Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, PGS TS Lâm Quang Thành:

Năm 2013 sẽ là bản lề của thể thao Việt Nam

NDO - Trọng tâm của thể thao Việt Nam (TTVN) trong năm 2013 chính là tham dự SEA Games 27 diễn ra tại Mi-an-ma. Theo ông Thành, ngoài mục tiêu phấn đấu lọt vào tốp đầu, thì SEA Games năm nay chính là bản lề để TTVN chuẩn bị cho những mục tiêu lớn hơn như Asiad và Ô-lim-pích. TTVN phải có những chiến lược, hoạch định mang tính đột phá nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự kiện thể thao sắp tới.

TTVN đủ sức lọt vào tốp ba SEA Games 27

Tại phiên họp Hội đồng Đông-Nam Á vừa qua, nước chủ nhà Mi-an-ma đã loại thể dục dụng cụ (TDDC) và đấu kiếm - những môn nằm trong hệ thống Ô-lim-pích và là thế mạnh của Việt Nam? Xin ông cho biết phản ứng của phía Việt Nam về vấn đề này. Chúng ta bị ảnh hưởng thế nào về thành tích sau khi hai môn trên bị loại?

Điều lệ Đông-Nam Á đã ghi rõ, nước chủ nhà chỉ phải bắt buộc tổ chức hai môn nhóm một là bơi lội và điền kinh, 14 môn nhóm hai. Vì thế, ngay cả Mi-an-ma không tổ chức bóng đá cũng chẳng vi phạm điều lệ và chúng ta cũng không có quyền nói Mi-an-ma đã không chơi đẹp (fair-play). TDDC và đấu kiếm bị loại là rất đáng tiếc vì chúng ta sẽ bị mất một số lượng lớn HCV. Tuy nhiên, tôi cho rằng Việt Nam không bị ảnh hưởng đến thứ hạng. Nhìn vào những môn còn lại, TTVN vẫn còn rất nhiều thế mạnh như: wushu, pencak silat, bắn súng, điền kinh, karate, taekwondo, vật, vovinam...

Như vậy theo ông dự đoán, TTVN sẽ lọt vào tốp mấy?

Mi-an-ma khả năng sẽ đứng đầu. Vị trí thứ hai chúng ta khó tranh chấp với Thái-lan. Còn ở vị trí thứ ba sẽ là Việt Nam hoặc In-đô-nê-xi-a. Theo đánh giá của cá nhân tôi, TTVN hoàn toàn đủ sức đứng trong tốp ba.

Mặt trái của việc đầu tư dàn trải, đi tắt đón đầu ngày một lộ rõ qua những lần chuẩn bị cho SEA Games. Liệu kỳ SEA Games này, chúng ta sẽ cần có những thay đổi, cụ thể là không chạy theo thành tích?

Tôi xin khẳng định, mục tiêu SEA Games vẫn phải giữ vững, cụ thể là đứng trong tốp đầu khu vực, với các môn thế mạnh là vươn tầm châu Á, thế giới. Tuy nhiên, sắp tới sự đầu tư cho SEA Games và Asiad, Ô-lim-pích sẽ có mức độ, chỉ tiêu khác nhau. Cụ thể là sẽ phối hợp với các bộ môn, địa phương rà soát và chọn ra các môn, nội dung thế mạnh để đầu tư trọng điểm, đơn cử như bắn súng, cử tạ, TDDC… Đây sẽ là những môn vừa là thế mạnh ở SEA Games, vừa là những môn có cửa tranh huy chương ở sân chơi Asiad hay Ô-lim-pích.

Như vậy cũng có nghĩa, TTVN sẽ phát triển theo kiểu liên thông?

Đúng vậy. Ta vừa tham dự SEA Games, vừa chuẩn bị lực lượng cho Asiad hay Ô-lim-pích. Thí dụ, những VĐV còn nhỏ tuổi như Anh Khôi (cờ vua), Ánh Viên (bơi)... hoàn toàn có thể chuẩn bị dài hơi cho các sân chơi lớn hơn. Tất nhiên, để một VĐV tham dự tất cả các giải là một quá trình cần có sự đầu tư đặc biệt.

Từ SEA Games tới Ô-lim-pích là một hành trình dài

SEA Games 26, TTVN vượt chỉ tiêu tới 26 HCV, đoạt tổng số 96 HCV để xếp ở vị trí thứ ba. Tuy nhiên, ngay kỳ Ô-lim-pích năm 2012, TTVN đã thất bại khi không giành được huy chương nào. Ông muốn nói gì về nghịch lý này?

Đầu tiên, phải khẳng định TTVN đã có bước tiến lớn trong mục tiêu hội nhập với sân chơi Ô-lim-pích. Chúng ta có tới 18 VĐV có vé chính thức và đặc biệt, có năm môn cơ bản nhất là bơi lội, điền kinh, cử tạ, bắn súng và TDDC. Trong các nước khu vực, Thái-lan hay In-đô-nê-xi-a đã không có tấm HCV như kỳ trước. Điều đó cho thấy ở Đông-Nam Á, việc giành huy chương là hết sức khó khăn, chứ không phải chuyện riêng của TTVN. Để đoạt huy chương ở Ô-lim-pích còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Không thể mang thành tích SEA Games ra để so sánh với Ô-lim-pích vì đây là sân chơi hoàn toàn khác nhau.

Tuy nhiên chẳng lẽ TTVN cứ chỉ mãi “vẫy vùng” ở sân chơi “ao làng” SEA Games?

Thất bại tại Ô-lim-pích vừa qua là cơ sở cho quy hoạch và định hướng tương lai các kỳ Ô-lim-pích sau. Riêng việc tập trung phấn đấu có huy chương là một vấn đề mà chúng ta cần phải tính toán lại cho cụ thể từng môn. Tất nhiên chúng ta biết rằng, khi tham dự Ô-lim-pích, mục tiêu có huy chương là hết sức khó khăn như chúng tôi đã nói và nó đã thể hiện bằng kết quả. Chính kết quả này cho thấy không những các VĐV mà việc đầu tư cho các VĐV Ô-lim-pích sau này sẽ cần có tính toán thiết thực và cụ thể hơn.

Bài học lớn nhất của TTVN trong việc phát triển theo định hướng chung là gì?

Từ giờ chúng ta phải nâng niu những gì mà đã đạt được, người làm chuyên môn thể thao thì phải biết giữ thành tích mà chúng ta đạt được. Và cũng phải biết cách vực dậy để tránh sự tụt hậu của một số môn. Điều đó đòi hỏi phải đầu tư bằng nhiều giải pháp khác nhau không những về chuyên môn, quản lý, hệ thống tuyển chọn đào tạo… nhưng cái quan trọng là nhận thức ở giai đoạn mới của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn ngành TDTT và cả nhận thức của giới truyền thông.

Năm 2013 sẽ là năm bản lề

Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 sẽ là SEA Games 27, nhưng chỉ ngay một năm sau sẽ là Asiad 2014 diễn ra tại Hàn Quốc. TTVN sẽ chuẩn bị như thế nào để không rơi vào tình cảnh nghịch lý như trước?

Chúng ta sẽ có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Cụ thể, ngành thể thao đã tính toán lại các phân nhóm ưu tiên để đầu tư. Nhóm một được đặt tên là S.A.O (SEA Games, Asiad, Ô-lim-pích) với bốn môn vừa có khả năng đoạt HCV SEA Games 27, HCV Asiad Incheon - Hàn Quốc năm 2014 và đoạt huy chương Ô-lim-pích 2016: bắn súng, cử tạ, taekwondo, TDDC (dù môn này bị Mi-an-ma gạt khỏi SEA Games).

Nhóm hai - S.A.Q (viết tắt của vòng loại Ô-lim-pích) với tám môn thuộc hệ thống Ô-lim-pích: điền kinh, bơi, vật, judo, boxing, rowing... Nhóm ba - S.A (có HCV SEA Games, Asiad nhưng lại không có tên tại Ô-lim-pích): karatedo, cầu mây, wushu. Riêng nhóm này còn được đầu tư thêm các môn của SEA Games 27 như muay, kempo, vovinam, bi sắt, cờ, billiard... Ngoài ra, còn có nhóm tiềm năng: xe đạp lòng chảo, kiếm, cung, thuyền buồm...; nhóm Việt Nam có dấu hiệu tụt hậu: bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông.

Với sự thay đổi này, ông có cho rằng năm 2013 sẽ là năm đột phá của ngành thể thao?

TTVN sẽ có sự đột phá trong năm 2013. Lần đầu tiên các đội tuyển quốc gia sẽ được áp dụng tám nhóm giải pháp khoa học, gồm chuyên môn, quản lý, y học, sinh học, dinh dưỡng, hồi phục, tâm lý giáo dục, công nghệ thông tin. Ngành sẽ thực tiễn hóa ba đề án chính sách dành cho VĐV, trong đó có chính sách đặc thù, dinh dưỡng và khen thưởng. SEA Games 27 sẽ là bước đệm để TTVN hướng tới những mục tiêu lớn phía trước.

Ông đã từng nói nhiều về vấn đề phát triển TTVN phải chuyên nghiệp. Xin ông có thể nói rõ hơn về hướng đi này?

Trong thể thao thì tất cả các nước đều phát triển theo định hướng chuyên nghiệp. TDTT là một hoạt động phúc lợi của xã hội, Nhà nước đầu tư cho mọi người. Với cái đó thì chúng ta phải tìm mô hình phát triển thể thao theo cơ chế thị trường, theo định hướng XHCN. Chúng ta nắm được quy luật phát triển thể thao chuyên nghiệp, thì môn nào theo quy luật của thể thao chuyên nghiệp thì phải phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp cũng có ba loại: chuyên nghiệp hoàn toàn được đơn vị đầu tư kinh doanh như bóng đá; chuyên nghiệp Nhà nước đầu tư là chủ đạo như điền kinh, bơi lội; chuyên nghiệp do xã hội đầu tư, đặc biệt là thể thao giải trí. Ngành TDTT vừa hoàn thành quy hoạch và đã báo cáo lãnh đạo Bộ và trình Chính phủ phê duyệt. Khi phê duyệt rồi thì phần lớn một số môn phải chuyển sang hệ thống chuyên nghiệp. Có như vậy thì Nhà nước sẽ giảm dần cái bao cấp đối với nhiều môn thể thao khác nhau. Như vậy mới đúng với xu thế phát triển thể thao hiện đại.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!