Bóng đá không là ngoại lệ

NDO - Bóng đá là một ngành công nghiệp và dù có những đặc trưng riêng thì nó vẫn phải tuân theo những quy luật kinh tế cơ bản. bởi thế, nó không được coi là một ngoại lệ trong bối cảnh kinh tế xã hội chung...

Tìm doanh thu theo quy luật thông thường

Đầu mùa giải 2012/13, có một sự kiện lớn được giới hâm mộ bóng đá toàn cầu lưu tâm nhiều, đó là việc Manchester United niêm yết ở sàn giao dịch chứng khoán New York. Đó chính là bước chân đầu tiên của M.U trong việc khơi nguồn đầu tư từ thị trường hải ngoại. Quả thật, M.U không hổ danh là một trong những CLB giàu có nhất thế giới trong suốt những năm qua.

Khi cổ phiếu M.U lên sàn ở New York, mức giá họ kỳ vọng thu về khoảng từ 16 đến 20 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau ngày phát hành đầu tiên, lãnh đạo M.U đã phải thất vọng khi giá kịch trần chỉ đạt 14 USD/cổ phiếu mà thôi. Và những bộ óc ở M.U đã làm gì để vực giá cổ phiếu của mình. Họ sử dụng thứ “cổ truyền” của thị trường. Đó là tin đồn. M.U đưa ra tin đồn họ sẽ mua Van Persie, Vua phá lưới Premier League 2011/12 của Arsenal và chỉ cần tin đồn đó được lan ra thôi, giá cổ phiếu M.U đã tăng đụng trần 15,27 USD/cổ phiếu.

Sau bốn tháng tăng đụng trần, cổ phiếu M.U rớt giá xuống mức khoảng 12 USD/ cổ phiếu. Nhưng những nhà đầu tư cũng không phải chờ đợi lâu. M.U đúng là cỗ máy in tiền cho họ. Nửa năm sau, khi M.U chính thức là tân vô địch Premier League 2012/13, cổ phiếu M.U tăng vọt lên đến 18 USD/cổ phiếu. Nhưng đó chưa phải là tất cả. M.U tiếp tục thỏa mãn những ai đã đặt tin tưởng vào họ bằng chiến dịch săn chữ ký của Cristiano Ronaldo. Giá trị thương mại của Ronaldo còn hơn Van Persie gấp nhiều lần và với Ronaldo, khả năng đoạt các danh hiệu lớn, thứ tạo nguồn doanh thu thương mại kếch xù, cũng trở nên cụ thể hơn. Chính vì vậy, tin đồn lần này đã đẩy giá cổ phiếu M.U lên cao hơn nữa. Ở phiên giao dịch ngày 2-5 vừa qua, đúng một ngày sau khi M.U tuyên bố “hơi bị buồn khi PSG lao vào săn chữ ký Ronaldo và M.U sẽ không để yên”, cổ phiếu của họ lần đầu chạm đỉnh 19 USD.

Như vậy, những câu chuyện xoay quanh M.U từ đầu mùa giải tới nay đã gợi nhắc điều gì? Đó chính là doanh thu và việc khai thác doanh thu của một CLB bóng đá. Ngoài doanh thu thương mại đơn thuần, như bán vật phẩm lưu niệm; bản quyền truyền hình; du đấu; vé vào cửa..., một CLB cũng như một tổ chức kinh tế bất kỳ trong nền kinh tế cũng phải đi tìm doanh thu tài chính. Hai nguồn thu đó mới có thể nuôi sống CLB và làm cán cân cho quỹ lương, quỹ chuyển nhượng ngày một tăng vọt hiện nay và đồng thời cũng là nguồn tài trợ dồi dào cho công tác đào tạo trẻ để hướng đến tương lai.

Tuân theo quy luật thị trường

“Không có một ngoại lệ nào cả” là tuyên bố của Tổng thống Pháp Hollande về chuyện thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với các CLB bóng đá. Khi Pháp thông qua và đưa vào áp dụng mức thu 75% thuế thu nhập cá nhân đối với những người có thu nhập trên một triệu euro/năm, đã rất nhiều người cảm thấy lo lắng cho giải VĐQG Pháp Ligue 1. Ban đầu, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault đã hứa với Chủ tịch LĐBĐ Pháp (FFF), ông Noel Le Graet rằng mức thuế trên có thể sẽ chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp cỡ lớn và các CLB bóng đá Pháp vẫn được đảm bảo hưởng quy chế của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song, sự an tâm ấy không kéo dài được quá lâu. Chỉ sau tuyên bố của Thủ tướng Jean-Marc Ayrault chừng một tuần, phát ngôn viên của Chính phủ Pháp đã ra tuyên bố chính thức rằng “mức thuế này áp dụng với tất cả các doanh nghiệp, tổ chức trả lương cho cá nhân nhân viên nào trên một triệu euro/ năm, không phân biệt doanh nghiệp nhỏ hay lớn”. Lập tức, tuyên bố ấy đã gây bão trong lòng làng bóng đá Pháp, ngành nghề vốn dĩ trước nay nhận được quá nhiều ưu ái của chính phủ, từ thuế thu nhập cho tới mức thưởng kỷ lục cho tuyển thủ. Chính phủ Pháp lần này tỏ ra sắt đá và đã bỏ ngoài tai lời cảnh báo của ông Jean-Pierre Louvel, Chủ tịch Hiệp hội các Chủ tịch CLB, rằng “Ý định là một thảm họa sẽ đẩy lùi sự tiến bộ của bóng đá Pháp” và lời kêu rên của ông Frederic Thiriez, Chủ tịch Ligue 1, rằng “đây là bản án bóp cổ bóng đá”. Đơn giản, với những người điều hành một nhà nước cần nêu cao sự công chính, không có chuyện một doanh nhân vất vả bạc đầu vã mồ hôi để kiếm ra tiền phải còng lưng đóng thuế còn mấy ông quần đùi áo số thì không và cứ vênh vang ăn chơi thoải mái ngoài đời. Như vậy, ước tính, sẽ có ít nhất hơn 100 cầu thủ nhà nghề ở Ligue 1 sẽ phải đóng tới 82 triệu euro thuế thu nhập mỗi năm, số tiền mà chính các CLB sẽ phải è cổ trả cho cầu thủ phần lớn nếu muốn thu hút ngôi sao.

Nhân nói đến thuế thu nhập, hiện nay mức thuế ở các nước phát triển châu Âu dao động từ 42 đến 45% năm. Ngoại trừ Pháp, Tây Ban Nha là nước có mức thuế tương đối cao, lên đến 52% vào những ai có thu nhập trên 300 nghìn euro/ năm. Ở Anh, mức thuế dù chỉ tối đa 45% nhưng lại đánh từ mức thu nhập từ 150 nghìn bảng Anh/năm trở lên. Chính mức thuế này đã khiến nhiều LĐBĐ rên xiết nhưng trước những lời kêu ca ấy, tất cả các chính phủ đều lắc đầu. Dễ hiểu, bóng đá không được phép là ngoại lệ.

Thay lời kết

Như vậy, có thể thấy dù bóng đá là một ngành thể thao mang tính bộ mặt nhưng nó không được quyền ưu đãi quá mức như chúng ta nghĩ. Nó cũng phải tuân theo mọi quy luật thị trường, từ quy luật cung-cầu; quy luật sinh tồn của một doanh nghiệp; quy luật kinh tế cơ bản cho tới quy luật vận hành của cả một thể chế. Không thể vì chuyện không có khả năng trả lương cho ngôi sao nên nền bóng đá kém tính cạnh tranh mà được hưởng một ngoại lệ nào ở đây cả. Điển hình như cách làm của người Đức hôm nay. Ý thức được việc phải tuân theo những quy luật nói trên một cách nghiêm túc nhất, người Đức đã xây dựng ngôi sao bằng đào tạo thay vì vung tiền ra mua bất chấp cơn khủng hoảng kinh tế có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Chính vì thế, sau nhiều năm miệt mài, giờ là lúc bóng đá Đức hái quả ngọt với thế hệ cầu thủ tài năng. Song song với áp lực về Luật cân bằng tài chính của UEFA (nôm na là luật cấm lỗ), bóng đá châu Âu đang vươn tới điều mà chủ tịch Platini mong muốn “sự công bằng và cân bằng giữa các nền bóng đá cùng khả năng tự đào tạo trẻ của các nền bóng đá khác nhau”. Và đó cũng chính là bài học quý giá cho các nền bóng đá nhỏ, trong đó có Việt Nam.