Bởi bóng đá là một ngành công nghiệp...

NDO - Mùa bóng mới bắt đầu với V-League nhưng cũng là lúc mùa bóng cũ của các giải VĐQG châu Âu bước vào giai đoạn cuối. Như vậy, niên khóa bản quyền truyền hình Giải Ngoại hạng Anh (EPL) tại Việt Nam giai đoạn 2010-2013 cũng sắp hết hạn. Và khi cái giá của niên khóa 2013-2016 trở nên quá lớn đã làm bùng lên nhiều vấn đề của ngành công nghiệp giải trí truyền hình liên quan đến bóng đá của Việt Nam...

Phải chăng IMG làm giá?

Khi đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình EPL niên khóa 2013- 2016 tung ra mức giá khoảng gần 40 triệu USD cho gói các trận đấu thứ bảy và chủ nhật mà họ đang nắm giữ, nhiều đơn vị phát sóng ở Việt Nam “bỗng dưng... muốn khóc” vì chi phí ấy quá cao so với những gì họ hình dung. Nó gấp đôi giá trị của niên khóa cũ (khoảng 19 triệu USD) và có thể nói, vượt quá sức của một số nhà đài. Từ đó, câu hỏi “Phải chăng đơn vị nắm giữ bản quyền Giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam (IMG) đã làm giá vụ này?” được đặt ra.

Thực tế, IMG đã không làm giá mà nơi làm giá lại chính là EPL. Giải đấu hấp dẫn ấy ý thức được nhu cầu quá lớn của người hâm mộ toàn cầu và họ đã có một chiến dịch nâng giá ở khắp các vùng lãnh thổ mà EPL phủ sóng tới. Ngay cả quê nhà của giải đấu ấy, Liên hiệp Vương quốc Anh cũng không thể là ngoại lệ. Đơn cử, tại Anh, tổng số tiền bản quyền truyền hình niên khóa 2013-2016 đã tăng đến mức ba tỷ bảng Anh (chính xác là 3,018 tỷ bảng Anh), đạt mức tăng 70% so với niên khóa 2010-2013. Mức tăng giá bản quyền tương tự hoặc thậm chí cao hơn cũng đã được áp dụng ở nhiều vùng lãnh thổ khác, từ Mỹ, Ca-na-đa cho tới Trung Đông, châu Phi, châu Á và cả châu Mỹ Latin.

Vấn đề của việc tăng bản quyền này thực ra rất dễ hiểu. Ngoài sự tự ý thức rằng “EPL là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh”, người Anh cũng tính toán đến cả những mức phát triển của nhu cầu, sự trượt giá của đồng tiền và cả các yếu tố khác liên quan đến sản xuất, đầu vào. Và chúng ta, trong cương vị của người mua, nên hiểu rằng nhà sản xuất có quyền định giá thứ họ muốn bán. Mức giá mà nhà sản xuất định ra bao giờ cũng để thoả mãn nhu cầu đơn giản là “bán được giá”. Trong nhu cầu ấy, “bán được” là yếu tố tiên quyết và “được giá” là yếu tố thứ nhì. Người Anh sành sỏi chẳng dại gì định một mức giá trên trời để rồi cuối cùng họ không thể bán được và từ đó dẫn đến sụt giảm doanh số nghiêm trọng.

Trong khi đó, ở phía ngược lại, người mua cũng cần toan tính để thỏa mãn nhu cầu của mình: nhu cầu có lợi. Và nếu không có lợi, chẳng ai dại gì mua về để... giải trí!

Và K+ có lỗi hay không?

Quay trở lại với thị trường Việt Nam, khi IMG đưa giá quá cao, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam quyết tâm bắt tay để “chống làm giá”. Nhưng thật sự, đó là một liên minh lỏng, chủ yếu dòm nhau mà “canh chừng” nhau chứ không phải là bắt tay để chia sẻ. Tham vọng mua EPL độc quyền được nhiều kênh truyền hình mới mẻ đặt lên hàng đầu dù không nói ra miệng và họ tham gia liên minh chẳng qua chỉ để chống không cho đối thủ cạnh tranh mua được. Nhưng cuối cùng, EPL vẫn ở lại với Việt Nam, nhờ một đơn vị không nằm trong liên minh kia: Canal Plus của Pháp.

Là đơn vị góp vốn cùng VTV để kinh doanh hệ thống truyền hình vệ tinh K+, Canal Plus, với thế mạnh về thể thao, không thể bỏ lỡ thế mạnh đó của mình. Họ mua EPL từ IMG và đưa cho K+ như một phần vốn góp. Ngay lập tức, K+ bỗng nhiên bị chỉ trích oan bởi các đối thủ khác, bằng nhiều chiêu truyền thông khá truyền thống.

Thực chất, K+ có lỗi khi độc quyền EPL hay không? Câu trả lời thẳng thắn và văn minh nên là KHÔNG. Ba năm trước, khi mới xuất hiện, K+ cam kết với khách hàng của mình rằng nếu lắp đặt, khách hàng sẽ có bóng đá, chất lượng hình ảnh HD và sóng sạch. Nay, với số thuê bao của họ đã lên tới hơn 600 nghìn, nếu họ không còn bóng đá nữa và khách hàng buộc phải đổi thuê bao sang một hệ thống truyền hình khác để xem đá bóng, vô hình trung, K+ đã không thực hiện lời hứa với khách hàng của mình. Chuyện giữ lời hứa với khách hàng là điều thực ra nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được. Như vậy, xét cho cùng, cách làm của K+ dù sao cũng đáng khen và hơn nữa, nếu không có lợi, chắc chắn họ sẽ chẳng dại gì mua EPL với giá cao quá làm gì.

Phản ứng buồn của truyền thông

Khi K+ có được bản quyền truyền hình EPL, đã có nhiều đơn vị truyền thông đã phát đi những phong trào đả phá khá tiêu cực như: Không được lấy thuế của người dân (ngân sách) để hoang phí cho bóng đá; phải chia sẻ cho các đài truyền hình khác để phục vụ người dân nếu không người hâm mộ sẽ tẩy chay; không nên mua bản quyền truyền hình EPL đắt như thế khi trẻ em miền núi không có cơm có thịt, không có áo ấm...

Ngân sách của Nhà nước được giao cho VTV và một phần ngân sách ấy được dùng để góp vốn cho liên doanh VSTV (K+). Như vậy, ở trách nhiệm của đơn vị dùng ngân sách nhà nước để kinh doanh, nhiệm vụ lớn nhất là phải CÓ LÃI, không được làm thất thoát. Còn nhiệm vụ phục vụ nhân dân theo đúng nguồn ngân sách được cấp, VTV đã có các kênh VTV1, VTV2, VTV3 được phủ sóng toàn quốc, miễn phí. Bản thân EPL cũng xác định chỉ “chơi” với truyền hình trả tiền và các cầu thủ ở Anh cũng chẳng phải đi đá bóng để phục vụ nhân dân mà là để kiếm tiền thì người hâm mộ muốn xem họ đá, tất nhiên phải trả tiền. Ngân sách ấy chỉ bị lãng phí khi VTV bỏ cả núi tiền ra mua EPL rồi về phát không trên truyền hình mà thôi. Và chính lập luận “phải chia sẻ cho các đài khác” là sự mâu thuẫn lớn nhất với lập luận “không được lãng phí ngân sách” của luồng truyền thông đối nghịch.

Một điểm không thể không nhắc đến, nếu truyền thông kêu gọi tẩy chay một đơn vị kinh doanh của Nhà nước dù đơn vị ấy không sai phạm gì thì chính đơn vị truyền thông đó cần phải xem lại đường lối hoạt động của mình. Đảng, Nhà nước thúc đẩy kinh tế nhiều thành phần, đa dạng và một đơn vị liên doanh của Nhà nước cũng cần được coi trọng, hỗ trợ.

Đã đến lúc chính chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại bóng đá, một sân chơi thể thao nhưng cũng là một ngành công nghiệp cần tiền và có thể sinh ra tiền, để hiểu và tôn trọng những cá nhân, đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực đó. Và cũng đã đến lúc, chúng ta càng phải tách bạch hơn giữa khái niệm kinh doanh và phục vụ trong ngành giải trí. Song song với những hoạt động phục vụ miễn phí cho quần chúng, những người làm nghề cũng cần phải sống và phải tạo doanh thu. Nhược bằng không, chúng ta sẽ kéo lùi lại sâu hơn nữa cả nền bóng đá Việt Nam lẫn ngành công nghiệp giải trí Việt Nam vốn dĩ vẫn vô cùng non trẻ.