Nhiệm vụ cấp bách

Các thách thức lớn về an ninh truyền thống, phi truyền thống và những khó khăn kinh tế tiếp tục gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tìm giải pháp để khôi phục hòa bình, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm phát triển cân bằng, bền vững đang là nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc này.

Châu Phi đứng trước một tương lai vô cùng khó khăn.
Châu Phi đứng trước một tương lai vô cùng khó khăn.

1. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo: Đại dịch Covid-19 có thể lấy đi một thập niên phát triển của châu Phi. Trong báo cáo cập nhật về Triển vọng kinh tế khu vực nam sa mạc Xa-ha-ra (Sahara), IMF dự báo kinh tế của các nước khu vực này sẽ phục hồi vào năm 2021, song trong năm 2020, nhiều nước dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và du lịch sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Do giá dầu giảm, du lịch đình trệ và hoạt động kinh doanh đóng cửa có thể khiến nền kinh tế khu vực giảm 3,2% trong năm 2020.

Theo báo cáo, suy giảm kinh tế được cho là nguyên nhân khiến thu nhập thực tính theo đầu người giảm tới 15% tại hầu như toàn bộ các nước khu vực nam sa mạc Xa-ha-ra, đồng nghĩa với việc toàn bộ khu vực sẽ giảm 7% trong năm 2020, trở lại xuất phát điểm cách đây một thập niên. Với việc giá dầu trên thế giới giảm, các nước xuất khẩu dầu thô sẽ chịu tác động mạnh nhất, như Ni-giê-ri-a (Nigeria) được dự báo kinh tế suy giảm khoảng 5,4%; Ăng-gô-la (Angola) giảm 4%. Trong khi đó, Nam Phi, nước có nền kinh tế công nghiệp hóa nhất khu vực, sẽ suy giảm kinh tế 8% trong năm 2020. Để giúp các nền kinh tế châu Phi vượt qua giai đoạn khó khăn, IMF đã triển khai các chương trình hỗ trợ với tổng viện trợ lên tới 10 tỷ USD trong khoảng hai tháng qua.

2. Ô-xtrây-li-a (Australia) công bố tăng mạnh chi ngân sách cho công tác bảo vệ an ninh mạng, sau khi Thủ tướng X.Mo-ri-xơn (S.Morrison) cảnh báo về một làn sóng tiến công mạng. Theo đó, Chính phủ Ô-xtrây-li-a sẽ chi bổ sung 1,35 tỷ đô-la Ô-xtrây-li-a (AUD) cho an ninh mạng, tăng khoảng 10%, nâng ngân sách cho việc này trong thập niên tới lên 15 tỷ AUD. Đây là số tiền chi lớn nhất từ trước tới nay, dự kiến sẽ tạo 500 việc làm mới trong Tổng cục Tín hiệu Ô-xtrây-li-a, cơ quan tình báo thông tin của chính phủ.

Thủ tướng X.Mo-ri-xơn cho biết hoạt động tiến công mạng chống lại Ô-xtrây-li-a đang ngày càng thường xuyên hơn, tinh vi hơn và trên quy mô lớn hơn. Ô-xtrây-li-a là một thành viên của mạng lưới tình báo FiveEyes, nhưng chi tiêu cho an ninh mạng của nước này thấp hơn so với nhiều cường quốc mạng.

3. Trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu vừa công bố trong tuần qua, IMF nhận định: Việc các thị trường chứng khoán thế giới gần đây tăng điểm mạnh bất chấp những bất ổn kinh tế có thể là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự phục hồi kinh tế, nếu các nhà đầu tư bất ngờ thay đổi quan điểm. IMF cho biết các thị trường đã “hưng phấn” trở lại nhờ những gói hỗ trợ quy mô lớn của các chính phủ và các ngân hàng trung ương. Song, hàng loạt chính sách phi truyền thống được triển khai cũng tiềm ẩn nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu ngập trong nợ nần, do dễ dàng tiếp cận các khoản vay. 

Gần đây chính phủ các nước tung ra các biện pháp hỗ trợ chưa có tiền lệ thông qua chính sách nới lỏng tài chính - tiền tệ, qua đó thúc đẩy tính thanh khoản, việc cho vay và lãi suất thấp, giúp giảm nhẹ tác động tiêu cực của đại dịch lên nền kinh tế. Tuy nhiên, nợ doanh nghiệp đã tăng lên mức cao trong lịch sử, trong khi nợ hộ gia đình cũng tăng lên. IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra nếu người đi vay không thể trả nợ. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 4,9% trong năm nay và ước tính 12.000 tỷ USD sẽ “bốc hơi” trong vòng hai năm. 

4. Các nhà tổ chức chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook đang chuẩn bị “tuyên chiến” trên phạm vi toàn cầu, nhằm gây áp lực buộc trang mạng xã hội này phải gỡ bỏ các nội dung mang tính thù địch. Chiến dịch mang tên “Ngừng các phát ngôn thù địch vì lợi nhuận” kêu gọi các công ty lớn ở châu Âu tham gia tẩy chay quảng cáo trên Facebook và thúc giục chính phủ các nước châu Âu có lập trường cứng rắn hơn với Facebook. 

Chiến dịch đang thu hút được sự ủng hộ của các công ty lớn. Kể từ khi chiến dịch này được phát động hồi đầu tháng 6, hơn 160 công ty, trong đó có Verizon Communications hay Unilever Plc, đã ký kết ngừng mua các đoạn quảng cáo trên facebook trong tháng 7 tới. Không chỉ trên Facebook, chiến dịch tẩy chay đã mở rộng tầm ảnh hưởng sang những nền tảng quảng cáo trực tuyến khác như Twitter.

ct5_1-1593767003090.jpg
Các nền tảng quảng cáo trực tuyến như Facebook đang đối diện với  những sức ép nặng nề.