Bơi lội Việt Nam lần đầu có HCB ASIAD

Chuyện cổ tích của “rái cá” sông Gianh

Không giành vàng nhưng tấm HCB của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng tại Asian Games 18 chính là cột mốc chói lọi của bơi lội Việt Nam kể từ ngày tham dự sân chơi châu lục. Tấm HCB quý như vàng của VĐV mới 18 tuổi thật sự ý nghĩa khi hành trình của VĐV người Quảng Bình giống như một câu chuyện cổ tích.

Chuyện cổ tích của “rái cá” sông Gianh

Run vì đối thủ quá cao

Tấm HCB của Huy Hoàng ở ASIAD vừa qua thật sự gây chấn động làng bơi lội châu Á, khi có một cuộc đấu sòng phẳng, đua tranh đến từng cm với đối thủ Trung Quốc - người đang giữ nhiều chức vô địch và kỷ lục Olympic, thế giới, Á vận hội... Cảm giác khi phải thi đấu với đối thủ quá mạnh khi đó thế nào?

Nói thật là em... run lắm. Đối thủ không chỉ là “tượng đài” ở nội dung đường dài 1.500 m, giành rất nhiều thành tích tầm thế giới, mà còn cao hơn em rất nhiều. Em cao có 1m78, còn đối thủ người Trung Quốc cao tới 1m98. Em chỉ đứng tới vai anh ta.

Khi bơi được khoảng 500 m, em nghĩ mình phải cố gắng hết sức, không nghĩ tới đối thủ nữa. Em phải chiến thắng được bản thân mình, còn việc có huy chương hay không thì tính sau. Chính suy nghĩ ấy giúp em thu ngắn được khoảng cách và bơi ngang ngửa với VĐV người Trung Quốc đến những mét cuối.

Trước khi sang Indonesia, Hoàng có nghĩ mình sẽ giành huy chương?

Lúc đó em chỉ nghĩ sang đây dự giải, có nhiều đối thủ mạnh từ châu lục, em sẽ học hỏi được nhiều điều, để tích lũy kinh nghiệm, sau này sẽ phấn đấu có huy chương. Đơn giản vậy thôi. Và cuối cùng điều em vui nhất là đã chiến thắng được chính mình, tấm HCB chính là thành quả của nhiều tháng tập luyện vất vả.

Thành tích 15 phút 01 giây 63 của Huy Hoàng rất ấn tượng khi xô đổ kỷ lục SEA Games (15 phút 20 giây 10) của chính mình lập năm ngoái tại Malaysia. Thành tích này cũng giúp Huy Hoàng đạt chuẩn A Olympic (15 phút 15 giây) và là VĐV nam đầu tiên của bơi Việt Nam đạt được chuẩn A. Hoàng có nghĩ mình sẽ có thể đổi mầu huy chương tại ASIAD bốn năm tới không?

Em mới 18 tuổi, nên mục tiêu luôn hướng tới đấu trường châu Á, thế giới. Con đường phía trước còn nhiều chông gai, thử thách và không thể nói trước được điều gì, nhưng em sẽ luôn cố gắng hết khả năng. Trước mắt em sẽ tiếp tục tập trung rèn luyện để nâng cao thành tích hướng đến những mục tiêu cao hơn.

Vậy môi trường trong nước có nhiều quân xanh để Huy Hoàng có thể phát huy được hết tài năng, sức mạnh?

Vừa thi bơi, vừa ngóng… tuyển Olympic Việt Nam

Ngoài môn bơi, Huy Hoàng rất thích bóng đá. Ở ASIAD vừa rồi, có những hôm vừa tập luyện, vừa thi đấu, nhưng Hoàng vẫn nghĩ về đội tuyển Olympic Việt Nam. Và khi đội tuyển bóng đá nam làm nên kỳ tích giành vé vào bán kết, Huy Hoàng nhảy lên la hét như phát điên vì sung sướng.

Trong nước có giải VĐQG và một số giải đấu khác. Em cũng có nhiều đồng đội cùng tập luyện, thi đấu ở nội dung đường dài. Tất nhiên, khi thi đấu với các đối thủ nước ngoài sẽ tạo cho mình cảm giác căng thẳng, kịch tính hơn. Em rất thích và hào hứng được thi đấu với những đối thủ mạnh, cũng là một bài tập để em vượt qua áp lực và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm.

Tại ASIAD 2018, trong khi kình ngư được kỳ vọng nhất là Ánh Viên đã thất bại, còn Huy Hoàng bất ngờ tỏa sáng. Đâu là bí quyết để Hoàng vượt qua áp lực thua cuộc của đàn chị để tạo nên cột mốc lịch sử cho bơi lội Việt Nam?

Thật ra em không có bí quyết nào cả. Khi xuống nước em luôn tập trung sức lực, nhịp thở và tâm lý dành cả cho cuộc đua. Còn trong tập luyện, mỗi ngày em nỗ lực, cố gắng không ngừng để có thể vươn lên.

Huy Hoàng muốn dành tặng thành tích này cho ai?

Em muốn dành tặng thành tích này cho bố mẹ vì em đã xa nhà rất lâu, một năm em chỉ được về nhà một lần. Thật sự thì gia đình em không có điều kiện, cho nên giải thưởng cho tấm HCB ở ASIAD là một tài sản lớn và quý giá. Có huy chương cũng là cách để em giúp bố mẹ có thêm tiền để chi tiêu hằng ngày. Nếu không cố gắng, không ai cho em thành công cả.

Cũng như lần đầu chiến thắng ở đấu trường SEA Games 2017, em đã nhảy cẫng lên khi có truyền hình trực tiếp và hét lên “bố mẹ ơi con có huy chương rồi”. Thật sự gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc để em có thể theo đuổi niềm đam mê của mình.

Mỗi ngày bơi 20 km

Được biết Huy Hoàng lớn lên từ vùng sông nước và biết bơi từ lúc còn khá nhỏ, đó có phải là lợi thế so với các VĐV khác?

Năm em 3 tuổi bố đã dạy em bơi ở sông nuôi cá lồng của gia đình. Cả nhà em không ai là không biết bơi hết. Nên em cũng giống như mọi người ở quê em thôi. Em không nghĩ là cứ phải sinh ra ở vùng sông nước thì mới bơi giỏi. Có những người ở thành phố nhưng cũng vẫn bơi rất tốt và đạt nhiều thành tích cao. Em nghĩ rằng bơi giỏi hay không tùy vào năng khiếu, tố chất và sự kiên trì tập luyện của từng người.

Chuyện cổ tích của “rái cá” sông Gianh ảnh 1

Ảnh trong bài: DIỆP DIỆP

Vậy năng khiếu của Hoàng được phát hiện từ bao giờ?

Cuối năm lớp 5 em được chọn vào đội bơi của tỉnh Quảng Bình. Hồi đó, tình cờ đang đi chơi thấy tuyển chọn VĐV thì em ghé vào, ai ngờ trúng tuyển. Sau đấy hai tháng thi đấu kiểm tra, thành tích của em không tốt. Hồi đó còn bé nên em nghĩ mình chỉ tập cho vui chứ không nghĩ tới việc thi đấu thành tích cao. Sau hai năm tập luyện nghiêm túc và định hướng con đường bơi lội của mình, và đến năm 13 tuổi em có HCV ở giải vô địch trẻ quốc gia, sau đó được lên đội tuyển trẻ quốc gia.

Vì sao Hoàng lại chọn nội dung “khó nhằn” nhất của môn bơi lội là 1.500 m tự do?

Có lẽ đó là hướng đi đúng đắn của các thầy dành cho em vì khi đó em còn nhỏ chưa tự tìm được thế mạnh cho mình để tập luyện. Tuy nhiên, tập nội dung này cần phải đòi hỏi thể lực cực tốt nên mỗi ngày em tập hai buổi, mỗi buổi tập phải bơi tới 10 km, mỗi ngày bơi 20 km nên rất mệt.

Bơi từ năm ba tuổi, chắc hẳn sau này Huy Hoàng sẽ gắn bó trọn đời với nghiệp bơi lội?

Em cảm thấy nhanh nhẹn hơn khi ở dưới nước, trên bờ lóng ngóng lắm. Em cũng không có nhiều điều kiện, nên phải cố bơi nhanh hơn mọi người, cố gắng đạt nhiều thành tích để đỡ đần bố mẹ bớt khó nhọc. Mục tiêu của em bây giờ là bơi thật giỏi đã rồi mới... tính sau (cười)!

Xin cảm ơn Nguyễn Huy Hoàng về cuộc trò chuyện thú vị!

Cố bơi giỏi để các anh lớn biết mặt

Kình ngư sinh năm 2000 cho biết, ngày nhỏ anh thường bị các anh lớn trong xóm ném ra khúc sông xa, Hoàng hoảng sợ quá khóc loạn lên, cố lóp ngóp dùng sức bơi vào bờ. Từ đó, Hoàng ức lắm, nên quyết tập luyện thật nhiều để bơi giỏi. Có lẽ đây là một trong những động lực để chàng trai người Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình trở thành một kình ngư xuất sắc như hôm nay.