Những thỏa thuận quan trọng

Một loạt thỏa thuận quan trọng đã đạt tiến triển đáng kể, hoặc được ký kết giữa các quốc gia trong bối cảnh các bên phải bắt tay hợp tác để cùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hợp lực đối phó những thách thức ngày càng nghiêm trọng.

Hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản sẽ là một cơ hội phát triển dành cho kinh tế Anh hậu Brexit.
Hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản sẽ là một cơ hội phát triển dành cho kinh tế Anh hậu Brexit.

1. Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo quốc gia này và Ba Lan đã hoàn tất đàm phán Thỏa thuận nâng cấp hợp tác quốc phòng (EDCA), cho phép Oa-sinh-tơn (Washington) tăng cường hiện diện quân sự tại Ba Lan. Thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc E-xpơ (Mark Esper) nêu rõ EDCA sẽ cho phép Mỹ tăng quân số hiện diện luân phiên dài hạn tại Ba Lan thêm 1.000 người, bổ sung cho lực lượng tổng cộng 4.500 binh lính Mỹ đang được triển khai luân phiên tại quốc gia nằm ở sườn phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này.

Đáng chú ý, việc đàm phán EDCA hoàn tất chỉ vài ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (D.Trump) công bố kế hoạch tái bố trí gần 12.000 binh lính nước này đóng quân tại Đức. Trong số các binh lính Mỹ chuẩn bị được rút khỏi Đức có 5.600 binh lính sẽ được điều động tới các quốc gia khác trong NATO và phần còn lại sẽ trở về Mỹ, trong đó một số sẽ được triển khai luân phiên trở lại châu Âu. 

2. Trước thềm chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản T.Mô-tê-ghi (T.Motegi) tới Luân Đôn, người phát ngôn của Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn (B.Johnson) cho biết, Anh và Nhật Bản tiến gần tới thỏa thuận thương mại song phương và các cuộc thảo luận sẽ nhanh chóng được hoàn tất. Chính phủ Anh và Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực đạt một thỏa thuận thương mại có hiệu lực trước cuối năm 2020, do thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Nhật Bản không còn được áp dụng đối với Anh sau khi nước này đã rời khỏi khối vào ngày 31-1 năm nay. 

Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2019 đạt 38 tỷ USD, với Nhật Bản là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ 11 của Anh, trong khi Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 12 của Nhật Bản. Thỏa thuận thương mại mới giữa hai nước sẽ giúp tăng cường thương mại, thúc đẩy đầu tư và tạo thêm việc làm sau những thách thức kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Cả hai bên đều cam kết về một mốc thời gian đầy tham vọng để bảo đảm một thỏa thuận vượt xa hơn cả thỏa thuận hiện có giữa EU và Nhật Bản, đặc biệt là về kỹ thuật số và dữ liệu số.

Việc đàm phán với Nhật Bản là một bước đệm quan trọng trong việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ưu tiên chính của Vương quốc Anh, sẽ giúp Anh đa dạng hóa thương mại và phát triển kinh tế.

3. Ác-hen-ti-na (Argentina) thông báo đạt thỏa thuận với ba nhóm chủ nợ để tái cấu trúc khoản nợ xấu quốc gia trị giá 65 tỷ USD, giúp quốc gia Nam Mỹ này thoát khỏi tình trạng vỡ nợ và giảm sức ép đối với nền kinh tế vốn đang phải trải qua giai đoạn suy thoái kéo dài suốt hơn hai năm qua. Ác-hen-ti-na cũng sẽ kéo dài thời hạn đàm phán để các bên có thêm thời gian hoàn tất thỏa thuận tới ngày 24-8, thêm 20 ngày so với thời hạn ban đầu. 

Là một trong những quốc gia sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ la-tinh đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ do không thể thanh toán được khoản lãi suất khoảng 500 triệu USD của ba loại trái phiếu đã đáo hạn hồi tháng 5. Tổng số nợ công của Ác-hen-ti-na hiện vào khoảng 324 tỷ USD, tương đương gần 94% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Với thỏa thuận này, Ác-hen-ti-na sẽ giảm được 37,7 tỷ USD số tiền mà nước này phải thanh toán trong 10 năm tới, đồng thời khôi phục được tính tự chủ của nền kinh tế để có thể đầu tư nguồn lực cho công cuộc phát triển đất nước.

5_1-1596848069607.jpg
Ác-hen-ti-na đang dần thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế dai dẳng. 

4. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống, theo kế hoạch diễn ra vào ngày 9-8, Tổng thống Bê-la-rút (Belarus) A.Lu-ca-sen-cô (A.Lukashenko) đã cam kết duy trì mối quan hệ đồng minh chặt chẽ với Nga. Tổng thống Lu-ca-sen-cô cho rằng quan hệ đối tác giữa hai nước láng giềng phản ánh các mối liên kết lịch sử và Nga luôn là đồng minh thân thiết dù bất cứ người nào nắm quyền ở Bê-la-rút hay Nga.

Trước đó, Nga khẳng định không bao giờ có kế hoạch làm ảnh hưởng tới một quốc gia đồng minh sau khi Bê-la-rút thông báo bắt giữ 33 nam công dân Nga mà phía này cho là những lính đánh thuê tham gia một nhiệm vụ phá hoại cuộc bầu cử tổng thống tại quốc gia này. Người phát ngôn điện Crem-li (Kremlin) Đ.Pê-xcốp (D.Peskov) khẳng định những cáo buộc cho rằng các tổ chức của Nga đang cử người tới làm bất ổn tình hình ở Bê-la-rút hoàn toàn vô căn cứ. Ông khẳng định Nga và Bê-la-rút luôn là những đồng minh và đối tác rất thân thiết.