Trao gửi niềm tin

Những kết quả bầu cử, và cả những chuyến công du, từ lâu đã được coi là các công cụ hữu hiệu nhằm nhen nhóm lại những niềm hy vọng, khai thông bế tắc, thúc đẩy các tiến trình hướng tới tương lai. Tuần qua, dòng chảy sự kiện quốc tế có khá nhiều điểm nhấn đáng chú ý như vậy.

Thủ tướng Nhật Bản và các thành viên liên minh cầm quyền mừng chiến thắng.
Thủ tướng Nhật Bản và các thành viên liên minh cầm quyền mừng chiến thắng.

1 Liên minh cầm quyền tại Nhật Bản, do đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng S.A-bê (Shinzo Abe) lãnh đạo, đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện nước này cuối tuần trước, sự kiện được đánh giá như “cuộc bỏ phiếu tín nhiệm” đối với chính sách của chính quyền đương nhiệm. Bởi thế, chiến thắng này là minh chứng cho sự ghi nhận của cử tri về những thành tựu của chính quyền Thủ tướng A-bê, đồng thời phản ánh mong muốn của người dân về sự ổn định chính trị. Việc duy trì chính phủ và chính sách ổn định là thích hợp trong bối cảnh Nhật Bản đối mặt nhiều thách

thức.

Chiến thắng song không hội đủ hai phần ba số ghế cần thiết tại Thượng viện vẫn được coi là “thắng lợi chưa trọn vẹn”, chưa giúp bảo đảm những tham vọng chính sách mà Thủ tướng A-bê đang theo đuổi dễ dàng được thông qua, trong đó có việc sửa đổi Hiến pháp. Ðiều này cũng cho thấy, cử tri chưa thật sự hài lòng, và lực lượng cầm quyền cần tiếp tục nỗ lực.

2 Cử tri U-crai-na (Ukraine) dành đa số ủng hộ cho cả Tổng thống V.Dê-len-xki (Volodymyr Zelenski) lẫn đảng Phụng sự nhân dân của ông. Sau cuộc bỏ phiếu cuối tuần trước, đảng của Tổng thống có thể giành 253 ghế, vượt xa con số quá bán tối thiểu 226 ghế trong Quốc hội khóa mới gồm 450 ghế. Kết quả này phản ánh nỗi bất bình của cử tri U-crai-na đối với thực trạng khó khăn kinh tế, khủng hoảng chính trị và xung đột ở miền đông, đồng thời cho thấy rõ mong muốn của người dân U-crai-na về sự ổn định của đất nước.

Trao gửi niềm tin ảnh 1

Kiểm phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine.

Ðây là thuận lợi lớn đối với Tổng thống Dê-len-xki, bảo đảm các chính sách tương lai vượt qua “cửa ải” Quốc hội. Song, thách thức cũng không hề nhỏ, khi chính phủ mới của ông Dê-len-xki phải xử lý tình trạng tham nhũng, kinh tế trì trệ và các mối quan hệ đối ngoại giằng co giữa Ðông và Tây.

3 Ðưa quan hệ đồng minh với Mỹ trở lại quỹ đạo vốn có là mục tiêu cốt yếu trong chuyến công du Mỹ lần đầu của Thủ tướng Pa-ki-xtan (Pakistan) I.Khan (Imran Khan). Trong đó, khôi phục lòng tin là bước đi đầu tiên, nhất là liên quan vai trò của Pa-ki-xtan trong chống khủng bố và xây dựng hòa bình ở nước láng giềng Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan).

Mỹ và lực lượng Ta-li-ban (Taliban) đang đẩy nhanh đối thoại, tiến gần tới một thỏa thuận với nội dung trọng tâm là Mỹ rút quân, đổi lại Ta-li-ban cam kết loại bỏ nguy cơ biến Áp-ga-ni-xtan thành “căn cứ khủng bố”. Ta-li-ban đến nay vẫn từ chối đàm phán trực tiếp với chính phủ Áp-ga-ni-xtan, trong khi Pa-ki-xtan được xem là có ảnh hưởng nhất định thúc đẩy khởi động tiến trình này. Quan hệ đồng minh Mỹ - Pa-ki-xtan gần đây rơi vào tình trạng nghi kỵ, khi Mỹ cáo buộc Pa-ki-xtan “dung túng” các nhóm khủng bố trong đó có Ta-li-ban. Trong bối cảnh đó, chuyến công du của Thủ tướng Khan được kỳ vọng giúp xóa bỏ hoài nghi, khôi phục lòng tin giữa hai đồng minh, nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Nam Á.

4 Chiến thắng của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Anh B.Giôn-xơn (Boris Johnson) trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền không gây bất ngờ, bởi ngay sau khi Thủ tướng Anh T.Mây (Therasa May) tuyên bố từ chức, ông Giôn-xơn luôn nổi lên là “một ứng viên nặng ký” thay bà Mây. Việc một chính trị gia theo đuổi đến cùng mục tiêu đưa nước Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ lên lãnh đạo chính phủ Anh thậm chí còn dấy lên hy vọng giúp khai thông tiến trình Brexit hiện nay. Ngay sau chiến thắng, điều đầu tiên ông Giôn-xơn khẳng định là dù có hay không có thỏa thuận, Brexit vẫn chắc chắn diễn ra đúng kế hoạch vào “đêm Ha-lô-uyn” (Halloween), ngày 31-10 tới.

Tuy nhiên, con đường rời “mái nhà chung EU” không phải đã hết trở ngại, khi mục tiêu nhà lãnh đạo tương lai của Anh khăng khăng bảo vệ cũng là điều EU chưa bao giờ nhượng bộ và sẽ không lung lay với lập trường cho rằng: thỏa thuận Brexit đạt được năm 2018 là “lựa chọn tốt nhất”. Bởi thế, chỉ còn ba tháng ngắn ngủi, nhiệm vụ của ông Giôn-xơn phải thuyết phục cả Quốc hội Anh, lẫn giới lãnh đạo EU, thật sự không dễ dàng.