Cái giá của sự chủ quan

Sự việc Á quân cử tạ ASIAD Trịnh Văn Vinh bị phát hiện sử dụng doping không chỉ làm rúng động dư luận mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Trịnh Văn Vinh đã dẫm lên “vết xe đổ” của các VĐV Việt Nam khác từng dương tính với chất cấm với lý do chủ quan, tự ý sử dụng thuốc.

Trịnh Văn Vinh đang gặp phải biến động lớn trong sự nghiệp. Ảnh | PHẠM HUY
Trịnh Văn Vinh đang gặp phải biến động lớn trong sự nghiệp. Ảnh | PHẠM HUY

Tuổi 24, Trịnh Văn Vinh đang ở đỉnh cao phong độ khi đang là đô cử chủ lực của cử tạ Việt Nam những năm gần đây. Anh từng vô địch thế giới cử giật hạng 61 kg năm 2017, sau đó giành HCV SEA Games cùng năm và là Á quân ASIAD 2018. Tuy nhiên, Trịnh Văn Vinh vừa gặp phải biến cố cực lớn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiệp. Sau khi giành HCB ASIAD 2018, mẫu thử của đô cử này âm tính. Trở về nước, trước thềm Đại hội TDTT toàn quốc tháng 11-2018, Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) đã kiểm tra đột xuất đối với Văn Vinh vì anh nằm trong danh sách các VĐV được cấp mã số ID để đăng ký với Ủy ban Phòng chống doping quốc tế (WADA). Từ đó, WADA sẽ bất ngờ kiểm tra doping mà không báo trước. Đến cuối tháng hai vừa qua, WADA đã thông báo về kết quả dương tính với chất cấm của Trịnh Văn Vinh.

Thi đấu xong ở ASIAD, các VĐV sẽ được trả về địa phương, vì vậy thành tích của Trịnh Văn Vinh tại ASIAD vẫn được giữ nguyên. Sau cú sốc, Văn Vinh bàng hoàng cho biết, anh bị đau lưng nên tự ý đi tiêm thuốc mà không có yêu cầu ban huấn luyện hay bác sĩ, cũng chẳng biết đó là thuốc gì, có bị cấm hay không. Hậu quả là VĐV này dương tính với không những một mà đến hai loại chất cấm và đang phải trả giá bằng sự nghiệp thi đấu của mình khi đối diện với án phạt cấm thi đấu lên đến tám năm cùng khoản tiền phạt lên đến 5.000 USD. Trong những năm gần đây, WADA và IWF rất mạnh tay khi đưa ra các án phạt bởi môn cử tạ là một trong những môn có nhiều trường hợp sử dụng doping trên thế giới bị phát hiện.

Trước Trịnh Văn Vinh, doping cũng nhấn chìm Á quân cử tạ Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn. Anh bị cấm thi đấu hai năm do tự ý sử dụng thức uống không rõ nguồn gốc khi tập huấn tại Trung Quốc năm 2010. Sự việc đáng tiếc khép lại sự nghiệp thi đấu của Hoàng Anh Tuấn. “Búp bê” thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương nhận cú sốc năm 2008 khi cô bị phát hiện vô tình sử dụng thuốc có chất cấm do thiếu hiểu biết và bị cấm thi đấu một năm. Lực sĩ cử tạ Nguyễn Thị Mỹ Linh bị phát hiện dương tính với doping khi dự giải vô địch thể hình châu Á tại Hong Kong vào tháng 7-2008. Cũng với lý do vô tình nên Mỹ Linh được giảm án xuống còn một năm.

Trong môi trường thể thao Việt Nam hiện nay, vì lý do thiếu kinh phí nên tất cả các môn thi đấu cấp quốc gia đều không thực hiện khâu kiểm tra doping, kể cả Đại hội Thể thao toàn quốc. Bên cạnh đó, vẫn còn có nhiều VĐV cố tình sử những loại doping khác nhau tùy thuộc tính chất của mỗi môn thể thao. Để bảo đảm nguồn thu nhập thường xuyên, cách duy nhất là phấn đấu có thành tích càng cao càng tốt. Vì chạy theo thành tích nhiều người còn thông đồng với HLV bất chấp mọi việc, kể cả sử dụng các chất bị cấm.

“Vết xe đổ” của Trịnh Văn Vinh chính là bài học cảnh tỉnh cho các VĐV. Danh mục cập nhật chất cấm do WADA thông báo và đăng tải công khai trên trang mạng vào ngày 1-1 hằng năm và được gửi thông báo đến các liên đoàn thể thao, Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT để tiến hành công việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức HLV, VĐV. Vì vậy, để xảy ra những sự việc đau lòng về doping, lỗi trước hết là ở trình độ hạn chế và sự chủ quan của các VĐV. Nhiều người còn xem thường không chịu nắm bắt, không tự trang bị cho mình những bài học căn bản của công tác phòng, chống doping dẫn đến hậu quả đáng tiếc.