Những nguy cơ lớn

Những nguy cơ lớn cả từ thiên tai và “nhân tai” đang rình rập đe dọa ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, các hồi chuông cảnh báo và giải pháp cấp bách là cần thiết để cứu vãn tình hình trước khi quá muộn.

Những nguy cơ lớn

1 Một lệnh ngừng bắn lâu dài cũng như một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Li-bi (Libya) đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ (ảnh trên), khi Chính phủ đoàn kết dân tộc Li-bi (GNA) - được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận - thông báo đã đình chỉ việc tham gia đàm phán ở Giơ-ne-vơ (Geneva, Thụy Sĩ), sau khi Lực lượng Quân đội Quốc gia Li-bi (LNA) tiến công cảng biển ở Thủ đô Tơ-ri-pô-li (Tripoli) ngày 18-2. Theo GNA, mọi cuộc đàm phán đều vô nghĩa nếu không có một lệnh ngừng bắn lâu dài cho phép những người tha hương trở về nhà cũng như bảo đảm an ninh cho Thủ đô Tơ-ri-pô-li và các thành phố khác trước mọi mối đe dọa.

Tuyên bố trên của GNA được đưa ra trong bối cảnh các quan chức cấp cao thuộc quân đội Li-bi và lực lượng ở miền đông khởi động vòng đàm phán thứ hai về một lệnh ngừng bắn do LHQ bảo trợ ở Giơ-ne-vơ. Tuy nhiên, kể từ khi lệnh ngừng bắn mong manh được thông báo ngày 12-2, đến nay đã ghi nhận 150 vi phạm đối với lệnh ngừng bắn. Những vi phạm này càng gây khó khăn cho nỗ lực được LHQ bảo trợ nhằm hướng đến một lệnh ngừng bắn lâu dài cũng như một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Li-bi.

2 Quan hệ giữa I-ran (Iran) và I-xra-en (Israel) có nguy cơ gia tăng căng thẳng khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ran A.Mu-xa-vi (A.Mousavi) cảnh báo: Nước này sẽ đáp trả mạnh mẽ bất cứ hành động nào của I-xra-en chống lại các lợi ích của I-ran trong khu vực hoặc ở Xy-ri (Syria). Hãng thông tấn Mehr vừa dẫn lời ông A.Mu-xa-vi đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh các quan chức I-ran cáo buộc I-xra-en tiến hành các hoạt động nhằm vào các lực lượng quân sự ở Xy-ri đồng minh của Tê-hê-ran (Tehran).

Ðại giáo chủ I-ran A.Kha-mê-ni (A.Khamenei) mới đây cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhóm vũ trang Pa-le-xtin (Palestine) và kêu gọi người Pa-le-xtin phản đối Kế hoạch hòa bình Trung Ðông của Mỹ.

3 Phát biểu tại Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu diễn ra ở Ðu-bai (Dubai), Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) trong tuần qua, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) C.Gioóc-giê-va (K.Georgieva) vừa cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể suy giảm ở mức 0,1-0,2% do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, bà cho rằng tác động toàn diện của dịch đối với kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc tốc độ kiểm soát dịch bệnh này và còn “quá sớm” để đánh giá điều này do hiện mới chỉ thấy được tác động đối với các lĩnh vực du lịch và giao thông vận tải.

Theo Tổng giám đốc IMF, nếu dịch Covid-19 được nhanh chóng khống chế, kinh tế toàn cầu có thể sẽ chứng kiến sự suy giảm và sau đó là sự phục hồi nhanh chóng. So sánh tác động của dịch Covid-19 hiện nay với dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) hồi năm 2003, bà C.Gioóc-giê-va cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc khi đó chỉ chiếm 8% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong khi con số này ngày nay là 19%. Bà cho biết thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, đã giúp giảm tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu.

4 Tại hội nghị Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tại trụ sở LHQ, Chủ tịch IPU G.Ba-rôn (G.Barron) thẳng thắn chỉ ra rằng thế giới đang đối mặt với “một cuộc khủng hoảng giáo dục toàn cầu”. Hiện có khoảng 670 triệu người trưởng thành mù chữ. Ðến năm 2030, khoảng 258 triệu trẻ em không được đến trường (ảnh dưới), cả thế giới thiếu khoảng 69 triệu giáo viên và hiện cần phải có khoảng 39 tỷ USD để xây trường lớp cũng như nâng cao năng lực giáo dục cho các cơ sở đào tạo trên thế giới. Bà G.Ba-rôn kêu gọi chính phủ các nước cần thảo luận và ký các thỏa thuận quốc tế để đưa vấn đề ưu tiên cho giáo dục thành luật và chi ngân sách phù hợp cho lĩnh vực này.

Trong khi đó, Chủ tịch Ðại hội đồng (ÐHÐ) LHQ T.Ban-đê (T.Bande) đã nhấn mạnh giáo dục là vấn đề được ưu tiên hàng đầu tại khóa 74 ÐHÐ LHQ và là một trong các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Tuy nhiên, hiện có ít nhất 25% số quốc gia trên thế giới không bảo đảm chi đủ 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và ít nhất 15% các khoản chi công cho giáo dục, mà đây là một trong các tiêu chí LHQ đưa ra để đạt được mục tiêu phát triển giáo dục bền vững.

Những nguy cơ lớn ảnh 1