Thể thao Việt Nam năm 2013

AIMAG 4 - Nhiệm vụ đầu tiên

NDO - Năm nay, ngoài SEA Games 27, thể thao Việt Nam (TTVN) sẽ tham dự một đấu trường quan trọng khác, đó là Asian Indoor - Martial Arts Games 4 (AIGMA 4) diễn ra tại Incheon, Hàn Quốc vào cuối tháng sáu. Đây là một cơ hội lý tưởng để những người làm công tác chuyên môn đánh giá giúp các VĐV cải thiện, tạo đà vững chắc để chuẩn bị cho SEA Games 27 và những mục tiêu lớn phía trước.

Bước đệm lý tưởng

AIMAG 4 là kỳ đại hội đầu tiên đánh dấu sự sáp nhập của Asian Indoor Games (Đại hội thể thao trong nhà) và Asian Arts Games (Đại hội võ thuật), được coi là kỳ thử nghiệm về công tác tổ chức, vận hành hệ thống cơ sở vật chất cho Asiad 17 cũng diễn ra tại Incheon vào năm 2014. Dự kiến, chu kỳ tổ chức của sân chơi này sẽ được kéo dài lên bốn năm một lần, thay vì hai năm như trước đây. Hướng tới những môn thể thao mang tính đại chúng, với tiêu chí gọn nhẹ và hấp dẫn giới trẻ như thể thao điện tử, khiêu vũ thể thao, bowling, bóng đá trong nhà... Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á lần thứ tư chỉ gồm 100 bộ huy chương của 12 môn thể thao và BTC đại hội kỳ vọng sẽ có khoảng 4.400 thành viên, trong đó có 2.400 VĐV, HLV cùng khoảng 1.000 khách mời, 1.000 phóng viên... tham gia đại hội.

Với lịch trình được ấn định vào ngày 29-6 đến 6-7, AIMAG 4 được coi là cơ hội cọ xát cho nhiều đội tuyển của ta như cờ vua, billiards- snooker, bơi (bơi bể ngắn), đấm bốc, quyền Thái... đồng thời là dịp để tìm nguồn xã hội hóa cho nhiều môn thể thao mang tính đại chúng như thể thao điện tử, khiêu vũ thể thao, bowling... có cơ hội phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. SEA Games 27 tại Mi-an-ma sẽ diễn ra sau đó khoảng sáu tháng, quãng thời gian giữa hai kỳ đại hội này giúp các chuyên gia rút kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch chuẩn bị thật tốt cho các VĐV.

Những môn thi có nhiều hy vọng giành huy chương cho đoàn Việt Nam tại đại hội kỳ này là cờ vua, bơi bể ngắn và billiards-snooker. Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia đánh giá cao những môn này, bởi vì đây là những môn thi đã từng đem lại những vinh quang cho TTVN trên đấu trường quốc tế. Một lần nữa, các môn thi trọng điểm này lại được mong đợi sẽ đóng góp lớn vào thành tích của đoàn Việt Nam ở kỳ đại hội lần này. Như vậy, trách nhiệm của các đội tuyển bơi lội, cờ vua và billiard-snooker quốc gia được nhân lên gấp đôi so với đồng đội của mình khi các môn này xuất hiện ở hai kỳ đại hội. Và với trình độ hiện tại, người hâm mộ thể thao nước nhà đang tràn trề hy vọng những đội tuyển này sẽ lập chiến thắng kép cho đoàn TTVN ở cả AIMAG 4 và SEA Games 27.

Chưa bao giờ cờ vua Việt Nam lại hội tụ những tài năng trẻ xuất sắc và dày dạn kinh nghiệm thi đấu quốc tế như hiện nay với Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Nguyễn Anh Khôi, Phạm Lê Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Mai Hưng... Tương tự, ở môn bơi bể ngắn, chúng ta cũng đang sở hữu những tài năng như Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước... Họ đang sẵn sàng nối tiếp chiến công của Nguyễn Hữu Việt, người từng giành tấm HCĐ nội dung 100m bơi ếch nam ở AIG 3. Với billiards-snooker, đội quân của HLV Nguyễn Việt Hòa cũng rất thiện chiến. Tay cơ Mã Minh Cẩm, Mã Xuân Cường, Dương Anh Vũ, Ngô Đình Nại... trong năm 2012 vừa qua đều được mời đích danh tham dự nhiều cuộc thi tài lớn của làng billiard chuyên nghiệp thế giới. Khoảng cách giữa họ với những cơ thủ chuyên nghiệp quốc tế đang được rút ngắn dần.

Đây đều là những tín hiệu vui cho thể thao Việt Nam khi đến với sân chơi AIMAG 4. Bên cạnh đó, các VĐV của ta cũng có nhiều thuận lợi và sẽ tích lũy kinh nghiệm khi được thi đấu cọ xát với những VĐV hàng đầu châu lục.

Cần chiến lược dài hơi

Có thể nhận thấy AIMAG 4 và SEA Games 27 sẽ là bàn đạp rất quan trọng để TTVN hướng đến những mục tiêu lớn phía trước. Việc đăng cai Asiad 18 năm 2019 sẽ là cơ hội để chúng ta chuẩn bị lực lượng ngay từ bây giờ để tham dự ở các môn nằm trong hệ thống Ô-lim-pích. Các môn cơ bản trong Ô-lim-pích luôn có ý nghĩa sống còn với một nền thể thao. Ở SEA Games 27, TTVN không chỉ hướng tới mục tiêu bảo vệ vị trí trong tốp ba mà còn là cơ hội cọ xát, mài giũa cho lứa VĐV tài năng, đặc biệt ở nhóm môn Ô-lim-pích và nhóm môn thuộc chương trình thi đấu của Asian Games. Trong chiến lược của TTVN đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Tổng cục TDTT cũng nhấn mạnh đến 10 môn cơ bản có trong Ô-lim-pích như điền kinh, bơi, bắn súng, cầu lông, thể dục, vật, đấu kiếm, taekwondo, cử tạ... nhưng lại nảy sinh ra thêm 20 môn trọng điểm nhóm hai. Như vậy là sẽ đầu tư cùng lúc đến 30 môn, đầu tư như thế liệu có khả thi không? Hay lại là cách làm chạy theo SEA Games để báo cáo thành tích, khác nào dàn trải.

Để xứng tầm nước chủ nhà của một kỳ Asiad, ngay từ bây giờ TTVN cần phải có chiến lược đầu tư về con người. Thời gian tổ chức còn bảy năm nữa và nó là vừa đủ để tạo ra một lứa VĐV mới đủ tầm cạnh tranh huy chương tại đấu trường châu lục. Tuy nhiên, việc đào tạo các VĐV phải có một chương trình và chiến lược cụ thể với một mô hình đào tạo lâu dài, phục vụ cho tương lai. Các lớp tài năng mười tám đôi mươi của chúng ta ở các môn cơ bản cần có những định hướng đúng để họ nâng cao tố chất, sức mạnh, được đảm bảo có thầy giỏi, có môi trường phù hợp và thường xuyên thử thách trận mạc để tích lũy kinh nghiệm thi đấu.

Cũng trong năm 2013, TTVN sẽ tham dự thêm một sân chơi quan trọng khác, Asian Youth Games 2 diễn ra từ ngày 16 đến 24-8 tại Nam Kinh, Trung Quốc, cuộc thi chuẩn bị cho Ô-lim-pích Youth Games vào năm 2014 cũng tại đây. Với tính chất tiếp nối, Asian Youth Games cũng là một trong những bệ phóng quan trọng cho tài năng trẻ của TTVN hướng tới những đấu trường đỉnh cao quốc tế.

AIMAG 4 - Nhiệm vụ đầu tiên ảnh 1

Lê Quang Liêm (trái) và Nguyễn Ngọc Trường Sơn là những kiện tướng của cờ vua Việt Nam. Ảnh: TL.

AIMAG 4 - Nhiệm vụ đầu tiên ảnh 2

Ánh Viên - niềm hy vọng của TTVN tại AIMAG 4 và SEA Games 27. Ảnh: TL