Những ngã rẽ mịt mờ

Đã có khá nhiều bước ngoặt diễn ra trên một số tiến trình đáng chú ý trong dòng sự kiện quốc tế tuần qua. Tuy nhiên, không ai dám chắc, những thay đổi này sẽ thật sự tạo được hiệu ứng như thế nào.

Những ngã rẽ mịt mờ

1 Những đồn đoán về một “Mùa xuân A-rập” ở châu Phi rộ lên sau những bước ngoặt trên chính trường các nước An-giê-ri (Algeria) và Xu-đăng (Sudan), khi các nhà lãnh đạo lâu năm phải “ra đi” do sức ép của quân đội. Tuần qua, Xu-đăng nổi lên thành điểm nóng bất ổn mới nhất ở châu Phi, sau khi quân đội phế truất Tổng thống O.Ba-sia (Omar Al-Bashir), tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước, đình chỉ Hiến pháp và ban bố tình trạng khẩn cấp. Dư luận quốc tế phản đối cuộc “đảo chính quân sự”, và nghi ngại bùng lên liên quan tới tiến trình chuyển tiếp do quân đội dẫn dắt, khi chưa có cơ sở bảo đảm lực lượng quân sự có thể đưa ra kế hoạch cụ thể về thời điểm, cách thức chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự. Cuộc khủng hoảng ở Xu-đăng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất kiểm soát.

Sau bước ngoặt chính trị, tiến trình chuyển tiếp tại An-giê-ri lại đứng trước thách thức lớn, khi kế hoạch bầu cử chưa chắc chắn diễn ra đúng thời điểm được Tổng thống tạm quyền A.Ben-xa-la (Abdelkader Bensalah) ấn định vào ngày 4-7 tới. Người dân tiếp tục xuống đường phản đối, đòi hỏi một sự thay đổi triệt để, dọa tẩy chay cuộc bầu cử mà họ cho là vẫn do những nhân vật thân cận của cựu Tổng thống A.Bu-tê-phli-ca (Abdelaziz Bouteflika) dẫn dắt.

2 Tại châu Á, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận khu vực và thế giới là hai cuộc bầu cử được kỳ vọng tạo những thay đổi lớn tại In-đô-nê-xi-a (Indonesia) và Ấn Độ. Lần đầu trong lịch sử, hôm 17-4, In-đô-nê-xi-a tổ chức bầu đồng thời các chức danh tổng thống, phó tổng thống và hơn 20 nghìn đại biểu cơ quan lập pháp các cấp. Với sự tham gia của khoảng 245 nghìn ứng cử viên, đại diện sáu đảng phái chính trị, đây có thể xem là cuộc bầu cử có quy mô lớn và phức tạp hàng đầu thế giới. Trong đó, cuộc đua giành ghế tổng thống là “màn tái đấu” giữa hai ứng cử viên từng đối đầu trong kỳ bầu cử năm 2014 là Tổng thống đương nhiệm G.Uy-đô-đô (Joko Widodo) và cựu tướng quân đội P.Xu-bi-an-tô (Prabowo Subianto).

Trước đó, cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ khởi động hôm 11-4 cũng được xem như “đợt thực hành dân chủ” lớn nhất thế giới, với bảy giai đoạn bỏ phiếu kéo dài trong năm tuần. Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của đương kim Thủ tướng N.Mô-đi (Narendra Modi) hy vọng giành thêm một nhiệm kỳ, trong khi đảng Quốc đại (INC) đối lập cũng kỳ vọng trở lại vị thế cầm quyền họ từng nắm giữ trong nhiều thập niên sau độc lập.

Những ngã rẽ mịt mờ ảnh 1

3 Hy vọng về bước đột phá, nới dần nút thắt trong đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đã hé mở từ những tuyên bố tích cực của các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Trong cuộc họp ban lãnh đạo Đảng Lao động Triều Tiên tuần trước, nhà lãnh đạo Kim Châng Ưn (Kim Jong-un) tuyên bố, Bình Nhưỡng sẵn sàng trở lại bàn đàm phán với Oa-sinh-tơn (Washington), nếu Mỹ thể hiện sự linh hoạt trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên.

Tại cuộc hội đàm ở Oa-sinh-tơn, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) và người đồng cấp Hàn Quốc Mun Chê In (Moon Jae-in) cũng nhất trí về cách tiếp cận “triển khai từng bước” nhằm đạt thỏa thuận toàn diện. Sự đồng thuận lớn nhất là sự cần thiết duy trì đối thoại với Bình Nhưỡng để thực thi phi hạt nhân hóa một cách hòa bình. Ngoài sự điều chỉnh một vài quan điểm, nổi bật là chấp thuận một vài “thỏa thuận nhỏ” thay vì mục tiêu theo đuổi “thỏa thuận lớn” duy nhất, Tổng thống Trăm cũng khẳng định sớm tiến hành hội nghị cấp cao thứ ba với nhà lãnh đạo Kim Châng Ưn, tất nhiên là trên tinh thần thận trọng, từng bước, không vội vàng...

4 Giải thưởng báo chí Pulitzer năm nay đã vinh danh nhóm phóng viên hãng tin AP của Mỹ trong hạng mục báo chí quốc tế, với loạt bài mô tả chân thực sự tàn khốc của cuộc chiến ở Y-ê-men (Yemen). Các bài viết, phóng sự truyền hình của họ tạo được tiếng vang, góp phần đưa đến những động thái hỗ trợ người dân Y-ê-men kẹt trong bom đạn, trong đó có chương trình cứu trợ nhân đạo của LHQ.

Một hạng mục quan trọng khác - tin ảnh, được trao cho loạt ảnh về người di cư Trung Mỹ trên đường tìm kiếm cuộc sống mới ở nước Mỹ, được thực hiện bởi nhóm phóng viên ảnh của hãng Reuters.