Ngăn chặn và cấm đoán

Các biện pháp “nặng tay” đã liên tiếp được đưa ra, phản ánh một thực tế là bất đồng và xung đột vẫn nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, sự cứng rắn ấy chưa chắc đã phải là giải pháp tốt nhất cho các vấn đề.

Ngăn chặn và cấm đoán

1 Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Xu-đăng (Sudan-UNMISS) đã phải điều lực lượng (ảnh trên) đến bang Lếch-xơ (Lakes), miền trung Nam Xu-đăng, sau khi xảy ra một loạt các vụ đụng độ giữa các nhóm sắc tộc khiến 79 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Dự kiến 75 binh sĩ gìn giữ hòa bình của LHQ sẽ đồn trú tại khu vực này trong vài tuần tới nhằm ngăn chặn tái diễn bạo lực giữa cộng đồng người Gác (Gak) và Me-niu-ơ (Manuer). Ðại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ, đồng thời là người đứng đầu Phái bộ Sudan-UNMISS, kêu gọi các cộng đồng sắc tộc và các thủ lĩnh của những cộng đồng này chấm dứt xung đột bạo lực, cùng nhau hòa giải vì lợi ích của người dân trong sắc tộc.

Theo Sudan-UNMISS, thỏa thuận hòa bình về chia sẻ quyền lực được ký kết vào tháng 9 năm ngoái giữa các phe phái ở Nam Xu-đăng đã giúp ngăn chặn bạo lực chính trị ở nước này. Các cuộc xung đột giữa các phe phái đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người và dẫn đến một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực sắc tộc vẫn tiếp diễn, với các vụ cướp bóc tài sản, đụng độ và tiến công trả thù gây thương vong.

2 Lầu năm góc ngày 11-12 thông báo mở cuộc điều tra nội bộ về tính pháp lý của việc Tổng thống Ð.Trăm (D.Trump) điều binh lính đến biên giới để giúp nhà chức trách ngăn làn sóng nhập cư trái phép. Nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã yêu cầu một cuộc điều tra từ ba tháng trước về việc liệu quyết định trên của Tổng thống Ð.Trăm có vi phạm các quy định hay không. Theo Luật Posse Comitatus, một đạo luật ra đời từ thế kỷ 19 nhằm cấm sử dụng binh sĩ Mỹ chống lại dân thường, quy định binh sĩ Mỹ không được quyền khám xét, tạm giữ hay bắt giam dân thường. Tổng thanh tra độc lập của Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng M.E-xpơ (M.Esper) và các quan chức cấp cao Lầu năm góc, đề nghị hợp tác với cuộc điều tra này.

Việc số người nhập cư trái phép phần lớn đến từ các nước Trung Mỹ vào Mỹ qua Mê-hi-cô (Mexico) tăng đột biến trong những năm qua đã gây ra cuộc khủng hoảng tại biên giới giữa hai nước. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, khoảng 3.900 binh sĩ Mỹ và 2.600 thành viên dự bị của lực lượng Vệ binh quốc gia đã được triển khai tại biên giới Mỹ - Mê-hi-cô và Bộ trưởng E-xpơ đã gia hạn nhiệm vụ này tới tháng 9-2020.

3 Kể từ năm 1998, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã duy trì lệnh cấm áp thuế nhập khẩu trong giao dịch điện tử, ước tính có giá trị lên tới 225 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, lệnh cấm này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2019. Các thành viên WTO trong cuộc họp tuần qua đã nhất trí duy trì việc không áp thuế đối với thương mại số cho đến Hội nghị WTO cấp bộ trưởng lần thứ 12 dự kiến diễn ra tại Ca-dắc-xtan (Kazakhstan) vào tháng 6-2020.

Tổng Thư ký Phòng Thương mại quốc tế (ICC) G.Ðen-tơn (J.Denton) cho rằng điều này đã thể hiện được vai trò của WTO - một diễn đàn để hoạch định chính sách thương mại đa phương. Một số nước, trong đó có Ấn Ðộ và Nam Phi, bày tỏ mong muốn dỡ bỏ lệnh cấm trong bối cảnh các nước này đang phát triển kinh tế số và muốn tăng thêm doanh thu do các hoạt động thương mại đang ngày càng số hóa. Tuy nhiên, một số ý kiến lại quan ngại rằng điều này có thể dẫn đến các biện pháp đáp trả thuế quan lẫn nhau.

4 Cơ quan Phòng, chống doping thế giới (WADA) đã cấm Nga tham dự Ô-lim-pích (Olympic) và một loạt giải thể thao quốc tế trong bốn năm tới, sau khi kết luận ngành thể thao Nga giả mạo các kết quả xét nghiệm doping. Việc Nga bị cấm tham dự các giải thể thao quốc tế lớn trong bốn năm, đồng nghĩa với việc Nga sẽ không được quyền tham dự Ô-lim-pích Tô-ki-ô 2020 tại Nhật Bản, Ô-lim-pích mùa đông 2022 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2022 tại Ca-ta (Qatar). Ngoài ra, các quan chức Chính phủ Nga cũng không được phép tham dự các sự kiện thể thao lớn và Mát-xcơ-va cũng bị tước quyền đăng cai các giải thể thao quốc tế.

WADA cũng nhất trí đình chỉ tư cách thành viên của Cơ quan Phòng, chống doping Nga (RUSADA) trong bốn năm. Phía Nga có 21 ngày để kháng cáo lên Tòa án Trọng tài thể thao (CAS).

Ngăn chặn và cấm đoán ảnh 1