Gương mặt

Chuyện về người thầy phía sau hố nhảy

HLV Nguyễn Mạnh Hiếu không có thói quen ngủ trưa. Trước mỗi buổi tập, anh vẫn thường ra sân sớm hơn các học trò để chuẩn bị giáo án. Ở môn nhảy xa vốn phải chính xác tới từng cm, luôn đòi hỏi cả thầy và trò cùng nỗ lực hết bản thân, sự tỉ mỉ, gắng sức ấy đã giúp điền kinh Việt Nam có nhà vô địch Bùi Thị Thu Thảo ở ASIAD 2018. Và, câu chuyện phía sau hố nhảy, phía sau nhà vô địch, không chỉ là sự khổ luyện, mà còn là nghị lực, là tấm gương, là tình thầy trò...

Chuyện về người thầy phía sau hố nhảy

Tấm huy chương để đời

Ở ASIAD 2018, nhiều người chỉ nhắc tới tấm HCV lịch sử của Bùi Thị Thu Thảo ở môn nhảy xa, mà ít ai biết vai trò một HLV như anh. Anh có thể chia sẻ về khoảng thời gian gắn bó với nhà vô địch Á vận hội?

Tôi với Thảo từng là đồng môn, là học trò của thầy Nguyễn Trọng Hổ (nay là Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao). Cả hai ngoài đời cũng coi nhau như anh em khi có nhiều năm gắn bó với nhau. Sau kỳ SEA Games 2011, tôi chuyển sang công tác huấn luyện, sau đó thầy Hổ nghỉ để làm quản lý, nên tôi nhận làm HLV của Thu Thảo luôn bởi chúng tôi hiểu nhau và đều cố gắng làm tốt nhất công việc của mình.

Tôi thấy mình cũng phù hợp khi làm HLV hơn là VĐV. Nhiều năm qua tôi học được từ thầy Hổ rất nhiều, và bản thân mình cũng bồi bổ kiến thức từ môi trường đại học TDTT. Là HLV, nhưng chính tôi cũng học được nhiều từ các VĐV để cùng nhau tiến bộ.

Tại Á vận hội bốn năm trước, Thu Thảo cũng từng suýt giành HCV, anh đánh giá thế nào về sự tiến bộ của Thu Thảo?

Năm 2014 ở Hàn Quốc, Thu Thảo dẫn đầu từ những cú nhảy đầu tiên nhưng ở lượt cuối đã bị VĐV nhập tịch người Indonesia vượt qua nên chỉ giành HCB. Tôi cùng thầy Hổ và Thu Thảo đã cùng ngồi lại để phân tích xem mình còn thiếu, yếu ở chỗ nào để hoàn thiện bản thân, chờ cơ hội “phục thù”.

Trước ASIAD 2014, Thảo thậm chí không có tên trong danh sách đoàn TTVN. Tuy nhiên ở một giải đấu trước đại hội, Thảo đã đạt thông số rất tốt, tiệm cận với tấm HCV. Vì thế tôi cùng thầy Hổ đã đấu tranh để bổ sung Thu Thảo vào danh sách đi Hàn Quốc. Ở đấu trường lớn như ASIAD, thì huy chương nào cũng là rất đáng quý.

Tại ASIAD năm nay, trước khi thi đấu, chúng tôi đã phân tích năm nay khó khăn hơn nhiều khi có sự cạnh tranh của các đối thủ người Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Thành tích của các VĐV này với Thảo ngang ngửa nhau. Vì vậy, BHL cần có một đấu pháp hợp lý và Thu Thảo đã rất xuất sắc đổi mầu tấm huy chương châu lục.

Bí quyết gì để có thể giành tấm HCV lịch sử, thưa anh?

Ở môn nhảy xa, các VĐV có sáu lượt nhảy, ba vòng loại và ba chung kết. Chúng tôi đã yêu cầu Thảo phải đạt thành tích cao nhất lượt nhảy đầu tiên, để đánh phủ đầu đối thủ, tạo tâm lý căng thẳng cho cuộc đua tranh. Đấu pháp này được BHL rút ra từ chính ASIAD 2014, khi chúng tôi thua ở lượt nhảy cuối cùng.

Thảo đã có cú nhảy tuyệt vời, đạt thành tích 6m55. Tuy nhiên đó là chiến thắng không hề dễ dàng khi các đối thủ bám sát phía sau chỉ vài cm.

Cảm xúc lúc đó của anh ra sao và cơ hội nào cho Thu Thảo ở sân chơi Olympic 2020?

Khi giành được HCV, thật sự tôi rất hạnh phúc. Tôi và Thu Thảo chỉ biết ôm nhau mà khóc. Đến bây giờ nghĩ lại giây phút đó tôi vẫn cảm thấy lâng lâng. Còn về để được tham dự Olympic thì Thảo sẽ phải đạt mức chuẩn là 6m70. Với phong độ hiện tại tôi đánh giá Thảo có thể làm được, tất nhiên phải cố gắng nỗ lực hết bản thân.

Nhiều người thắc mắc là cú nhảy xa diễn ra trong chớp nhoáng, các HLV như anh sẽ quan sát như thế nào để điều chỉnh cho học trò?

Đó là nghề của chúng tôi rồi. Tôi phải tập trung quan sát thật nhanh, xem VĐV của mình thiếu gì. Thời gian cho cú nhảy rất ngắn, nhưng đòi hỏi sự chính xác đến từng cm. Thảo không có thể hình tốt, nhưng bù lại có sức bật và đặc biệt là ý chí hơn người. Trong môn nhảy xa có ba kiểu nhảy, từ những gì đã quan sát, tôi tập cho Thảo nhảy theo kiểu “pha trộn” giữa ngồi và uốn thân.

Anh có buồn không nếu Thảo cần một chuyên gia nước ngoài huấn luyện để hướng tới thành tích cao hơn trong tương lai?

Điều đó cũng hoàn toàn bình thường thôi, chúng tôi luôn ủng hộ và mong cho VĐV của mình phát triển. Sau này dù có không làm việc cùng nhau thì chúng tôi vẫn là bạn bè, anh em. Tôi sinh năm 1987, vẫn còn trẻ và sẽ tiếp tục làm công tác đào tạo để tìm kiếm thêm những nhân tài nhảy xa cho thể thao Việt Nam.

Không phải ai cũng sống khỏe bằng nghề

Nghiệp HLV, VĐV có đặc thù riêng là nếu không có thành tích thì không có tiền thưởng. Với chế độ tiền ăn, tiền công như hiện nay sẽ rất khó khăn?

Thu Thảo may mắn nằm trong danh sách VĐV được đầu tư trọng điểm, từ 4, 5 năm trở lại đây, với mức tiền ăn, tiền công cao hơn các VĐV bình thường khác. Ngoài chính sách của nhà nước, Thảo và các VĐV trọng điểm còn được sự quan tâm của trung tâm như thuốc bổ, dinh dưỡng, các dịch vụ vui chơi giải trí...

Với thể thao thành tích cao, đầu tư cần trọng điểm không thể đại trà được. Trong khi đó, các VĐV đạt thành tích như Thảo sẽ khích lệ tinh thần tập luyện với VĐV khác.

Bùi Thị Thu Thảo có hoàn cảnh rất khó khăn, bao nhiêu tiền lương, thưởng gom góp gửi về giúp bố chữa bệnh. Điều đó cho thấy việc tăng lương, thưởng cho VĐV càng trở nên cấp bách?

Tôi đã chứng kiến Thu Thảo khóc khá nhiều, những lần không thực hiện đúng được động tác, thành tích không cao. Lúc đó tôi luôn động viên rằng, chỉ có thất bại mới giúp mình trưởng thành, rút ra nhiều bài học. Tuy nhiên, Thảo là một VĐV có ý chí, nghị lực và chính hoàn cảnh gia đình đã giúp em có thêm nhiều động lực để phấn đấu, có tâm lý vững vàng và thi đấu máu lửa hơn. Từ tấm gương của Thảo, tôi mong các VĐV khác cố gắng hơn nữa để có thể sống khỏe bằng nghề.

Chuyện về người thầy phía sau hố nhảy ảnh 1

HLV Nguyễn Mạnh Hiếu và Bùi Thị Thu Thảo vui mừng khi giành được HCV ASIAD 2018. Ảnh trong bài | DIỆP CHI

Theo tôi được biết, từ năm 2019 sẽ có sự điều chỉnh về tiền ăn, tiền công, VĐV sẽ yên tâm tập luyện, cống hiến, không bị dao động.

Còn cá nhân anh, thu nhập liệu có bảo đảm để nuôi gia đình?

Từ khi theo nghiệp thể thao tôi đã xác định mình sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì đặc thù công việc tôi thường xuyên phải đi công tác xa. Tôi chơi thể thao từ nhỏ và sự đam mê, cống hiến luôn giúp tôi vượt qua tất cả. Bên cạnh đó tôi luôn nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của vợ, bởi cô ấy cũng làm về công tác y tế ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội. Nếu có cơ hội, tôi cũng muốn hai con mình theo nghiệp thể thao.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Món quà 20-11 lớn nhất

Cứ đến dịp 20-11, HLV Nguyễn Mạnh Hiếu lại nhận được những lời chúc mừng, những bó hoa tươi thắm của các VĐV. Còn anh cũng không quên uống nước nhớ nguồn, gửi lời chúc tới thầy Nguyễn Trọng Hổ. Năm nay, cả anh Hiếu và thầy Hổ đều được nhận món quà to nhất từ học trò Bùi Thị Thu Thảo. Đó chính là tấm HCV ASIAD 2018.