HLV Chu Đình Nghiêm (CLB Hà Nội):

Áp lực khi cầm đội bóng nhiều ngôi sao

CLB Hà Nội đã lên ngôi vô địch trước năm vòng đấu và đã lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu ở V.League 2018, khi chỉ thua hai trận ở mùa giải năm nay và có khoảng cách với đội xếp thứ nhì đến 18 điểm. Với mùa giải ấn tượng như thế, dấu ấn của HLV trưởng Chu Đình Nghiêm rất đậm nét. Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện cùng Nhân Dân hằng tháng, vị HLV trưởng họ Chu đã thổ lộ thực tế bản thân ông lại không có quá nhiều cảm xúc với chức vô địch năm nay.

Trong tay HLV Chu Đình Nghiêm đang có rất nhiều cầu thủ chất lượng.Ảnh | Khánh Linh
Trong tay HLV Chu Đình Nghiêm đang có rất nhiều cầu thủ chất lượng.Ảnh | Khánh Linh

Không quá vui với chức vô địch V.League 2018

Anh và CLB Hà Nội đã có một mùa giải quá ấn tượng ở V.League năm nay, điều đó có lẽ khiến anh rất vui?

Đúng là khi đội bóng của mình lên ngôi vô địch, cảm giác của một HLV trưởng luôn là sự vui sướng và tự hào. Tôi cũng không nằm ngoài cảm giác ấy. Tuy nhiên, hôm nhận cúp vô địch V.League năm nay tôi lại cảm thấy vui một cách... bình thường chứ không quá hồ hởi và đong đầy cảm xúc so với mùa giải 2016.

Sở dĩ thế, vì đấy là năm đầu tiên tôi giữ vai trò HLV trưởng và cùng CLB Hà Nội lên ngôi ở vòng cuối cùng và chỉ hơn đội xếp thứ nhì Hải Phòng đúng ba bàn thắng. Khi đội nhà chính thức lên ngôi vô địch đầy kịch tính như thế, tôi như vỡ oà cảm xúc. Lúc ấy, tôi chỉ muốn hét lên thật to, nhưng miệng lại chỉ cười ngu ngơ và nước mắt trào ra không kiềm nén được.

Đó có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp huấn luyện của anh chăng?

Đấy là một trong hai kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời huấn luyện của tôi. Kỷ niệm đầu tiên có lẽ là cuối mùa giải 2008, lúc đưa đội Hà Nội T&T khi ấy đang đá ở giải hạng Nhất giành vé để có mặt ở V.League vào mùa 2009. Thời điểm ấy tôi chỉ là trợ lý cho Triệu Quang Hà, nhưng hai anh em tôi khởi nghiệp ở đội bóng Hà Nội T&T từ những ngày đầu thành lập vào năm 2005. Lúc ấy, quân của đội gom góp từ khắp nơi, thậm chí tuyển cả cầu thủ sân phủi để tham gia giải hạng Ba vào năm 2006. Sau ba năm, Hà Nội T&T đã có thể góp mặt ở sân chơi chuyên nghiệp, nên có lẽ bạn cũng hiểu cảm giác của tôi vui sướng và hạnh phúc ra sao. Thật sự, đấy là dấu ấn tôi không thể nào quên trong cuộc đời huấn luyện của mình.

Anh vừa kể lại những ngày đầu của đội bóng Hà Nội T&T, tiền thân của CLB Hà Nội ngày nay với lực lượng gom góp tứ phương. Thế nhưng giờ đây, CLB Hà Nội đang được xem là một trong những lò đào tạo trẻ mạnh nhất nước. Song song đó, Hà Nội FC đang sở hữu rất nhiều gương mặt trẻ tài năng của bóng đá Việt trong đội hình. Đâu là lý do khiến CLB Hà Nội có sự thay đổi mạnh mẽ như thế?

Đầu tiên đấy chính là sự thay đổi trong cách nghĩ và cách làm bóng đá của lãnh đạo CLB. Có lẽ bạn đã biết hơn 10 năm trước, mỗi mùa giải Hà Nội T&T luôn tốn rất nhiều tiền để mua quân từ khắp nơi về thi đấu, nhưng sau đó những người làm bóng đá ở đây đã suy nghĩ “tại sao không dùng tiền để xây dựng nền móng từ những gương mặt trẻ do chính mình đào tạo, thay vì chỉ hớt ngọn khi mua quân từ khắp nơi?”. Từ câu hỏi ấy, lãnh đạo CLB đã thay đổi cách làm và tập trung đầu tư xây dựng bóng đá trẻ. Những mùa giải vừa qua, CLB Hà Nội hầu như không còn tốn tiền mua nội binh, thay vào đó từng bước đôn lên sử dụng các cầu thủ trẻ do chính mình đào tạo như Duy Khánh, Văn Dũng, Duy Mạnh, Quang Hải, Đức Huy, Hùng Dũng, Đình Trọng, Văn Hậu...

Mong bóng đá Thanh Hóa một lần lên ngôi đầu

Những cầu thủ trẻ anh nêu tên hiện đang là những gương mặt trẻ rất ấn tượng của bóng đá Việt Nam hiện nay. Thường những cầu thủ giỏi luôn đi kèm những cá tính đặc biệt, nên nắm một đội bóng nhiều sao như thế có khiến anh đau đầu?

Năm nay tôi không gặp quá nhiều áp lực trong việc tranh đoạt thành tích, vì CLB Hà Nội vốn đã có sự chuẩn bị rất kỹ trong việc cạnh tranh ngôi vô địch ở mùa giải năm nay. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất của tôi chính là cầm một đội bóng có quá nhiều ngôi sao, nên việc phải làm sao dung hòa để tất cả cùng nhìn về một hướng và phát huy cao nhất sức mạnh của họ, đấy luôn là bài toán khiến tôi phải đau đầu.

Vậy anh đã làm gì để giải tỏa cơn đau đầu của mình?

Về điều này, tôi học từ người đàn anh là HLV Phan Thanh Hùng một câu đơn giản nhưng lại rất chí lý, đấy là “từ trái tim đến trái tim”. Khi bạn hết mình với mọi người, mọi người cũng sẽ hết mình với bạn. Thêm vào đó, lâu nay ở CLB Hà Nội có một triết lý “chẳng có ngôi sao nào lớn hơn đội bóng”. Dẫu những cầu thủ như Thành Lương, Văn Quyết, Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu... có nổi tiếng đến đâu đi nữa, nhưng cái tên CLB Hà Nội và mầu cờ sắc áo của đội bóng mới là số 1, là trên hết. Đấy chính là lý do giúp Hà Nội FC luôn là một tập thể đồng nhất.

Nhiều người bảo với lực lượng như hiện nay, CLB Hà Nội khả năng còn đứng đầu V.League thêm nhiều mùa nữa?

Tôi lại không nghĩ thế, bởi trong bóng đá luôn có những bất ngờ và các đối thủ vẫn luôn khát khao ngôi vô địch, chẳng hạn như mùa này FLC Thanh Hóa rất mạnh và được đánh giá cao trong cuộc đua ngôi đầu. Chỉ tiếc là họ không thể đạt được mục tiêu đề ra.

Sẵn nhắc về bóng đá xứ Thanh, tôi muốn hỏi anh vốn là người Thanh Hóa, nhưng tại sao lại không làm ở đội bóng quê nhà mà lại ra Hà Nội lập nghiệp?

Tôi là người Thanh Hóa, nhưng từ lúc còn thi đấu tôi đã không thi đấu nhiều trong đội bóng xứ Thanh mà lại khoác áo ở các đội Nam Định, LG.ACB, Hoà Phát Hà Nội. Ở Thanh Hóa tôi không có nhiều đất dụng võ, nhưng ở Hà Nội tôi lại có nhiều cơ hội hơn.

Hỏi thật nhé, mỗi khi đưa đội bóng Hà Nội về quê nhà đối đầu với đội bóng FLC Thanh Hóa, anh có cảm giác gì không?

Có chứ. Nói gì tôi cũng là người Thanh Hóa nên khi về đối đầu với đội bóng quê nhà cảm giác luôn có một chút gì đó khó tả lẫn... khó chịu. Tuy nhiên, người Việt ta có câu “ăn cây nào, rào cây nấy”, nên tôi luôn phải tập trung cao nhất cho đội bóng của mình và nhắc nhở cầu thủ của tôi cũng thế. Nói thật lòng, tôi vẫn hy vọng bóng đá Thanh Hóa sẽ có một lần vô địch V.League.

Theo anh, tại sao đội bóng Thanh Hóa dù đầu tư nhiều vẫn chưa thể vô địch?

Đúng là bóng đá Thanh Hóa những năm qua đã có sự đầu tư rất lớn về nhiều mặt, lực lượng của họ cũng được đánh giá cao. Tuy nhiên, điều họ đang thiếu chính là một lộ trình ổn định. Cứ nhìn mà xem, ghế HLV trưởng của đội bóng xứ Thanh luôn thay xoành xoạch và chưa ai làm việc ở đây quá một năm, vậy làm sao có sự ổn định được. Tôi nghĩ, những người làm bóng đá xứ Thanh cần có sự kiên trì lẫn kiên nhẫn hơn mới có thể thành công được.


Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Hạnh phúc khi gia đình luôn là điểm tựa vững chắc!

Hơn 20 năm thi đấu và huấn luyện xa nhà, nhưng tôi luôn có một hậu phương vững chắc từ quê nhà Thanh Hóa là gia đình. Vợ con tôi luôn hết lòng ủng hộ công việc của chồng. Dù làm việc ở Hà Nội, nhưng khoảng cách địa lý không quá xa nên một, hai tuần tôi luôn tranh thủ chạy về thăm nhà, còn không thì bà xã và mấy đứa nhỏ lên Hà Nội thăm tôi và xem đội bóng của tôi thi đấu. Tôi hạnh phúc vì có một điểm tựa như thế.