Những kế hoạch lớn

Một loạt thách thức an ninh, kinh tế đã buộc các chính phủ phải đưa ra đối sách phù hợp. Theo đó, những kế hoạch lớn đã được công bố với kỳ vọng tạo nên những “lá chắn” bảo đảm an toàn và mang lại động lực phát triển, hòa bình cho đất nước.

Những kế hoạch lớn

1 Việt Nam đã lần đầu trúng cử thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025, với số phiếu 157/193 trong cuộc bầu cử tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 73 tại Niu Oóc (New York), Mỹ. Việc Việt Nam ứng cử thành công và lần đầu trở thành thành viên UNCITRAL đã thể hiện vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, mối quan hệ hữu nghị rộng mở của Việt Nam, ghi nhận sự đóng góp, nỗ lực tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có lĩnh vực luật thương mại quốc tế.

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, việc Việt Nam quyết định ứng cử làm thành viên UNCITRAL xuất phát từ đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, vận dụng và tham gia phát triển pháp luật quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nói chung, phục vụ cho triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững của nước ta. Việc Việt Nam cùng các nước tham gia vào UNCITRAL, phát huy áp dụng các văn kiện và sáng kiến của UNCITRAL, sẽ giúp tạo thuận lợi cho hoàn thiện, hài hòa hóa pháp luật quốc gia về thương mại, qua đó giảm các rào cản, giải quyết thỏa đáng tranh chấp phát sinh, tăng cường thương mại quốc tế phục vụ phát triển bền vững.

2 Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, Thượng tướng X.Ca-ra-ca-ép (S.Karakaev) cho biết, tất cả tác động của việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đưa tên lửa tầm trung vào châu Âu và những nguy cơ nảy sinh từ đó đe dọa nền an ninh của Nga đều đã được tính đến. Theo đó, một trong các biện pháp đối phó là từ nay cho đến hết năm, Nga có kế hoạch phiên chế cho quân đội khoảng 100 mẫu vũ khí mới, trong đó có tên lửa Yars cố định và di động. Đây cũng là sự đáp trả đối với việc Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại các nước Đông Âu.

Thượng tướng X.Ca-ra-ca-ép cho biết, Nga tiến hành nhiều biện pháp kỹ thuật quân sự cho phép giảm đáng kể hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng, việc INF sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới. Tổng thống Nga V.Pu-tin (V.Putin) cho rằng, Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.

Những kế hoạch lớn ảnh 1

3 Chính phủ Nhật Bản và Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) đã thông qua Đại cương Kế hoạch phòng vệ định hướng chính sách quốc phòng của Nhật Bản trong vòng 10 năm tới và Kế hoạch Phòng vệ trung hạn giai đoạn 2019-2023. Chính phủ Nhật Bản khẳng định nước này không có ý định sở hữu tàu sân bay tiến công và không vượt quá các quy định trong Hiến pháp hòa bình.

Bên cạnh các hình thái tác chiến truyền thống, Nhật Bản cũng lần đầu xác định tác chiến trên mạng máy tính, không gian vũ trụ và sóng điện từ là những hình thái mới cần tập trung phát triển để xây dựng sức mạnh phòng vệ tổng hợp nhằm đối phó hiệu quả với sự thay đổi của môi trường an ninh quốc tế. Cụ thể, Nhật Bản sẽ nâng cấp đơn vị tác chiến mạng, thành lập một đơn vị mới có nhiệm vụ giám sát không gian vũ trụ. Nhật Bản sẽ nghiên cứu áp dụng kỹ thuật cao, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, củng cố ngành công nghiệp quốc phòng và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Nhật Bản dự kiến chi 243 tỷ USD dành cho ngân sách quốc phòng cho 5 năm tới, con số kỷ lục từ trước tới nay.

4 Để đối phó với tình trạng lạm phát cao, tân Tổng thống Mê-hi-cô (Mexico) A.Ô-bra-đô (A.Obrador) cam kết sẽ tiếp tục tăng lương tối thiểu thêm 16% lên khoảng 5 USD/ngày. Ủy ban Tiền lương Mê-hi-cô cho biết, mức tăng lương tối thiểu được áp dụng từ ngày 1-1-2019 tới. Mức tăng 16% là mức tăng lương tối thiểu cao nhất tại Mê-hi-cô kể từ năm 1996.

Dự thảo ngân sách đầu tiên của chính quyền Tổng thống A.Ô-bra-đô nhận được phản ứng tích cực từ thị trường vì những cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tài khóa. Tuy nhiên, chính sách tiền lương lại đang làm dấy lên nhiều lo ngại về những tác động tới giá cả và lãi suất. Lương thấp tại Mê-hi-cô là một trong những vấn đề chính mà Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (D.Trump) đưa ra khi yêu cầu các bên đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ông chủ Nhà trắng cho rằng, đây là lợi thế giúp Mê-hi-cô thu hút các công ty nước ngoài và tạo thêm việc làm trong nước, nhưng cũng là nguyên nhân khiến tình trạng di cư tới Mỹ tăng cao.