Những sứ mệnh nhọc nhằn

Tìm kiếm các cam kết hợp tác và gây dựng lòng tin là trọng trách lớn của Tổng thống I-ran (Iran) khi thăm châu Âu, là sứ mệnh nhọc nhằn của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ trong chuyến công du Đông - Bắc Á. Và đó cũng là nhiệm vụ cấp bách của NATO tại kỳ Hội nghị cấp cao lần này.
Những sứ mệnh nhọc nhằn

1 Kết quả được đánh giá là “khá khiêm tốn” trong chuyến công du CHDCND Triều Tiên tuần trước, nhất là việc không có cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Ưn (Kim Jong-un), cho thấy sứ mệnh của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo (Mike Pompeo) lần này vô cùng nhọc nhằn. Trong lần thứ ba tới Bình Nhưỡng và là lần đầu sau Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều hồi tháng 6, ông Pom-peo mang trọng trách lớn là kích hoạt triển khai nội dung phi hạt nhân hóa trong thỏa thuận cấp cao Mỹ - Triều. Ấy là chưa kể, áp lực từ những hoài nghi ở Mỹ về cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn càng khiến dư luận hạ thấp kỳ vọng về kết quả chuyến công du.

Sau đàm phán khó khăn, là những tuyên bố dường như trái chiều. Phía Mỹ thông báo “đã đạt bước tiến” trong thương lượng. Còn Triều Tiên lại “tiếc về kết quả đàm phán”, vì Mỹ đơn phương đưa ra đòi hỏi thái quá. Rời Bình Nhưỡng, ông Pom-peo khẳng định Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt Triều Tiên.

2 Tiến trình Brexit của nước Anh đã khó lại thêm khó, sau khi Bộ trưởng Đ.Đây-vi (David Davis) phụ trách vấn đề này bất ngờ từ chức, do bất đồng với Thủ tướng T.Mây (Theresa May) về kế hoạch chi tiết cho việc Anh rời EU, cùng trong một ngày, nối gót ông Đây-vi rời số 10 phố Đao-ninh (Downing), là ngoại trưởng B.Giôn-xơn (Boris Johnson) cũng từ chức, với lý do tương tự.

Diễn biến mới này không chỉ buộc Thủ tướng Mây phải cải tổ chính phủ nhằm bảo đảm tiếp tục các cuộc đàm phán với EU, mà còn khiến tiến trình Brexit tăng phần gian nan. Đồng thời cho thấy bất đồng nội bộ chính quyền Luân Đôn (London) chung quanh “kế hoạch mềm” của bà Mây, vốn bị chỉ trích có thể đẩy Anh vào thế yếu nhất trong đàm phán với EU. Sự ra đi của quan chức gắn bó và chịu trách nhiệm chính về đàm phán Brexit từ năm 2016 cho thấy các cuộc tranh luận nội bộ Luân Đôn vẫn chưa thể kết thúc, đe dọa ảnh hưởng tiêu cực mục tiêu Anh rời EU vào tháng 3-2019.

3 Trong các chủ đề thảo luận chính tại Hội nghị cấp cao NATO năm nay, mục tiêu đạt đồng thuận về chia sẻ gánh nặng tài chính giữa các thành viên nổi bật hơn cả. Thực tế, mới chỉ có tám trong số 29 thành viên NATO đã đáp ứng hoặc dự kiến trong năm nay hoàn tất mục tiêu chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng, đó là điều Mỹ không chấp thuận. Trước những động thái chỉ trích mạnh mẽ và bất thường của Tổng thống Mỹ, các thành viên NATO ở châu Âu chịu sức ép lớn, làm sao để ngăn kỳ hội nghị năm nay thành “cuộc so găng” giữa chính các đồng minh hai bờ Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng và không kém tính cấp thiết so việc chia sẻ gánh nặng tài chính, đó là sứ mệnh của NATO phù hợp bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, đa chiều và phức tạp hơn nhiều so thời kỳ liên minh quân sự ra đời năm 1949. Không chỉ còn là bảo vệ Tây Âu, hoạt động của NATO nay đã trải rộng nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều nhiệm vụ đang trở nên khó thực hiện khi các thành viên chia rẽ sâu sắc, nhất là trong vấn đề nhập cư, chống khủng bố...

4 Trận lụt kinh hoàng nhấn chìm đất nước Nhật Bản hiện đã khiến hơn 180 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, gần 300 nghìn người bị cắt đi những tiện nghi sinh hoạt cơ bản, 56 tuyến đường sắt ngưng trệ hoàn toàn, và cả một khu vực rộng lớn ở miền tây Nhật Bản bị tàn phá nghiêm trọng. Đến lúc này, nguy cơ sạt lở đất và những mối hiểm họa khác cũng vẫn còn đang bao trùm trên “xứ sở mặt trời mọc”.

Những sứ mệnh nhọc nhằn ảnh 1

Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê (Shinzo Abe) đã phải dừng khẩn cấp một chuyến công du nước ngoài, để ở lại chỉ đạo công tác cứu trợ. Đồng thời, công tác cứu hộ vẫn đang được khẩn trương xúc tiến, với sự chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ của cả cộng đồng quốc tế. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng cũng đã ngay lập tức gửi điện thăm hỏi và chia sẻ với nhân dân Nhật Bản.

Thảm họa thiên tai này một lần nữa khẳng định: Trong tiến trình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khắc nghiệt, không quốc gia nào, dù ở mức độ phát triển cao hàng đầu thế giới như Nhật Bản, có thể là ngoại lệ. Sẵn sàng ứng phó bằng các kế hoạch cụ thể, cùng sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế trong việc cố gắng đẩy lùi tiến trình biến đổi khí hậu ấy, phòng ngừa mọi khả năng xấu, nỗ lực giảm thiểu các thiệt hại… là cách duy nhất để loài người chống chọi với thiên tai.