Thông điệp từ lựa chọn

Những khía cạnh của tương lai ở một số khu vực đã bắt đầu được phác thảo, thông qua kết quả của những lá phiếu. Và cũng chính nhờ vậy, những khát vọng mạnh mẽ nhất trong lòng các xã hội được thể hiện một cách rõ ràng.

Cử tri Pháp bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu.
Cử tri Pháp bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu.

1 Cử tri châu Âu vừa tạo nên một thực tế chính trị mới ở "lục địa già" sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), qua đó chấm dứt thế thống trị lâu nay của các phái trung hữu và trung tả. Khối đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Liên minh xã hội chủ nghĩa và Dân chủ (SD) vẫn là các lực lượng mạnh nhất, song lần đầu sau hơn hai thập niên đã không còn giữ được thế đa số trong EP. Việc đảng Xanh và các lực lượng dân túy, dân tộc giành thắng lợi lớn đặt Liên hiệp châu Âu (EU) trước nguy cơ chia rẽ sâu sắc hơn, nỗ lực tìm tiếng nói chung tại cơ quan lập pháp châu lục khó khăn hơn. Với nước Anh, triển vọng Brexit càng mờ mịt, khi tương quan lực lượng mới tại EP có thể "nhấn chìm" hy vọng về sự linh hoạt, mềm mỏng của EU.

Các ghế EP đã có "chủ nhân", cũng là lúc EU khởi động cuộc lựa chọn người vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ mới. Song, bất đồng đã nổi lên, nhất là với chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Trước sức ép đầu tháng 6 phải trình ứng cử viên tại EP, song giới lãnh đạo EU vẫn mâu thuẫn gay gắt chung quanh cơ chế truyền thống là lựa chọn từ các đại diện nhóm chính trị có nhiều ghế nhất tại EP.

2 Cuộc đua tranh kéo dài trong cuộc bầu cử ở Ấn Ðộ đã kết thúc, với thắng lợi giòn giã thuộc về Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Ðộ (BJP) của Thủ tướng đương nhiệm N.Mô-đi (Narendra Modi) lãnh đạo. Hình ảnh cá nhân ấn tượng cùng thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua của Thủ tướng Mô-đi là những yếu tố chính thúc đẩy cử tri Ấn Ðộ tin tưởng, tiếp tục giao trọng trách lớn cho BJP.

Trong 5 năm qua, nỗ lực của Chính quyền Mô-đi triển khai mục tiêu xây dựng một "Ấn Ðộ mới" góp phần đưa kinh tế tăng trưởng bình quân 7,2%, trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Ðộ" giúp đẩy mạnh sản xuất và thu hút đầu tư nước ngoài. Ðề cao an ninh quốc gia càng làm tăng tín nhiệm dành cho BJP... Trao thêm cơ hội cho BJP điều hành đất nước, cử tri Ấn Ðộ đồng thời gửi gắm kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

3 Trong khi đó, hai nước châu Âu là Bỉ và Áo còn phải tiến hành một cuộc lựa chọn nữa, khó khăn hơn nhiều, đó là thành lập chính phủ mới. Kết quả cuộc bầu cử hôm 26-5 tại Bỉ cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa hai cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp ở miền nam, tiếng Hà Lan ở miền bắc, càng khiến tiến trình thành lập một chính phủ liên hiệp nhọc nhằn hơn. Hiện Nhà vua Phi-líp (Philippe) đã khởi động tham vấn các lãnh đạo chính trị về hình thành liên minh cầm quyền mới.

Còn tại Áo, lãnh đạo chính phủ trẻ tuổi nhất châu Âu, Thủ tướng G.Cuốt-xơ (Sebastian Kurz) đã bị phế truất sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Quốc hội, chỉ vài ngày sau bê bối tham nhũng của cộng sự là Phó Thủ tướng H.Xtrát (Heinz-Christian Strache). Một chính phủ tạm quyền sẽ được thành lập để chuẩn bị cho cuộc bầu cử trước hạn, dự kiến vào tháng 9 tới.

Thông điệp từ lựa chọn ảnh 1

Thủ tướng Abe Shinzo và Tổng thống Donald Trump thống nhất đẩy mạnh đàm phán giữa hai nước.

4 Mỹ và Nhật Bản đã lựa chọn làm dịu bất đồng, nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh giữa hai nước. Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump) là vị quốc khách đầu tiên của Nhà vua Nhật Bản, trong chuyến thăm vào thời điểm khởi đầu triều đại Lệnh Hòa (Reiwa) ở quốc gia Ðông - Bắc Á, càng làm nổi bật mối quan hệ nồng ấm và bền chặt, vì lợi ích của cả hai nước. Tuy nhiên, chỉ một chuyến thăm chưa thể loại bỏ nhiều bất đồng, trong đó nổi bật là tranh cãi thương mại, khác biệt quan điểm về các vấn đề hạt nhân Triều Tiên và I-ran (Iran). Ít nhất, hai bên đã đồng ý đẩy mạnh đàm phán, sớm cho ra đời một thỏa thuận thương mại song phương.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ P.Sa-na-han (Patrik Shanahan) cũng khởi động chuyến ngoại giao con thoi mới, lựa chọn lần này là các chặng dừng chân ở In-đô-nê-xi-a (Indonesia), Xin-ga-po (Singapore), Hàn Quốc và cả Nhật Bản. Chuyến công du của lãnh đạo Lầu năm góc khẳng định: châu Á tiếp tục là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ, với trọng tâm là chiến lược "Khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".