Nguy cơ và cảnh báo

Những mâu thuẫn, căng thẳng tiếp tục gia tăng và rất nhiều cuộc đàm phán chưa thấy "ánh sáng cuối đường hầm". Trong khi đó, các thách thức an ninh phi truyền thống, cũng như nhiều vấn đề xã hội tiếp tục trở nên nghiêm trọng.

Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Ấn Ðộ tăng nhanh những ngày gần đây.
Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Ấn Ðộ tăng nhanh những ngày gần đây.

1 Trong một báo cáo gửi lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), các chuyên gia LHQ phụ trách giám sát các biện pháp trừng phạt và cấm vận vũ khí đối với Nam Xu-đăng (Nam Sudan) nhận định: Sự chậm trễ trong việc thực thi hiệp định hòa bình tại Nam Sudan đang đặt quốc gia này trước khả năng đối mặt một cuộc xung đột quy mô lớn.

LHQ khẩn thiết yêu cầu những nguồn xung lực mới từ các đối tác khu vực và quốc tế, nhằm làm giảm bớt những rạn nứt về an ninh và chính trị đang gia tăng tại đây. Các chuyên gia cũng kêu gọi tiếp tục duy trì lệnh cấm vận vũ khí đối với Nam Sudan sắp hết hạn vào cuối tháng 5 tới, và cần có các biện pháp trừng phạt mới đối với việc cản trở thực thi thỏa thuận hòa bình ký năm 2018, cũng như hoạt động phân phối hàng viện trợ nhân đạo. Báo cáo đánh giá: Những tranh chấp chính trị tại Nam Sudan kéo dài suốt hơn một năm qua về phương thức thực thi thỏa thuận hòa bình đã khoét sâu thêm những chia rẽ về chính trị, quân sự và sắc tộc tại đây, đẩy 8,5 triệu người dân quốc gia này đối mặt nguy cơ khủng hoảng nhân đạo.

2 Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo: Ấn Ðộ, nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới, có nguy cơ suy yếu do hậu quả của sự gia tăng đột biến số ca mắc mới Covid-19 và điều này có thể khiến nền kinh tế toàn cầu trượt dốc theo hiệu ứng dây chuyền.

Rất nhiều công ty Mỹ sử dụng hàng triệu lao động Ấn Ðộ. Ðể hỗ trợ Niu Ðê-li (New Delhi), Phòng Thương mại Mỹ cùng giám đốc điều hành của 40 công ty đã cho ra mắt một nhóm đặc biệt nhằm hỗ trợ khẩn cấp vật dụng y tế, máy trợ thở và các thiết bị y tế khác cho Ấn Ðộ. Nhóm này đồng thời thành lập một trang mạng để các công ty Mỹ có thể đưa ra những hỗ trợ tương tự. Các giám đốc điều hành người Mỹ gốc Ấn Ðộ làm việc tại các hãng công nghệ lớn như Google, IBM và Microsoft cam kết sẽ hợp tác với các nghị sĩ Mỹ để tìm cách tăng nguồn hỗ trợ y tế cho Ấn Ðộ.

3 Châu Âu lo lắng về những rủi ro cho tiến trình đàm phán cứu vãn thỏa thuận hạt nhân I-ran (Iran) ký năm 2015. Theo đó, đã có tiến triển trong các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng bất kỳ động thái leo thang nào cũng sẽ gây nguy hiểm cho bước tiến này. Các nước Anh, Pháp, Ðức khuyến khích tất cả các bên nắm bắt cơ hội ngoại giao và lên án mọi hành động làm leo thang căng thẳng.

Trong khi đó, Tổng thống Iran H.Ru-ha-ni (H.Rouhani) kêu gọi thực thi đầy đủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ông tuyên bố: Thỏa thuận lịch sử này cần phải được thực hiện đầy đủ và không thay đổi, dù là "thêm một từ hay bớt một từ". Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán hiện nay về thỏa thuận hạt nhân cần hướng tới lộ trình ba bước. Bước đầu tiên là Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Bước thứ hai, Tê-hê-ran (Tehran) sẽ xác minh việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này và bước cuối cùng là Iran sẽ thực hiện cam kết của mình theo thỏa thuận.

4 Ðổi mới trong lĩnh vực năng lượng sạch đang diễn ra chậm chạp và thực tế này là đáng lo ngại khi các kế hoạch nhằm hiện thực hóa các mục tiêu giảm khí thải các-bon hiện nay đều dựa trên các công nghệ chưa ra đời. Ðây là nhận định của Văn phòng sáng chế châu Âu (EPO) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Nguy cơ và cảnh báo -0
 Hoạt động sáng chế trong lĩnh vực công nghệ năng lượng tái tạo như gió và mặt trời đang suy giảm.

Theo báo cáo "Các sáng chế và chuyển đổi năng lượng" của EPO và IEA, số lượng các bằng sáng chế hằng năm cấp cho các công nghệ phát thải các-bon thấp chỉ tăng 3,3% kể từ năm 2017. Hoạt động sáng chế trong lĩnh vực công nghệ năng lượng tái tạo như gió và mặt trời đã suy giảm trong gần một thập niên qua, và chỉ chiếm 17% tổng số bằng sáng chế năm 2019. Báo cáo khẳng định: Ngành năng lượng sạch chỉ có thể đạt mức phát thải ròng bằng 0 nếu có một "cú huých" mạnh mẽ và mang tính toàn cầu để tăng tốc đổi mới sáng tạo.