Những chặng đường trước mặt

Những kỳ vọng, và cả những hoài nghi. Khá nhiều quốc gia, cũng như không ít điểm nóng trên thế giới đang chờ đợi thay đổi, đầu tiên là qua một số điểm khởi đầu mới
vừa được xác lập.

Nhà vua Nhật Bản đăng quang.
Nhà vua Nhật Bản đăng quang.

1 Nhà vua Nhật Bản Na-rư-hi-tô (Naruhito) chính thức đăng quang trong buổi lễ trọng thể được tổ chức tại Hoàng cung, với gần hai nghìn quan khách tham dự. Kế thừa ngai vàng từ đầu tháng 5 vừa qua, Nhà vua Na-rư-hi-tô đã có nhiều hoạt động để lại ấn tượng tốt đẹp. Người dân Nhật Bản tin rằng, Nhà vua Na-rư-hi-tô sẽ làm tốt vai trò "biểu tượng quốc gia" và "biểu tượng của nhân dân". Sự kiện đăng quang của Nhà vua Na-rư-hi-tô mở ra thời kỳ "hòa hợp tốt đẹp", theo đúng ý nghĩa của niên hiệu Lệnh Hòa (Reiwa); và dưới sự trị vì của "vị hoàng đế của những điều đầu tiên" này, đây sẽ là thời kỳ đổi mới, đem đến sức bật mới cho nền kinh tế Nhật Bản.

Người dân In-đô-nê-xi-a (Indonesia) cũng đặt kỳ vọng lớn vào Tổng thống G.Uy-đô-đô (Joko Widodo), người vừa chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, nhiệm kỳ được cho là "không trải hoa hồng". Những nhiệm vụ hàng đầu với vị Tổng thống tái đắc cử đó là củng cố đoàn kết quốc gia, khôi phục tăng trưởng kinh tế, giải quyết bất ổn xã hội và an ninh và thực thi các mục tiêu còn dang dở.

2 Tại Ca-na-đa (Canada), Thủ tướng G.Tru-đô (Justin Trudeau) đã dẫn dắt đảng Tự do chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử liên bang lần thứ 43 vừa qua, tiếp tục lãnh đạo chính phủ mới. Song, không giành đủ đa số phiếu cần thiết để tự mình lập Chính phủ, đảng Tự do phải hợp tác các đảng khác để lập liên minh cầm quyền. Trong nhiệm kỳ bốn năm vừa qua, Chính phủ Thủ tướng Tru-đô theo đuổi chính sách cải cách, với thông điệp thay đổi vì sự tiến bộ, đã đem đến sức sống mới cho nền kinh tế và các cam kết về khí hậu của Ca-na-đa. Trong nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Tru-đô tiếp tục gửi đi thông điệp về sự ổn định và thịnh vượng.

Tại Bô-li-vi-a (Bolivia), theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, Tổng thống đương nhiệm Ê.Mô-ra-lết (Evo Morales) giành thắng lợi cuộc bầu cử tổng thống nước này. Kết quả này tương tự các cuộc bầu cử trước đây, khi ông Mô-ra-lết luôn chiến thắng ngay trong vòng một; và nếu được xác nhận, Tổng thống Mô-ra-lết sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kỳ nữa, tới năm 2025.

3 Con số 43 nhà lãnh đạo châu Phi, trong tổng số 54 quốc gia châu lục, tham dự Hội nghị cấp cao và Diễn đàn kinh tế Nga - châu Phi lần đầu, diễn ra tại Xô-tri (Sochi) của Nga ngày 24-10, đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của "lục địa đen" về các sáng kiến hợp tác của Mát-xcơ-va (Moscow). Theo Tổng thống nước chủ nhà V.Pu-tin (Vladimir Putin), sự kiện này đánh dấu mốc lịch sử, khởi đầu mối quan hệ đối tác bình đẳng, tạo nền tảng cho các dự án hợp tác chiến lược mới giữa Nga và châu Phi. Với Nga, có thể bị xem là "chậm chân", song bước "xoay trục chiến lược", mở rộng mạng lưới đối tác chính trị, thương mại tới châu Phi giúp Nga vừa cân bằng các mối quan hệ quốc tế, vừa củng cố nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Những chặng đường trước mặt ảnh 1

Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hội đàm.

Nga cũng vừa có thêm bước đi củng cố vị thế chiến lược, dấy lên hy vọng giảm xung đột tại Xy-ri (Syria). Sau cuộc gặp ở Xô-tri, Tổng thống Pu-tin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan (Tayyip Erdogan) đã nhất trí về một chiến dịch nhằm thiết lập "vùng đệm", đưa các tay súng người Cuốc (Kurd) ra khỏi vùng chiến sự ở miền bắc Xy-ri. Thỏa thuận đạt được trong bối cảnh Mỹ vẫn chần chừ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này.

4 Không chỉ là những lời cảnh báo, mà nhiều đề xuất đã được đưa ra tại kỳ hội nghị hằng năm của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), vừa diễn ra trong một tuần qua tại Thủ đô Oa-sinh-tơn (Washington) của Mỹ. Chỉ sau một năm, đánh giá của các tổ chức tài chính toàn cầu về thực trạng kinh tế thế giới đã đảo ngược. Nhận xét lạc quan về "viễn cảnh tươi sáng, với tăng trưởng đồng bộ" hồi năm 2018 nay đã chuyển sang "nguy cơ suy giảm" và cảnh báo kinh tế toàn cầu "tụt lại" sau các cam kết trong những mục tiêu phát triển bền vững của LHQ...

Ngoài những yếu tố gây bất ổn địa chính trị toàn cầu, xuất phát từ tiến trình Brexit của Anh, hay những điểm nóng xung đột chưa hạ nhiệt ở Trung Ðông, nguyên nhân trực tiếp vẫn là tranh chấp, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Vì thế, IMF và WB nhấn mạnh và đặt kỳ vọng vào hợp tác đa phương để xử lý các vấn đề đe dọa ổn định tăng trưởng kinh tế toàn cầu.