Thêm những nguy cơ

Các cuộc đối thoại bất thành đang khiến nguy cơ đối đầu, mâu thuẫn gia tăng. Trong khi đó, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang ngày một lớn hơn, đặt hàng triệu người dân đối diện với chiến tranh và nghèo đói.

Thêm những nguy cơ

1 Quan hệ Mỹ - Triều Tiên có nguy cơ xấu đi, trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc không giảm quy mô tập trận chung, còn Bình Nhưỡng chỉ trích gay gắt các cuộc tập trận này. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ P.Sa-na-han (P.Shanahan) cho biết, Mỹ không giảm quy mô các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc mà còn đang tăng cường năng lực quân sự.

Trước động thái này, truyền thông Triều Tiên coi đây là hành động “gây hấn quân sự” chống Bình Nhưỡng và “dội gáo nước lạnh” vào những nỗ lực hòa bình rất khó khăn để có thể đạt được trên Bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng khẳng định, các cuộc tập trận, trong đó có việc gần đây triển khai một tàu tuần duyên của Mỹ với nhiệm vụ hỗ trợ thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ, là hành động chống Triều Tiên.

2 Trưởng đoàn đàm phán về vấn đề Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU) M.Bác-ni-ê (M.Barnier) cảnh báo: Nguy cơ diễn ra kịch bản “Brexit không thỏa thuận” trong thực tế đang cao lên từng ngày, nhưng EU vẫn hy vọng có thể tránh được viễn cảnh này. Ông cũng cho biết, EU đã sẵn sàng chấp nhận Anh ở lại liên minh thuế quan EU, hoặc duy trì một mối liên hệ với EU tương tự như mô hình Na Uy hiện tại. Ông Bác-ni-ê kêu gọi Anh nói rõ hướng đi tiếp, hoặc đưa ra một kế hoạch cụ thể.

Nhà đàm phán người Pháp cho rằng Anh hiện có ba lựa chọn trước ngày 12-4, khi quốc gia này chính thức rời EU theo lịch gia hạn Brexit mà hai bên đạt được cuối tháng 2 vừa qua. Một là lựa chọn ủng hộ thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đã đạt được hồi cuối năm 2018, đồng thời tái khẳng định đây là cách duy nhất để Anh ra đi một cách có trật tự. Những kịch bản khác bao gồm Brexit không thỏa thuận hoặc trì hoãn Brexit trong thời gian dài. Ông Bác-ni-ê nhấn mạnh kịch bản không thỏa thuận là điều mà EU chưa bao giờ mong muốn và cũng không nằm trong ý định chung của toàn khối. Ông Bác-ni-ê cũng lưu ý việc chuẩn bị cho kịch bản không thỏa thuận không có nghĩa là mọi việc sẽ thuận lợi, vẫn có những sự gián đoạn và những vấn đề phát sinh.

3 Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo: Tăng trưởng kim ngạch thương mại toàn cầu trong năm 2019 sẽ thấp hơn so với năm 2018, do bất ổn kinh tế và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng. Trong bản dự báo hằng năm vừa được công bố, WTO dự báo kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ tăng 2,6% trong năm nay, thấp hơn so với mức tăng 3% trong năm 2018 và dưới mức dự báo 3,7% được đưa ra trước đó. WTO nhận định: Trao đổi thương mại đã chịu sức ép bởi chính sách áp thuế bổ sung cùng những biện pháp trả đũa, tăng trưởng kinh tế yếu kém, thị trường tài chính dễ biến động và chính sách thắt chặt tiền tệ tại những nước phát triển.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WTO R.Cúp-man (R.Koopman) đánh giá: Tình hình thương mại có thể tồi tệ hơn, nếu Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (D.Trump) triển khai kế hoạch áp mức thuế cao đối với ô-tô nhập khẩu cuối năm nay. Trao đổi thương mại Mỹ - Trung Quốc chiếm khoảng 3%, trong khi hoạt động xuất nhập khẩu ô-tô trên thế giới chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Do đó, những tác động lên kinh tế toàn cầu từ việc áp thuế bổ sung đối với ô-tô nhập khẩu sẽ lớn hơn nhiều so với tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.

4 Báo cáo hằng năm về khủng hoảng lương thực toàn cầu do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vừa công bố trong tuần qua cho thấy: Chiến tranh, các hiện tượng thời tiết cực đoan và bất ổn kinh tế năm 2018 đã đẩy hơn 113 triệu người tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới rơi vào cảnh thiếu lương thực. Theo các nhà phân tích, xu hướng số người đói ăn trên thế giới vượt hơn 100 triệu người mỗi năm nhiều khả năng không thay đổi khi khủng hoảng lương thực tiếp diễn.

Theo báo cáo, châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất do khủng hoảng lương thực năm 2018, khi gần 72 triệu người tại “lục địa đen” thiếu ăn trầm trọng. FAO dự đoán: Tác động của biến đổi khí hậu và xung đột sẽ tiếp tục gây ra tình trạng mất an ninh lương thực trong năm tới. Hiện tượng En Ni-nô (El Nino) cũng như thời tiết hanh khô nhiều khả năng sẽ tác động đến các khu vực miền nam châu Phi, Mỹ la-tinh và vùng Ca-ri-bê (Caribe).

Thêm những nguy cơ ảnh 1