Nguy cơ và cảnh báo

Một loạt nguy cơ đã xuất hiện và những cảnh báo ngày càng gấp gáp, trong bối cảnh các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn ra nghiêm trọng. Khủng hoảng rất có thể sẽ bùng phát, nếu không được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời…

Nguy cơ và cảnh báo

1. Trong bài phát biểu về chiến lược vũ khí hạt nhân của nước Pháp thời hậu Brexit - Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), Tổng thống Pháp E.Ma-crông (E.Macron) kêu gọi các quốc gia châu Âu “không thể chỉ làm khán giả” trước nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang có thể sắp nổ ra.

Theo Tổng thống E.Ma-crông (ảnh trên), các quốc gia châu Âu cần nhìn nhận một cách toàn diện rằng khi không có một khung pháp lý phù hợp, châu Âu sẽ nhanh chóng phải đối mặt với một cuộc chạy đua vũ trang truyền thống, hay thậm chí là vũ khí hạt nhân, trên chính lãnh thổ của mình. Ông cũng cho biết thêm: Pháp đã giảm số lượng đầu đạn hạt nhân quốc gia này sở hữu xuống dưới con số 300, cho phép quốc gia này yêu cầu các hành động chắc chắn từ các cường quốc hạt nhân khác vì mục tiêu giải trừ vũ khí toàn cầu từng bước, đáng tin cậy và có thể kiểm chứng. Ông chủ điện Ê-li-dê (Elysée) nhấn mạnh: Châu Âu đang đối mặt với nhiều nguy cơ nhất, vì vậy các quốc gia châu Âu nên tham gia ký kết một thỏa thuận mới để hạn chế phát triển các loại vũ khí tầm trung mới.

2. Trưởng đoàn đàm phán của EU M.Bác-ni-ê (M.Barnier) khẳng định: Nguy cơ không đạt thỏa thuận vẫn cao. Sau thời điểm Brexit, giai đoạn chuyển tiếp chỉ kéo dài đến cuối năm, và đến khi đó cần phải đạt được một thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai bên tại các cuộc đàm phán vừa được khởi động dường như rộng hơn bao giờ hết.

Theo ông M.Bác-ni-ê, EU sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận tự do thương mại không thuế quan, không có hạn ngạch, thậm chí là hào phóng hơn so với thỏa thuận với Ca-na-đa (Canada). Vấn đề gây tranh cãi nhất là “một sân chơi bình đẳng”, để tránh trường hợp Anh vượt qua đối tác thương mại lớn nhất của mình. Do vậy, Anh sẽ phải tuân thủ các quy tắc của EU về trợ cấp nhà nước cho các công ty, về tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn nơi làm việc và tiêu chuẩn lao động. EU cũng muốn duy trì quyền đánh cá ở vùng biển của Anh, và duy trì vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ).

Tuy nhiên, Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn (B.Johnson) đã kịch liệt bác bỏ những yêu cầu trên. Ông muốn một thỏa thuận thương mại tự do như thỏa thuận với Ca-na-đa, tức là không bị ràng buộc bởi các điều kiện nghiêm ngặt về sân chơi bình đẳng.

3. Các quan chức hàng đầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo: Các nền kinh tế thu nhập thấp nên cảnh giác đối với các vấn đề nợ, cần làm việc với các nhà đầu tư để cải thiện tính minh bạch về các khoản nợ và chú trọng cân bằng giữa thúc đẩy đầu tư và giảm nợ. Tổng Giám đốc IMF C.Gioóc-giê-va (K.Georgieva) nhấn mạnh: Số tiền lãi phải trả cho khoản nợ lớn có thể lấy đi những nguồn lực quý giá của người dân tại các quốc gia có thu nhập thấp, ảnh hưởng tới đầu tư vào giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng tại nước đó.

Ngoài ra, IMF và WB cũng bày tỏ quan ngại về việc thiếu tính minh bạch có thể khiến rủi ro nợ trở thành vấn đề lớn hơn trong một thế giới nhiều biến động. Theo Chủ tịch WB Đ.Man-pát (D.Malpass), sự thiếu minh bạch về nợ sẽ gây ra tình trạng mất cân bằng và thiếu vốn đầu tư vào những nhu cầu cấp bách.

4. Chuẩn bị cho Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc (LHQ) 2020 dự kiến diễn ra tại Li-xbon (Lisbon, Bồ Đào Nha) ngày 2-7 tới, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về đại dương, ông P.Thôm-xơn (P.Thomson) cảnh báo sinh thái đại dương đang có nguy cơ bị tàn phá nghiêm trọng. Do đó, cộng đồng quốc tế cần phải nỗ lực hết sức để cải thiện hệ sinh thái đại dương đang ngày càng xấu đi (ảnh dưới).

Theo ông P.Thôm-xơn, đại dương là phần quan trọng nhất của môi trường, sẽ không có hệ sinh thái Trái đất “khỏe mạnh” nếu không có một hệ sinh thái đại dương “lành mạnh”. Đại dương cũng hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải CO2 do con người thải ra. Song, các đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm, a-xít hóa, sự nóng lên ở đại dương... Theo thống kê, hơn ba tỷ người phụ thuộc vào hệ sinh thái biển và và ven biển để tìm kế sinh nhai. Vì vậy, mục tiêu hiện nay là quản lý và bảo vệ bền vững hệ sinh thái biển và ven biển khỏi ô nhiễm, cũng như giải quyết những tác động của tình trạng a-xít hóa đại dương.

Nguy cơ và cảnh báo ảnh 1