Trên những cung đường hòa giải

Đối thoại là điểm khởi đầu của mọi nỗ lực tháo gỡ các bất đồng. Cho dù không phải cuộc đối thoại nào cũng có thể mang lại hiệu quả, thì những chuyến công du hay những cố gắng kết nối vẫn là điều tích cực đối với các điểm nóng trong dòng chảy sự kiện quốc tế.

Trên những cung đường hòa giải

1. Chuyến thăm chớp nhoáng của Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin) tới Pháp (ảnh bên) hồi đầu tuần dấy lên hy vọng “gió đổi chiều” trong quan hệ giữa Nga và Pháp, rộng hơn là giữa Nga với châu Âu. Diễn ra trước thềm Hội nghị cấp cao Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại Pháp, và dù chỉ trong vài giờ, chuyến thăm nhắc nhớ các cơ hội đối thoại, hóa giải bất đồng.

Trên bình diện song phương, chuyến thăm tạo cú huých quan trọng, thúc đẩy không gian đối thoại Nga - Pháp mà hai bên mới khôi phục, tái khẳng định các mục tiêu ưu tiên hợp tác, coi trọng vai trò của nhau và cùng đóng góp duy trì sự ổn định của châu Âu. Với khu vực, cái “bắt tay” mới nhất giữa Nga và Pháp cũng gửi thông điệp về triển vọng cải thiện quan hệ Nga - Liên hiệp châu Âu (EU), vốn vẫn trong tình trạng lạnh giá kể từ khi bị “đóng băng” sau các sự kiện ở miền đông U-crai-na (Ukraine) năm 2014. Trong vấn đề U-crai-na, cuộc gặp Nga - Pháp cũng phát tín hiệu tích cực, khi trong tư cách các Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, lại cùng là thành viên “Bộ tứ Noóc-man-đi” (Normandy), Pháp và Nga sẽ thúc đẩy thực thi thỏa thuận, tác động tích cực tới các cơ hội giải quyết khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này.

2. Cũng trong nỗ lực hòa giải, nhất là tìm cách tháo gỡ bất đồng trong chính sách nhập cư của châu Âu, Thủ tướng Đức A.Méc-ken (Angela Merkel) thăm Hung-ga-ri (Hungary), dự kỷ niệm 30 năm ngày diễn ra cuộc cắm trại ở biên giới của hàng nghìn người Hung-ga-ri và Áo, một trong những nỗ lực dẫn tới sự sụp đổ “bức màn sắt” chia đôi nước Đức. Tuy nhiên 30 năm sau, “hàng rào sắt” mới lại được dựng lên trên biên giới Hung-ga-ri để ngăn dòng người di cư ùn ùn kéo vào châu Âu.

Với vị thế “rường cột” của EU, Đức luôn đề cao khía cạnh nhân đạo, tiên phong trong chính sách cởi mở với người nhập cư. Hung-ga-ri lại chủ trương hạn chế nhập cư, phản đối “quy định hạn ngạch” của EU. Quan điểm cứng rắn của Bu-đa-pét (Budapest) gây tranh cãi và bất đồng kéo dài giữa Hung-ga-ri và Đức. Bởi thế, dự kỷ niệm sự kiện đánh dấu tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, Thủ tướng Méc-ken muốn tìm kiếm sự ủng hộ, chia sẻ của lãnh đạo Hung-ga-ri trong chính sách nhập cư của cả châu lục.

3. Trong khi đó, với Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn (Boris Johnson), sứ mệnh cấp bách nhất và cũng khó khăn nhất đó là thuyết phục EU thỏa hiệp về Brexit, trong bối cảnh ngày Luân Đôn rời “mái nhà chung EU” đang đến gần. Trong thư gửi các lãnh đạo EU trước thềm chuyến thăm Pháp và Đức, Thủ tướng Giôn-xơn đề xuất xóa bỏ “điều khoản chốt chặn” trong thỏa thuận Brexit đã ký năm 2018. Nội dung thư được tiết lộ ngay sau cuộc gặp giữa ông Giôn-xơn với người đồng cấp CH Ai-len (Ireland) L.Va-rát-ca (Leo Varadkar), vốn kết thúc mà không đạt bất kỳ thỏa thuận nào.

Cho dù ông Giôn-xơn đề xuất thay thế bằng một thỏa thuận Brexit “linh hoạt và sáng tạo hơn”, nhằm quản lý “biên giới mềm” giữa CH Ai-len với vùng Bắc Ai-len thuộc Vương quốc Anh thời “hậu Brexit”, thì vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy đích đến thành công trên cung đường hòa giải của lãnh đạo Anh. Là bởi, EU lâu nay khẳng định không tái đàm phán thỏa thuận Brexit, nay tiếp tục tuyên bố bác bỏ mọi đề xuất liên quan “điều khoản chốt chặn”.

4. Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) đã đề nghị được làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan (Pakistan) nhằm giảm căng thẳng tại khu vực Ca-sơ-mia (Kashmir) tranh chấp giữa hai nước này. Đề xuất được đưa ra sau khi ông Trăm có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Ấn Độ N.Mô-đi (Narendra Modi) và Thủ tướng Pa-ki-xtan I.Khan (Imran Khan).

Lãnh đạo Mỹ cam kết “làm tốt nhất có thể” trong vai trò trung gian, song thừa nhận không dễ dàng hoàn tất sứ mệnh hòa giải giữa các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực. Ấn Độ đã nới lỏng các biện pháp hạn chế tại khu vực Ca-sơ-mia, song căng thẳng tại đây chưa lắng dịu (ảnh dưới), trong khi các cuộc đấu súng, hoặc tiến công qua Ranh giới kiểm soát (LoC) ở Ca-sơ-mia vẫn tiếp diễn, gây thương vong cho cả hai bên.

Trên những cung đường hòa giải ảnh 1