Ðổi thay

Những cuộc “thay ngựa giữa dòng” đã diễn ra trong khi các kế hoạch lớn bị đảo lộn và ngay cả thời tiết cũng chuyển biến bất thường. Một loạt những thay đổi lớn đã diễn ra để ứng phó trong tình thế khẩn cấp, dù kết quả của những thay đổi này ra sao vẫn phải chờ “hạ hồi phân giải”.

Ðổi thay

1 Ma-lai-xi-a (Malaysia) đã bất ngờ có Thủ tướng mới thay thế ông M.Mô-ham-mát (M.Mohamad), sau khi Chủ tịch điều hành đảng Bersatu M.Y-a-xin (M.Yassin) đã nhậm chức Thủ tướng thứ tám của Ma-lai-xi-a. Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng tối 2-3, tân Thủ tướng Ma-lai-xi-a M.Y-a-xin đã kêu gọi sự ủng hộ của người dân để ông thực thi chức trách của mình.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng M.Mô-ham-mát, ứng cử viên thủ tướng của Liên minh Hy vọng (PH) cho biết, PH sẽ tìm cách kêu gọi Hạ viện Ma-lai-xi-a họp khẩn cấp để xác định ai mới là ứng cử viên thủ tướng hợp pháp. Theo cựu Thủ tướng M.Mô-ham-mát, ông M.Y-a-xin không phải là thủ tướng “hợp pháp” vì không có được sự ủng hộ cần thiết từ các nghị sĩ. Tuy nhiên, Quốc hội Ma-lai-xi-a có thể hoãn kỳ họp ngày 9-3 nhằm tạo điều kiện cho tân Thủ tướng M.Y-a-xin thành lập nội các. Thời gian dự kiến tổ chức phiên họp này vẫn đang được bàn thảo. Giới phân tích nhận định việc hoãn kỳ họp giúp tân Thủ tướng tạm thời tránh được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm do phe của cựu Thủ tướng M.Mô-ham-mát khởi xướng. Theo điều 55 của Hiến pháp Ma-lai-xi-a, tân Thủ tướng M.Y-a-xin có quyền đề xuất hoãn kỳ họp Quốc hội tối đa trong sáu tháng.

2 Dòng người di cư ồ ạt (ảnh trên) trong những ngày qua làm tái hiện cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu năm 2015-2016, khi đó Áo ở vị trí như một hành lang để hàng trăm nghìn người di cư đi qua Hy Lạp và các nước Ban-căng (Balkan) vào Ðức. Bộ trưởng Nội vụ Áo C.Nê-ha-mơ (K.Nehammer) tuyên bố nước này sẽ chặn bất kỳ người di cư nào tìm cách vượt biên giới vào Áo, nếu các biện pháp ngăn chặn người di cư tại Hy Lạp và ở khu vực Ban-căng không có tác dụng. Thủ tướng Áo X.Cuốt-dơ (S.Kurz), người có quan điểm cứng rắn về chính sách nhập cư, cam kết sẽ không để lặp lại kịch bản của năm 2015.

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đến nay đã có hơn 80.000 người di cư bất hợp pháp vượt qua biên giới phía tây-bắc Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu và con số này có thể còn tăng trong những ngày tới. Cuối tháng 2 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ cho phép người di cư vượt qua biên giới nước này vào châu Âu, bất chấp theo thỏa thuận năm 2016 với Liên hiệp châu Âu (EU) An-ca-ra (Ankara) cam kết giữ người di cư ở trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ðộng thái này của Thổ Nhĩ Kỳ được xem là nhằm gây sức ép để EU tăng cường hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn xuất phát từ cuộc xung đột tại Xy-ri (Syria).

3 Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cân nhắc thu hẹp quy mô các hội nghị mùa xuân dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới, hoặc thay đổi cách thức họp theo mô hình trực tuyến. Theo kế hoạch, các hội nghị mùa xuân sắp tới của IMF và WB sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19-4, quy tụ khoảng 10.000 quan chức chính phủ, các nhà báo, nhà kinh doanh và đại diện các tổ chức từ khắp nơi trên thế giới tới Oa-sinh-tơn (Washington, Mỹ). Tuy nhiên, sự lây lan của dịch Covid-19 đang gây lo ngại trong IMF và WB về những nguy cơ có thể xảy ra khi hàng nghìn đại biểu đến từ 189 quốc gia thành viên sẽ tiếp xúc gần với nhau tại các hội nghị.

Những ngày gần đây, IMF đã cảnh báo về nguy cơ tác động kinh tế nghiêm trọng do dịch Covid-19 lan rộng bên ngoài Trung Quốc, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 khoảng 0,1% trong bối cảnh các thị trường tài chính liên tiếp lao dốc trong nhiều ngày do dịch lây lan nhanh ở châu Á, châu Âu và cả châu Phi.

4 Những thay đổi lớn về khí hậu đã diễn ra tại Ô-xtrây-li-a (Australia) khi mùa hè ở nước này dài hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Kết quả phân tích do Viện Nghiên cứu Ô-xtrây-li-a công bố ngày 2-3 cho thấy mùa hè ở nước này đang kéo dài hơn một tháng hoặc hơn, trong khi mùa đông đang ngắn đi.

Nghiên cứu cho thấy mỗi năm nhiều khu vực của Ô-xtrây-li-a có thêm 31 ngày hè so với những năm 50 của thế kỷ trước. Trong khi đó, mùa đông ở Ô-xtrây-li-a lại ngắn hơn so với trước đây. Ðiển hình là tại Thủ đô Can-bơ-rơ (Canberra), mùa đông đã giảm 35 ngày, trong khi tại thành phố Bri-xbên (Brisbane), miền đông Ô-xtrây-li-a, mùa đông giảm 31 ngày. Theo các nhà khoa học, khí hậu toàn cầu ấm lên đang khiến cho mùa hè ở Ô-xtrây-li-a ngày càng nguy hiểm khi những trận cháy rừng (ảnh dưới) tăng mạnh, nắng nóng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân cũng như nền kinh tế của nước này. Trong khi đó, thời gian mùa đông để chuẩn bị công tác phòng, chống cháy rừng thì lại ít đi.

Ðổi thay ảnh 1