Nỗ lực đến cùng

Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống vẫn vô cùng nghiêm trọng; những cuộc đàm phán vẫn bị kéo dài và không thể “về đích” sau nhiều lần đặt ra hạn chót… Thực tế đó buộc các tổ chức, quốc gia trên thế giới vẫn phải tiếp tục nỗ lực “biến nguy thành an”.

Nỗ lực đến cùng

1 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến hành phiên họp trực tuyến thảo luận hoạt động của Lực lượng quan sát viên của LHQ tại Cao nguyên Gô-lan (UNDOF) và xem xét gia hạn nhiệm vụ của lực lượng này trước khi hết hạn vào ngày 30-6 tới. Báo cáo định kỳ của Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét (A.Guterres) cho biết: Thỏa thuận ngừng bắn về cơ bản được duy trì trên thực địa, tuy nhiên có dấu hiệu gia tăng số vụ vi phạm Thỏa thuận rút lực lượng giữa I-xra-en (Israel) và Xy-ri (Syria) ký hồi năm 1974 với các vụ bắn qua khu vực giãn cách, di chuyển qua ranh giới kiểm soát, tập trung lực lượng ở khu vực hạn chế…

Mặc dù vậy, UNDOF vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Giám sát ngừng bắn LHQ (UNTSO) để triển khai tuần tra, giữ liên lạc với các bên liên quan. Hiện các hoạt động của UNDOF bị ảnh hưởng do các biện pháp hạn chế của các nước trong khu vực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, cũng như những rủi ro từ số lượng bom, mìn còn sót lại.

2 Bộ trưởng thương mại các nước châu Á - Thái Bình Dương tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã bàn thảo về khả năng đưa Ấn Độ trở lại lộ trình đàm phán. Các cuộc đàm phán về RCEP (ảnh bên) - một hiệp định thương mại tự do dự kiến sẽ giúp hạ bớt thuế quan và đặt ra các quy tắc về đầu tư, sở hữu trí tuệ - đã bắt đầu kể từ năm 2013. Song các nước thành viên đã nhiều lần không đạt được đúng thời hạn để ký kết một thỏa thuận sau cùng.

Từ cuối năm 2019, 15 nước tham gia đàm phán - gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a (Australia) và Niu Di-lân (New Zealand) - đã nhất trí nỗ lực đi đến ký kết thỏa thuận vào cuối năm 2020. Song, Ấn Độ - nước vốn không sẵn sàng mở cửa thị trường do lo ngại thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng - đã không tham dự các cuộc đàm phán sau đó. Các nước ASEAN tham gia đàm phán đang tìm cách thuyết phục Ấn Độ quay trở lại, tuy nhiên, một số nước tỏ ý vẫn sẵn sàng ký kết bản thỏa thuận chỉ có 15 quốc gia. Chiếm khoảng 30% tổng GDP toàn cầu, RCEP sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và tác động của nó vượt ra khỏi tầm khu vực. Khi được thực thi, RCEP được kỳ vọng giúp tăng trưởng GDP của 15 nước thành viên sẽ đạt 137 tỷ USD, hoặc 171 tỷ USD, khi khối có đủ 16 thành viên.

3 Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Lây-en (U.Leyen) kêu gọi các nước giàu sẵn sàng chia sẻ với các nước nghèo hơn mọi loại vắc-xin phòng vi-rút SARS-CoV-2 gây Covid-19 được bào chế (ảnh dưới) trong tương lai. Bà Lây-en kêu gọi các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) hợp tác với nhau “thay vì cạnh tranh có hại” để tìm ra vắc-xin. Theo đó, các nước có thu nhập cao nên hành động như một nhóm mua chung, qua đó dự trữ đủ vắc-xin cho các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Nỗ lực đến cùng ảnh 1

Dự kiến, Chủ tịch EC sẽ công bố một kế hoạch hành động của EU, trị giá khoảng 2,4 tỷ ơ-rô, theo đó EU sẽ đứng ra thương lượng mua trước sáu loại vắc-xin tiềm năng trước khi được bào chế, bất chấp khả năng thất bại trong thử nghiệm lâm sàng. Đổi lại, EU sẽ được quyền tiếp cận ưu tiên với những lô vắc-xin đầu tiên.

4 Facebook thông báo đã xóa gần 900 tài khoản liên quan các nhóm Proud Boys và American Guard, tình nghi lợi dụng các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ để kích động hận thù. Facebook cho biết đã xóa hơn 500 tài khoản Facebook và hơn 300 tài khoản Instagram trong đợt rà soát thực trước đó.

Facebook hiện bị giám sát chặt chẽ, sau khi nhiều băng nhóm kích động lợi dụng các nền tảng trực tuyến của công ty này để kết nối và tuyển dụng thành viên. Công ty cũng đã có những biện pháp ngăn chặn khả năng tìm kiếm những nhóm ủng hộ phong trào Boogaloo chống chính phủ tại Mỹ. Những đối tượng tham gia phong trào Boogaloo thường có vũ trang và reo rắc thông tin về khả năng xảy ra nội chiến. Một số đối tượng tìm cách trà trộn vào các cuộc biểu tình để kích động bạo lực, với mục đích làm leo thang bạo lực trên diện rộng.