Thông điệp cứng rắn

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán, thảo luận đã kéo dài mà không đến đích, cùng nhiều vấn đề xuyên biên giới nổi cộm nghiêm trọng chưa được giải quyết, những thông điệp cứng rắn vừa được đưa ra mang lại hy vọng về sự thay đổi tốt đẹp hơn.

1 Kết quả thăm dò dư luận do báo The Daily Telegraph vừa thực hiện cho thấy: Hầu hết người dân Anh đều thể hiện sự ủng hộ đối với quyết định của Thủ tướng B.Giôn-xơn (B.Johnson) về việc đưa nước Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU) - Brexit - bằng mọi giá vào ngày 31-10 tới, kể cả phải đình chỉ Quốc hội trong trường hợp không đạt được thỏa thuận. Kết quả các cuộc thăm dò nói trên được công bố trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Giôn-xơn đang tìm kiếm một thỏa thuận với EU, song không loại trừ khả năng đình chỉ cơ quan lập pháp để ngăn chặn những nỗ lực của các nghị sĩ nhằm ngăn cản Brexit không thỏa thuận.

Trong bối cảnh thời hạn chót về Brexit đang tới gần, Anh cũng đã lên kế hoạch dự phòng sẵn sàng ứng phó với “Brexit cứng”. Bộ trưởng Tài chính Anh X.Gia-vít (S.Javid) đã công bố gói chi ngân sách 2,1 tỷ bảng Anh hỗ trợ tiến trình nước này rời EU mà không có thỏa thuận vào cuối tháng 10. Theo đó, lập tức giải ngân 1,1 tỷ bảng Anh cho các lĩnh vực có thể chịu thiệt hại nghiêm trọng do “Brexit cứng” và một tỷ bảng Anh còn lại sẽ được chi cho các trường hợp cần thiết. Đây được xem là nỗ lực của Chính phủ Anh trong việc kiểm soát những rủi ro phát sinh do Brexit không thỏa thuận.

2 Goa-tê-ma-la (Guatemala) đang cân nhắc lại thỏa thuận di cư với Mỹ, sau tuyên bố của Tổng thống đắc cử A.Giam-ma-tây (A.Giammattei) cho rằng thỏa thuận “nước thứ ba an toàn” mà nước này đã nhất trí với Mỹ cần phải được Quốc hội xem xét.

Thông điệp cứng rắn ảnh 1


“Nước thứ ba an toàn” là khái niệm Oa-sinh-tơn (Washington) đặt ra cho kế hoạch ngăn chặn dòng người di cư (ảnh bên) từ các nước Nam và Trung Mỹ tới Mỹ. Theo đó, các quốc gia trên đường trung chuyển của những người di cư phải cam kết cấp quy chế tị nạn cho nhóm đối tượng này trong thời gian chờ đợi được làm thủ tục nhập cảnh vào Mỹ một cách hợp pháp. Những nước ký thỏa thuận “nước thứ ba an toàn” phải đối mặt với việc chăm lo cho những người di cư này một cách lâu dài nếu họ bị chính quyền Mỹ từ chối nhập cảnh. Mỹ từng cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại mới, áp thuế hoặc nâng phí đối với nguồn kiều hối đổ về Goa-tê-ma-la nếu như nước này từ chối thỏa thuận là “nước thứ ba an toàn”. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do báo Prensa Libre thực hiện, có tới 82% số người Goa-tê-ma-la được hỏi kịch liệt phản đối thỏa thuận “nước thứ ba an toàn” với Mỹ.

3 Bộ Môi trường Đức và Hiệp hội doanh nghiệp địa phương của Đức (VKU) cho biết: Đức có kế hoạch buộc các nhà sản xuất nhựa dùng một lần trả phí dọn dẹp đường phố. Bộ trưởng Môi trường Đức X.Sun-dơ (S.Schulze) cho rằng xu hướng sử dụng các vật dụng dùng một lần đang gây ra tình trạng “lụt” rác thải tại một số thành phố (ảnh dưới), đặc biệt là tại các khu công viên và đường phố đông đúc. Điều này khiến các thành phố Đức gặp khó khăn trong việc giữ vệ sinh đường phố và các khu công cộng trong khi người dân phải gánh chịu khoản phí cho hoạt động này.

Thông điệp cứng rắn ảnh 2


Bộ Môi trường Đức có kế hoạch đưa ra một số điều kiện buộc các nhà sản xuất thuốc lá, cốc và một số sản phẩm dùng một lần khác phải đóng góp tài chính cho việc dọn dẹp và làm sạch đường phố. Trong khi đó, VKU khẳng định các nhà sản xuất nhựa sẽ sớm phải trả phí khắc phục hậu quả về môi trường từ mô hình kinh doanh các sản phẩm dùng một lần của những hãng này.

4 Theo Chính phủ Xin-ga-po (Singapore): Từ năm 2021, nước này sẽ triển khai lệnh cấm trong nước bán mọi sản phẩm ngà voi, trong bối cảnh “đảo quốc Sư tử” tăng cường chiến dịch chống nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Thông báo được đưa ra đúng vào Ngày Voi thế giới 12-8 và sau hai năm chính quyền tham vấn với cộng đồng người dân, các nhóm phi chính phủ cũng như những nhà bán lẻ tại Xin-ga-po.

Ủy ban Công viên quốc gia Xin-ga-po cho biết quyết định cấm bán ngà voi trong nước có hiệu lực từ ngày 1-9-2021. Những người vi phạm sẽ đối mặt với án tù tới một năm, ngoài các mức phạt tiền. Những người buôn bán có thể chuyển các sản phẩm ngà voi của họ cho cơ quan chức năng hoặc giữ lại sau khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực. Từ năm 1990, Xin-ga-po đã ban hành lệnh cấm buôn bán mọi sản phẩm từ ngà voi ở quy mô quốc tế.