Trong vòng xoáy rối ren

Rất nhiều “mối tơ vò” mới chỉ tìm được điểm tháo gỡ đầu tiên. Năm 2020 đã nhanh chóng trở nên khắc nghiệt hơn nhiều so với mọi dự liệu, cho dù chưa đi qua hết quý I.

Xếp hàng mua khẩu trang ở Hàn Quốc.
Xếp hàng mua khẩu trang ở Hàn Quốc.

1. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận: Vi-rút gây dịch Covid-19 xuất hiện ở quá nhiều nước, khiến mối đe dọa trở nên thực tế hơn rất nhiều. Thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 cũng rõ rệt hơn, buộc nhiều chính phủ, tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế đưa ra các biện pháp khẩn cấp. S&P dự báo, kinh tế châu Á - Thái Bình Dương thiệt hại hơn 200 tỷ USD trong năm nay, đẩy mức tăng trưởng của khu vực xuống "đáy" của thập niên qua. Còn theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kịch bản xấu nhất là kinh tế thế giới mất 347 tỷ USD, khoảng 0,1%-0,4% GDP, trong đó châu Á chịu nhiều thiệt hại hơn cả.

Ngân hàng Thế giới (WB) công bố khoản ngân sách 12 tỷ USD hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 cam kết có các biện pháp tài khóa và tiền tệ cần thiết. Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khẩn cấp hạ lãi suất tham chiếu, về quanh mức 1% - 1,25%, nhằm duy trì ổn định giá và tạo cú huých cho kinh tế. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẵn sàng các khoản vay với lãi suất cực thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. Hàn Quốc công bố gói kích thích kinh tế trị giá 9,8 tỷ USD; In-đô-nê-xi-a (Indonesia) hoàn tất dự thảo gói biện pháp nhằm khôi phục hoạt động xuất khẩu...

2. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nền kinh tế thế giới rung lắc dữ dội do hoạt động sản xuất và dịch vụ ngưng trệ, kéo giá dầu thế giới tụt dốc. Ngay phiên giao dịch đầu tuần này, giá "vàng đen" đã tuột mất 30% giá trị, xuống 31 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2016. Ðây cũng là mức giảm trong ngày mạnh nhất kể từ năm 1991.

Giá dầu giảm sâu cũng chịu tác động từ diễn biến không thuận trong hợp tác giữa các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia dầu mỏ lớn ngoài OPEC không nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng, sau khi thỏa thuận ký ba năm trước hết hạn hôm 6-3. Ðối tác lớn là Nga đã bác đề xuất của OPEC giảm sản lượng để ổn định giá dầu. Lý do của Mát-xcơ-va (Moscow) là "còn quá sớm" để đánh giá tác động của dịch Covid-19 với thị trường dầu mỏ.

3. Tình hình tại Xy-ri (Syria) và các mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, với các đồng minh NATO và nhất là với các đối tác trong Liên hiệp châu Âu (EU) cũng rối ren. Sau chuyến công du Nga bàn về xung đột tại Xy-ri, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan (Tayyip Erdogan) tiếp tục tới Brúc-xen (Brussel) gặp các nhà lãnh đạo EU và NATO, với hy vọng tìm được sự ủng hộ giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.

Lệnh ngừng bắn tại tỉnh Ít-líp (Idlib), tây bắc Xy-ri, đạt được sau cuộc đàm phán tại Mát-xcơ-va giữa Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan. Tình hình giao tranh giữa các lực lượng chính quyền Ða-mát (Damas) và Thổ Nhĩ Kỳ tại nơi được xem là "thành trì cuối cùng" của phiến quân ở Xy-ri tìm được lối thoát qua khe cửa hẹp, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gạt sang bên khác biệt về quan điểm và lợi ích.

Chuyến công du châu Âu của ông Éc-đô-gan lại không như ý, khi EU tiếp tục yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ cam kết trong thỏa thuận di cư đã ký, và khẳng định ủng hộ "thành viên nơi tiền tuyến" là Hy Lạp ngăn người di cư vào châu Âu. NATO chia sẻ mối lo an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, song thẳng thắn bày tỏ nỗi lo lắng lớn hơn về các diễn biến tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp.

Trong vòng xoáy rối ren ảnh 1

Người di cư ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

4. Mỹ bắt đầu rút binh sĩ khỏi Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan) theo thỏa thuận vừa ký với Ta-li-ban (Taliban). Theo cam kết, Mỹ giảm quân số từ mức hơn 12 nghìn binh sĩ hiện nay xuống 8,6 nghìn người trong vòng 135 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận hôm 29-2. Ðộng thái trên diễn ra sau khi Mỹ không kích các mục tiêu của Ta-li-ban, nhằm đáp trả cuộc tiến công của phiến quân nhằm lực lượng chính phủ Áp-ga-ni-xtan hôm 2-3, thời điểm kết thúc thỏa thuận giảm bạo lực tạm thời mà Ta-li-ban cam kết.

Trong khi đó, chính trường Áp-ga-ni-xtan vẫn rối ren. Tổng thống đắc cử A.Ga-ni (Ashraf Ghani) đã tuyên thệ nhậm chức, có sự chứng kiến của nhiều quan khách quốc tế. Cùng thời điểm, ứng cử viên đối thủ của ông Ga-ni là nhà điều hành cấp cao chính quyền Áp-ga-ni-xtan A.Áp-đu-la (A.Abdullah) cũng tiến hành buổi lễ tương tự. Hai lễ nhậm chức song song báo trước giai đoạn không suôn sẻ sắp tới ở quốc gia Nam Á này, đặc biệt là khi cùng lúc hai vụ nổ xảy ra tạo nên khung cảnh hỗn loạn ở cả hai buổi lễ đó.