nét mặt của Văn Lâm lộ rõ sự sợ hãi, dù sự cố đã xảy ra được gần một năm. Đã có thời điểm, người ta nghĩ rằng Văn Lâm sẽ nói lời từ biệt bóng đá tại Việt Nam, nhất là khi cả bố, mẹ và những người thân khuyên anh trở lại Nga để được gia đình che chở. Nhưng cũng như khi đối diện chính mình, thủ thành Việt kiều không cho phép anh trốn chạy và đầu hàng thử thách. “Tôi đã trở lại, tập luyện như điên mỗi ngày. Tôi chọn phòng GYM làm bạn, xa lánh mọi lời đồn đoán, sự nghi kỵ...”, Văn Lâm chia sẻ.

Lên tuyển từ giấc mơ của mẹ

Với nhiều cầu thủ, việc gặp chấn thương và những vấn đề ngoài chuyên môn đúng vào thời điểm đang đạt phong độ thi đấu ổn định là vô cùng đáng tiếc, Đặng Văn Lâm cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng thủ môn Việt kiều này vẫn nhìn sự việc theo cách lạc quan nhất có thể. Kiên trì, bền bỉ, nỗ lực, đó là chìa khóa để tìm kiếm cơ hội cho mình và vươn tới thành công, Văn Lâm luôn tâm niệm như vậy trong công việc cũng như cuộc sống của mình.

Nếu không kiên trì, Lâm đã không thể vượt qua một sự nghiệp cầu thủ nhiều thăng trầm của mình. Người hâm mộ từng biết Lâm “Tây” khi anh khoác áo U19 Việt Nam dự giải U19 Đông - Nam Á 2010 dưới sự dẫn dắt của HLV Triệu Quang Hà. Lúc đó, chàng trai Việt kiều còn khá bỡ ngỡ vì vừa mới từ Nga về Việt Nam, nên không thể hiện được hết khả năng. Năm 2011, Văn Lâm được CLB HAGL ký hợp đồng đào tạo, nhưng anh đã không thành công khi phải chuyển qua Lào thi đấu trong mầu áo CLB Hoàng Anh Attapeu. Nhận thấy không có chỗ đứng ở V-League, Lâm đã quay về Nga để thi đấu cho CLB Rodina mùa bóng 2014. Đến giữa mùa bóng 2015, khi được Hải Phòng chiêu mộ để thi đấu ở V-League, Lâm đã chứng tỏ mình qua từng trận đấu.

Trước SEA Games 28, cầu thủ có mẹ là người Nga này từng viết “tâm thư” với mong muốn được HLV Miura để ý. Lời thỉnh cầu của thủ môn sinh năm 1993 cuối cùng đã đến được tai của ông thầy người Nhật. Tuy nhiên, sau khi xem lại băng ghi hình những trận đấu mà Văn Lâm thi đấu, ông Miura đã thẳng thừng từ chối với một tin nhắn rất ngắn gọn: “Chúng tôi không thể gọi cậu lên tuyển”.

Nỗ lực không biết mệt mỏi, tháng 6-2016, Văn Lâm lần đầu được gọi lên đội tuyển quốc gia Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại Cúp bóng đá châu Á 2019 dưới thời HLV Hữu Thắng. Trong chuyến làm khách tại Jordan, với chiều cao lý tưởng, Văn Lâm hoàn toàn làm chủ khu vực 16m50, khiến những pha tấn công bằng bóng bổng của Jordan kém hiệu quả. Không chỉ vậy, Lâm còn phản xạ nhanh, ra vào hợp lý để không dưới năm lần cứu thua cho tuyển Việt Nam.

Văn Lâm kể về bước ngoặt trong sự nghiệp của mình với những cảm xúc và nỗi nhớ mẹ: “Mẹ đã khóc nức nở khi biết tôi được gọi lên đội tuyển quốc gia. Mẹ khóc vì hạnh phúc, vì cậu con trai non trẻ của bà đã trưởng thành. Câu chuyện xen lẫn nước mắt nhưng chẳng ai muốn dừng lại. Dù mẹ và gia đình ở nước Nga xa xôi nhưng luôn dõi theo từng bước đi của tôi...”. Lâm cho biết, mẹ anh, bà Jukova Olga chính là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp của mình. “Mẹ tôi rất hâm mộ thủ môn Lev Yashin. Từ lúc tôi còn rất nhỏ, bà đã kể cho tôi những giai thoại về cố cầu thủ vĩ đại này. Chính những câu chuyện đó đã hình thành ước mơ được trở thành một “người gác đền” trong tôi. Và tôi chưa bao giờ hối hận về sự lựa chọn này”.

Chặng đường vẫn còn chông gai

Việc HLV Park Hang-seo triệu tập Đặng Văn Lâm lên đội tuyển Olympic Việt Nam chuẩn bị cho ASIAD 2018 không phải là một quyết định gây bất ngờ, ngay cả khi ông thầy người Hàn Quốc đang có trong tay thủ thành Bùi Tiến Dũng - người hùng của U23 Việt Nam tại VCK châu Á 2018. So với Tiến Dũng, Văn Lâm hiện đang được đánh giá cao hơn về phong độ. So về thể hình, Văn Lâm (1,88 m) trội hơn hẳn Tiến Dũng (1,81 m). Thủ môn Việt Kiều đã có ba mùa giải tại V-League với hơn 50 trận cho Hải Phòng, chơi 19/20 trận cho Hải Phòng tại V-League 2018. Còn Tiến Dũng mới khoác áo Thanh Hóa mùa thứ hai, chơi chưa đầy 20 trận trên mọi đấu trường.

Song, bản danh sách tuyển Olympic Việt Nam cuối cùng tham dự ASIAD lại làm nhiều người bất ngờ: Văn Lâm bị loại. HLV người Hàn Quốc đã chọn Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Văn Hoàng đi Indonesia dự ASIAD 2018. Thực tế, HLV Park Hang-seo không vô cớ mà loại Đặng Văn Lâm. Ông Park từng nhiều lần khẳng định đây chính là thủ môn có phong độ tốt nhất của Việt Nam. Nhưng trong tính toán của ông thầy người Hàn Quốc, ASIAD là sân chơi của Bùi Tiến Dũng với nhiều kinh nghiệm thi đấu giải quốc tế. Ở khía cạnh nào đó, có thể hiểu việc HLV Park Hang-seo triệu tập Đặng Văn Lâm lên tuyển lần này để tạo nên tính cạnh tranh, giúp Bùi Tiến Dũng ý thức được việc phải luôn phấn đấu để được bắt chính. Văn Lâm chắc hẳn rất buồn, nhưng anh sẽ tiếp tục tập luyện bởi chỉ ngay sau ASIAD ba tháng, sẽ là AFF Cup và VCK Asian Cup 2019. Khi đó, tài năng của thủ thành Việt kiều sẽ có dịp được thể hiện.

Cuộc cạnh tranh suất bắt chính luôn công bằng, sòng phẳng, và bất cứ ai cũng phải nỗ lực hết mình vì tập thể, vì mục tiêu chung của đội tuyển. Rất khiêm tốn, Văn Lâm tâm sự: “Hồi đầu năm, tôi và mọi người còn cổ vũ U23 Việt Nam ở giải châu Á. Tôi đã được tập luyện cùng các em ở đội tuyển Olympic quốc gia. Tất cả chúng tôi đều là anh em đồng đội của nhau, không có ai là đối thủ. Mọi người đều cố gắng tập luyện tốt nhất và tôn trọng quyết định của HLV trưởng”.

Những người dõi theo Văn Lâm đều sẽ hiểu, con đường của Lâm chưa bao giờ dễ cả, nhưng có lẽ đấy mới là động lực để thủ thành Việt kiều không ngừng nỗ lực và phấn đấu. Như Văn Lâm đã chia sẻ trên Facebook cá nhân: “Trong máu Lâm có “tinh thần người Việt Nam”, và Lâm sẽ không bao giờ bỏ cuộc!”.

Đã có lúc muốn bỏ tất cả... ảnh 1

Đàn hay, hát giỏi

Văn Lâm là cầu thủ sống khép kín, nên ít ai biết anh rất có tài năng về âm nhạc. Thủ thành tuyển Việt Nam và Hải Phòng từng khiến nhiều fan nữ điêu đứng khi ôm đàn hát bài hit của Chu Bin “Giả vờ thương anh có được không”. Vẻ mặt đẹp trai và chất giọng “đặc biệt” của một cầu thủ Việt kiều, đã làm nên những nét rất riêng về Đặng Văn Lâm.