Công nghệ cũng sẽ giết bóng đá

NDO -

Ngày 5-7-2012, IFAB (Ủy ban bóng đá quốc tế) đã chính thức thông qua việc sử dụng công nghệ Goal-Line (tạm gọi là công nghệ vạch cầu môn) trong các trận đấu bóng đá. Gần một năm sau đó, IFAB đã chọn nhà thầu cung cấp công nghệ - tập đoàn GoalControl GmbH - cho Confederations Cup sẽ diễn ra tại Brazil mùa hè này. Phải chăng, đó là một bước tiến của bóng đá???

Pha phá bóng “nhạy cảm” của Terry trong trận đấu giữa Ukraine và Anh tại EURO 2012. Ảnh: TL
Pha phá bóng “nhạy cảm” của Terry trong trận đấu giữa Ukraine và Anh tại EURO 2012. Ảnh: TL

CÔNG NGHỆ GOAL-LINE CÓ ÍCH HAY KHÔNG?

Hãy thử cùng tưởng tượng một kịch bản như sau: Đội tuyển Anh kết thúc vòng bảng vòng loại World Cup 2014 với vị trí thứ nhì bảng ngay sau Montenegro và họ phải đá play-off với tuyển Pháp để tranh vé vớt. Ở trận lượt đi tại Stade de France, Anh cầm hòa Pháp 0-0 và trong trận lượt về tại Wembley, tỷ số là 1-1 cho tới phút thứ 90. Phút bù giờ cuối cùng, Rooney đánh đầu từ pha phạt góc của Oxlade- Chamberlain, bóng dội xà ngang khung thành Lloris và đập thẳng xuống đất và bay ra ngoài vòng 5m50. Hậu vệ Varane phá bóng lên giữa sân. Trọng tài nổi còi chấm dứt trận đấu và toàn bộ đội tuyển Anh lao vào tranh cãi với trọng tài về việc bóng đã lăn qua vạch cầu môn trong khi xung quanh đó người Pháp ăn mừng vé vào vòng chung kết giữa tiếng la ó của các CĐV đất nước sương mù. Câu chuyện đó, chắc chắn, sẽ ồn ào trên các báo chí Anh-Pháp một thời gian dài như một scandal lớn và thậm chí, trọng tài có thể còn bị dọa giết bởi những hooligan quá khích.

Thất bại nếu có ấy sẽ làm tuyển Anh mất những gì? 26 triệu bảng Anh, đó là cái giá mà người Anh đã tính toán ở mức tối thiểu nếu họ không đoạt vé World Cup 2014. Số tiền ấy bao gồm 16 triệu bảng tiền thưởng (khi vào tứ kết, một mục tiêu vừa tầm của Anh) và 10 triệu bảng tiền bán các vật lưu niệm liên quan đến hình ảnh đội tuyển. Thậm chí, nếu Anh đủ mạnh để vào đến chung kết và đoạt chức vô địch, tiền thưởng sẽ lên tới 26,5 triệu bảng Anh. Mất mát lúc đó sẽ cực đại hơn, với khoản tăng đi kèm từ doanh thu marketing. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Nếu tính cả những chi phí chuẩn bị kỳ công cho chiến dịch World Cup 2014, người Anh có thể mất tới 50 triệu bảng Anh tổng thể chỉ vì để tấm vé vào tay người Pháp.

Điều đó cho thấy, một bàn thắng không được công nhận chỉ vì nhận định “qua vạch vôi hay chưa” của một người (trọng tài) sẽ để lại hậu quả lớn thế nào cho một đội bóng. Bởi thế, công nghệ Goal-Line đã được cổ vũ rất nhiều bởi FIFA (mà lạ kỳ là thời gian đầu FIFA không ủng hộ áp dụng nó) và được coi như một bước tiến mới để mang lại công bằng cho bóng đá.

Tất nhiên, kịch bản kể trên không có khả năng xảy ra bởi lúc ấy, công nghệ goal-line chắc chắn đã được áp dụng. Trọng tài đã có một tư vấn viên chính xác tuyệt vời để không trở thành mục tiêu của những kẻ quá khích. Những cổ động viên cũng có thể theo dõi một trận bóng đá với sự “tâm phục khẩu phục” nhờ độ chuẩn xác tuyệt đối của những cặp mắt thần săm soi trên những bàn thắng vốn dĩ gây tranh cãi trước kia. Bóng đá khi ấy sẽ giống như tennis, với những pha chiếu chậm ngay lập tức chứng minh bóng còn trong sân hay ngoài sân ở những tình huống mà mắt thường không thể nào bắt kịp.

Rõ ràng, với những dẫn chứng như thế, ta sẽ nhận thấy ngay lợi ích của công nghệ Goal-Line là như thế nào. Nó ghi nhận một cách rõ ràng những nỗ lực không ngừng nghỉ của một cầu thủ, một đội bóng và trả lại những gì đúng ra phải thuộc về họ. Lúc đó, chắc chắn sẽ không còn những tranh luận kiểu như “nếu bàn thắng đó được công nhận thì...” bởi lẽ chẳng có điều gì qua nổi những con mắt thần của công nghệ. Thậm chí, hình ảnh “có bàn thắng hay không” có khi còn được chiếu công khai ngay trên các màn hình lớn đặt tại sân vận động để cho tất cả cùng “tâm phục, khẩu phục”.

Ôi, thật là một thế giới lý tưởng với lẽ công bằng vô cùng lý tưởng...

NHƯNG GOAL-LINE CŨNG SẼ GIẾT BÓNG ĐÁ?

Hôm thứ ba vừa rồi, ở trận lượt đi tứ kết Champions League 2012/13, PSG tiếp Barca trên sân nhà trong một trận cầu đỉnh cao. Barca đã vươn lên dẫn trước hai lần để rồi bị gỡ hòa ngay sau mỗi lần dẫn bàn không lâu. Sau trận đấu, nhiều người đã nhận ra rằng Barca lẽ ra đã thắng nếu như trọng tài bắt việt vị Ibrahimovic ở tình huống ghi bàn gỡ hòa 1-1. Rất nhiều video; ảnh chụp lại đã chỉ ra rằng Ibrahimovic đứng ở vị trí việt vị. Nhiều trong số các hình ảnh đó, tại vị trí Ibrahimovic đứng, một đường gạch ngang sân đã được vẽ ra để dẫn chứng rằng Ibrahimovic hoàn toàn ở sau lưng hàng thủ Barca. Nhưng người ta khó có thể trách trọng tài trong những tình huống như thế. Đơn giản, sự việc xảy ra nhanh, chớp nhoáng, chỉ trong một phần ngàn giây, trọng tài khó có thể nào bắt kịp ở tốc độ cao như vậy.

Và tất nhiên, nhiều người yêu Barca sẽ ước gì tồn tại một công nghệ như công nghệ Goal-Line để chỉ ra ngay việc một cầu thủ có việt vị hay không.

Thật ra, nếu FIFA mời một tập đoàn công nghệ nghiên cứu và sản xuất cho họ một loạt trọng tài điện tử, việc ấy hoàn toàn không phải là bất khả. Sáng tạo ra một vị trọng tài điện tử chính xác 100% là điều nằm trong tầm tay của loài người. Và giả sử, nếu việc đó là sự thật, mỗi trận đấu người ta sẽ không còn phải trả thêm tiền cho 5 ông trọng tài trên sân. Không gian chơi bóng của cầu thủ cũng từ đó rộng rãi hơn khi không vướng phải một ông áo đen chạy loăng quăng giữa đám lố nhố 22 người kia. Mỗi lần cầu thủ phạm lỗi; việt vị... cần cắt còi, trọng tài điện tử sẽ “bíp” lên một tràng rất to, thậm chí còn có thể cất ra giọng nói người thật kiểu như “Ronaldo đã phạm lỗi 12. Barca được hưởng qủa phạt gián tiếp”. Trận đấu cứ thế sẽ tuần tự diễn ra trong kỷ luật, không tranh cãi nhờ những tang chứng rành rành khiến tiểu xảo không thể nào qua mắt. Ôi, thật là một viễn cảnh tuyệt vời...

Nhưng đó cũng là viễn cảnh “chết chóc” đối với bóng đá. Đó sẽ là lúc trận đấu diễn ra như những gì được lập trình trên máy: vô hồn; vô cảm; công nghiệp và khô khan. Và rồi, sẽ có lúc, thay vì xem người thật thi đấu, người ta sẽ tự đặt ra câu hỏi “Tại sao không thay bằng những người máy?”, nhất là khi công nghệ robot mỗi ngày mỗi hoàn thiện hơn.

Thực chất, Chủ tịch UEFA Platini có lý khi từ khước công nghệ Goal-Line và cho rằng tiền đầu tư cho công nghệ ấy thà để đầu tư bóng đá trẻ còn hơn. Và để chứng minh mình cũng muốn tìm công bằng cho các bàn thắng khó minh định, Platini lựa chọn cách tăng cường thêm hai ông trọng tài hai đầu cầu môn chỉ để soi bàn thắng. Điều ông làm, tất nhiên, bị Chủ tịch FIFA Blatter chỉ trích dữ dội.

Đường lối mà Blatter chọn rõ ràng rất lý tính còn đường lối của Platini thì cảm tính. Thật khó có thể nói ai đúng-ai sai ở đây nhưng rõ ràng, chúng ta càng không thể tuyệt đối hóa bất kỳ điều gì. Bóng đá cần lý tính, để tìm sự công bằng tối đa có thể. Nhưng bóng đá lại vô cùng cần cảm tính bởi bản thân nó là một môn thể thao có tính trình diễn. Đã là trình diễn, cảm xúc là tối thượng. Chính vì thế, người ta không bao giờ quên bàn thắng của Geoff Hurst vào lưới tuyển Đức năm 1966 bởi cái tính “lập lờ” của nó. Người ta cũng chẳng thể nào quên được pha chơi tay của Maradona năm 1986; chẳng thể quên cách Pháp thua Đức oan uổng ở World Cup 1982 khi Battiston bị thủ thành Schumancher đánh gục ngay ở vòng 16m50 mà Pháp không được hưởng penalty và Đức không bị thẻ đỏ... Tất cả những sự kiện ấy đã cho bóng đá một thứ vô cùng quan trọng. Đó là cảm xúc, cảm xúc của sự chối từ; cảm xúc của dang dở; cảm xúc của sự man trá; cảm xúc của một lần chớp mắt thoáng qua nhưng để lại một kết cục khác hẳn; cảm xúc của một điều gì đó bất khả, vượt ngoài ra tầm tay với của loài người; cảm xúc của cảm thức về một sự can thiệp nào đó từ siêu nhiên... Thiếu những cảm xúc ấy, chắc chắn bóng đá sẽ chết...

Vâng, dù sao đi nữa thì chúng ta cũng vẫn phải chấp nhận một sự thật. Chúng ta phải chào đón công nghệ Goal-Line đến với thế giới bóng đá. Song, đón chào nó, chúng ta có thể nhận được những lợi ích công bằng như khát vọng lớn lao về sự công chính nhưng chúng ta cũng phải đón chào luôn sự phiền toái sẽ đến và gặm nhấm chính chúng ta khi bóng đá dần dần bắt đầu bị cắt vụn ra đến mức rạch ròi quá thể vì một thứ nhân danh Công Nghệ...

Công nghệ cũng sẽ giết bóng đá ảnh 1

Công nghệ Goal-line sẽ được chính thức áp dụng tại World Cup 2014 và Confederations Cup 2013. Ảnh: TL