Trăm mối tơ vò

Các vụ tiến công bằng vũ khí hạng nặng vẫn liên tiếp nổ ra khiến triển vọng hòa bình mờ mịt, trong khi đó cuộc chiến trên “mặt trận” chống dịch bệnh vẫn diễn ra cam go, phức tạp. Những mối quan ngại ngày càng gia tăng trong bối cảnh thế giới đang cùng lúc đối mặt nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Tình hình an ninh ở I-rắc vẫn rất đáng quan ngại.
Tình hình an ninh ở I-rắc vẫn rất đáng quan ngại.

1. Thêm một căn cứ quân sự có binh sĩ liên quân ở I-rắc (Iraq) bị tiến công trong tuần qua. Ngày 17-3, hai quả rốc-két đã rơi trúng căn cứ quân sự Bê-xmay-a (Besmaya) ở khu vực phía nam Thủ đô Bát-đa (Baghdad) có binh sĩ Tây Ban Nha thuộc liên quân do Mỹ dẫn đầu chống lại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Đây là vụ tiến công thứ ba nhằm vào căn cứ quân sự có binh sĩ nước ngoài trong vòng một tuần qua.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo (M.Pompeo) cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nếu cần thiết đối với bất kỳ vụ tiến công mới nào nhằm vào các mục tiêu Mỹ tại I-rắc. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng I-rắc A.Ma-đi (A.Mahdi), ông Pom-peo đã kêu gọi I-rắc bảo vệ các thành viên của liên quân, những người đã được điều tới quốc gia Trung Đông này nhằm chống lại IS. Bộ trưởng Ngoại giao Pom-peo nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không dung thứ cho các vụ tiến công và các mối đe dọa đối với người dân nước này, cũng như sẽ triển khai thêm hành động nếu cần để tự vệ.

2. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vô cùng quan ngại về đại dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu. Tổng Giám đốc WHO T.Ghê-brây-ê-xút bày tỏ lo sợ trước mức độ báo động về sự lây lan và tính nghiêm trọng của dịch, cũng như tình trạng thiếu hành động kịp thời nhằm chống dịch bệnh chết người này. Ông kêu gọi các nước cần đưa ra cả những biện pháp giảm nhẹ và ngăn ngừa, song ngăn ngừa cần phải là biện pháp trụ cột chính.

Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha, Chủ tịch Nhóm Eurogroup M.Xen-tê-nô (M.Centeno) cảnh báo: Những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh cưỡng ép hiện nay đang đẩy nền kinh tế của các nước châu Âu rơi vào thời kỳ giống chiến tranh và cuộc chiến lâu dài vẫn ở phía trước. Ông M.Xen-tê-nô khẳng định, Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ bảo đảm các quy định tài chính của khối, hay các quy định cứu trợ các nước thành viên sẽ có sự linh hoạt khi thực thi. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, EU chưa thảo luận về gói cứu trợ kinh tế châu Âu hay bất cứ cuộc “giải cứu” toàn châu Âu nào. Ủy ban châu Âu (EC) mới đây dự đoán EU và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể rơi vào suy thoái kinh tế trong năm 2020, do đại dịch Covid-19 làm đình trệ nhiều hoạt động kinh tế.

3. Ma-lai-xi-a (Malaysia) ngày 17-3 thông báo một loạt hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới, sẽ phải hoãn cho đến tháng 6 năm nay trong bối cảnh quốc gia này đang phải ứng phó với dịch. Theo thông báo của Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Ma-lai-xi-a (MITI), hội nghị các quan chức cấp cao của APEC và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 26-6 và Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28-6. MITI khẳng định Ma-lai-xi-a - nước đăng cai tổ chức các hội nghị APEC 2020, đưa ra quyết định trên nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của tất cả các phái đoàn các nền kinh tế thành viên APEC.

Ma-lai-xi-a hiện là quốc gia Đông - Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 khi đã ghi nhận tới 566 ca nhiễm. Chính phủ nước này đã thông báo phong tỏa toàn bộ đất nước trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 18-3.

4. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cảnh báo: Việc hạn chế đi lại và hủy các chuyến bay mà các nước áp đặt vì dịch đã hạn chế rất lớn công suất vận tải hàng hóa bằng đường hàng không. IATA kêu gọi các nước duy trì vận tải hàng hóa bằng đường hàng không nhằm bảo đảm các chuỗi cung ứng và vận chuyển các loại thuốc và trang thiết bị y tế cần thiết trong đợt dịch này.

Theo Giám đốc điều hành IATA A.Giu-ni-ác (A.Juniac), hơn 185.000 chuyến bay chở khách đã bị hủy kể từ cuối tháng 1 do các lệnh hạn chế đi lại của chính phủ. IATA kêu gọi các chính phủ bỏ lệnh cấm đối với vận tải hàng hóa bằng đường hàng không, miễn cách ly đối với phi hành đoàn trên máy bay chở hàng, bỏ các loại phí bến đỗ cũng như các hạn chế chỗ đỗ nhằm tạo điều kiện cho hoạt động chở hàng bằng đường hàng không. Hiệp hội Thương mại các hãng hàng không Mỹ (A4A) đánh giá ngành hàng không sẽ phải chứng kiến sự sụt giảm 23 - 53 tỷ USD thanh khoản vào cuối năm 2020, tùy theo kịch bản “lạc quan” hay “bi quan”. A4A đã chính thức đệ đơn lên Chính phủ Mỹ xin cứu trợ tài chính khoảng 50 tỷ USD.

Trăm mối tơ vò ảnh 1

Ngành hàng không toàn thế giới đang chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.